29/06/2015 - 10:08

Trái đất đang bước vào giai đoạn đại tuyệt chủng thứ 6

Loài khủng long đã biến mất trong cuộc đại tuyệt chủng thứ 5 trên Trái đất, xảy ra cách đây 65 triệu năm. Mới đây, một nghiên cứu vừa công bố trên tạp chí Science Advances (Mỹ) cho rằng cuộc đại tuyệt chủng thứ 6 có thể đang diễn ra và con người nhiều khả năng là "thủ phạm".

Trong nghiên cứu do Đại học Stanford, Đại học Princeton và Đại học Berkeley dẫn đầu, các nhà khoa học đã tiến hành phân tích tốc độ tuyệt chủng trong lịch sử của các loài động vật có xương sống bằng cách đánh giá hồ sơ hóa thạch của chúng. Họ phát hiện rằng động vật có xương sống hiện đang biến mất với tốc độ nhanh gấp 114 lần so với bình thường.

Từ năm 1900 đến nay, có 477 loài động vật có xương sống đã biến mất khỏi Trái đất. Thời gian gần đây, Emperor Rat (loài gặm nhấm chỉ có trên quần đảo Solomon), Desert Rat Kangaroo (loài chuột sống ở vùng sa mạc miền Trung nước Úc), Yangtze River Dolphin (loài cá heo sống ở sông Dương Tử – Trung Quốc), Skunk Frog (loài ếch ở bang Trujillo, Venezuela) và cá tầm thìa Trung Quốc là những loài được tin đã tuyệt chủng. Theo nhận định của nhóm chuyên gia, tình trạng mất mát số lượng loài như thế thông thường phải xảy ra trong khoảng thời gian kéo dài đến cả 10.000 năm.

Tê giác Sumatra, báo hoa mai Amur, khỉ đột núi và cá mập vi trắng hiện là 4 loài đang có nguy cơ tuyệt chủng. Ảnh: The Independent

Với tốc độ tuyệt chủng như hiện thời, các nhà nghiên cứu lo ngại rằng khoảng 75% những loài động vật mà nhân loại biết đến có thể không còn được tìm thấy trên Trái đất chỉ trong vòng 2 thế hệ. "Chúng ta hiện đã bước vào cuộc đại tuyệt chủng thứ 6"- nhóm tác giả khẳng định trong nghiên cứu chung.

Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) mới đây cho biết hiện có ít nhất 50 loài động vật đang tiến gần tới bờ vực tuyệt chủng mỗi năm. Khoảng 41% số loài lưỡng cư và 25% số loài động vật có vú đang bị đe dọa tuyệt chủng. Đơn cử, loài vượn cáo phải đối mặt với một cuộc tranh đấu thực sự để tránh nguy cơ tuyệt chủng trong tự nhiên trong vòng vài năm tới. Cụ thể là có đến 94% tổng số loài vượn cáo đang bị đe dọa mạng sống, với hơn 1/5 được xếp vào nhóm "cực kỳ nguy hiểm".

Theo giới khoa học, cuộc đại tuyệt chủng thứ 5 trên Trái đất được gây ra bởi các thảm họa tự nhiên với quy mô lớn (như sao băng hoặc nhiều vụ phun trào núi lửa liên tiếp) và đã "quét sạch" từ 50-96% số loài sinh vật có mặt trên hành tinh chúng ta. Nhưng nhóm nghiên cứu cho hay cuộc đại tuyệt chủng hiện tại không được gây ra bởi các thảm họa lớn trong tự nhiên. Nó đang được gây ra bởi những thay đổi do chính con người tạo ra đối với môi trường – bao gồm nạn chặt phá rừng, săn bắn và đánh bắt động vật quá mức, kết hợp với hiện tượng nóng lên toàn cầu.

Dẫu vậy, Giáo sư Anthony Barnosky - đồng tác giả nghiên cứu tại Đại học Berkeley - tin rằng vẫn chưa quá muộn để con người đối phó với cuộc đại tuyệt chủng lần 6, thông qua các biện pháp như cắt giảm lượng khí thải carbon, không mua bán và tiêu thụ sản phẩm làm từ các loài đang bị đe dọa, hoặc ăn ít thịt động vật hơn.

NGUYỆT CÁT (Theo CNN, BBC)

Chia sẻ bài viết