10/12/2024 - 06:48

Trả giá cho lòng tham 

Chỉ vì lòng tham, các bị cáo: Phạm Ngọc Thùy (sinh năm 1987) ngụ phường Long Hòa, quận Bình Thủy; Đỗ Thị Yến Phương (sinh năm 1990) và Trần Tiến Lực (sinh năm 1987), cùng ngụ phường An Khánh, quận Ninh Kiều, đã phải trả giá đắt.

Thùy và Phương, mỗi người 8 năm tù; Lực 5 năm tù về tội tham ô tài sản.

 

Các bị cáo: Lực, Thùy và Phương lần lượt trả lời câu hỏi của Hội đồng xét xử.

Thùy được tuyển dụng chính thức vào Bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ (gọi tắt là BV) năm 2013. Phương được tuyển dụng chính thức vào BV năm 2014. Cả hai được phân công làm việc tại Khoa Xét nghiệm của BV, có nhiệm vụ xét nghiệm hóa sinh, vi sinh, miễn dịch, PCR, lưu kết quả xét nghiệm, dự trù, báo cáo hóa chất PCR hằng tháng để BV mua sắm; giao, nhận, bảo quản Kit và hóa chất liên quan đến việc xét nghiệm.

Từ năm 2017-2021, BV là đơn vị sử dụng Kit xét nghiệm của Công ty Cổ phần công nghệ Việt Á (gọi tắt là Công ty Việt Á) sản xuất, theo các gói thầu mua sắm tập trung do Sở Y tế TP Cần Thơ tổ chức đấu thầu rộng rãi mà Công ty Việt Á trúng thầu, bao gồm các loại Kit: viêm gan B; viêm gan C; Lao và các hóa chất đi kèm sử dụng trong quá trình xét nghiệm mẫu bệnh phẩm.

Trần Tiến Lực là nhân viên kinh doanh Công ty Việt Á phụ trách BV. Cuối năm 2017, Lực thông tin với Phương và Thùy nếu khi xét nghiệm có tiết kiệm được Kit và hóa chất thì báo Công ty Việt Á, Công ty sẽ hỗ trợ tiền. Phương và Thùy hỏi Lực về số tiền được nhận thì Lực cho biết sẽ do Lực và Công ty Việt Á tính toán. Từ gợi ý này, Phương và Thùy bàn bạc cùng nhau sẽ gom lô xét nghiệm lại để lấy Kit và hóa chất sử dụng làm chứng âm, chứng dương trong các lần xét nghiệm. Theo quy trình xét nghiệm sinh học phân tử, ngoài việc sử dụng Kit xét nghiệm tương ứng với từng loại bệnh phẩm, còn phải sử dụng 1 Kit chứng âm, 1 Kit chứng dương (Kit chứa mẫu bệnh phẩm đã biết kết quả âm tính, dương tính) và những hóa chất đi kèm khác trong một lần thực hiện xét nghiệm. Phương và Thùy báo cho Lực biết có thể tiết kiệm được. Từ đó, cả hai đã gom nhiều mẫu bệnh phẩm xét nghiệm chung một lần, nhưng báo cáo xét nghiệm nhiều lần. Khi đó Kit và hóa chất sử dụng làm chứng âm, chứng dương sẽ dư ra, Phương và Thùy lấy để riêng vào một tủ lạnh khác cũng trong Phòng sinh học phân tử, để tránh bị Khoa Dược và kế toán kiểm tra phát hiện.

Lực, Phương, Thùy thống nhất cách thực hiện, khi kiểm tra kho và dự trù mua sắm theo yêu cầu của Khoa Dược, Phương và Thùy kiểm tra lại số Kit và hóa chất đã cất giấu được bao nhiêu, Phương và Thùy cộng thêm vào báo cáo dự trù cùng với số Kit và hóa chất thực mua để Khoa Dược đưa vào đơn hàng mua sắm của BV, đồng thời, báo cho Lực số lượng Kit và hóa chất khống để Lực ghi chú lại số hàng khống không cần giao hàng thật.

Sau đó, Lực sẽ chuyển thông tin này về Phòng kinh doanh Công ty Việt Á, ghi chú số lượng hàng khống. Phòng kinh doanh chuyển thông tin số lượng đến bộ phận sản xuất để sản xuất hàng giống hàng thật nhưng bên trong là nước lọc và đánh dấu “X” để Phương và Thùy biết. Khi nhân viên BV nhận hàng xong giao cho Phương và Thùy đưa về Khoa Xét nghiệm bảo quản thì Phương và Thùy sẽ lấy hàng khống bỏ đi và nhập số hàng thật cùng với số Kit và hóa chất đã lấy để riêng cho đủ số lượng đơn hàng đã đặt.

Từ tháng 1-2018 đến tháng 7-2021, Thùy và Phương cất giấu riêng số lượng Kit và hóa chất dùng để xét nghiệm, sau đó tổng hợp báo về Khoa Dược để lên đơn hàng mua sắm cho BV tương đương số tiền hơn 1,9 tỉ đồng. BV đã thực hiện thanh toán đầy đủ các đơn hàng mua của Công ty Việt Á. Cuối các năm mua sắm, Lực tổng hợp số lượng Kit và hóa chất khống đưa cho Phương và Thùy xem và đề nghị kế toán Công ty Việt Á tính để thanh toán tiền hàng khống cho Phương và Thùy. Kế toán tính toán, sau khi trừ chi phí 10%, thuế VAT 5%, tiền chiết khấu 20%, rồi trình cho Phan Quốc Việt, Tổng Giám đốc Công ty Việt Á duyệt. Sau khi được duyệt, thủ quỹ của Công ty Việt Á sẽ chuyển tiền vào tài khoản của Trần Tiến Lực, để Lực đưa cho Phương và Thùy.

Thùy và Phương thừa nhận đã nhận tổng số tiền là 800 triệu đồng từ Lực; Phương, Thùy chia nhau mỗi người 400 triệu đồng… Quá trình điều tra, Phương nộp 400 triệu đồng, Thùy nộp 400 triệu đồng, Lực nộp 50 triệu đồng, Công ty Việt Á nộp hơn 1,4 tỉ đồng để khắc phục toàn bộ hậu quả liên quan đến BV…

Các bị cáo đã bị đồng tiền làm mờ mắt, giờ có hối tiếc cũng quá muộn màng. Đây cũng là bài học cảnh tỉnh cho những ai thích có tiền bằng cách “lấy của công, làm của riêng”.

Bài, ảnh: Chấn Hưng

Chia sẻ bài viết