29/01/2023 - 19:30

Tối ưu nguồn lực, đưa kinh tế vượt qua thách thức 

Bài, ảnh: MỸ THANH

Theo các chuyên gia kinh tế, năm 2023, kinh tế Việt Nam đối mặt nhiều thách thức, khó khăn do kinh tế thế giới có dấu hiệu suy thoái; lạm phát; các động lực tăng trưởng từ xuất khẩu - đầu tư - tiêu dùng suy giảm... Tuy nhiên, trong bối cảnh nhiều “gam màu xám” như vậy, nếu Việt Nam kịp thời nắm bắt, tranh thủ các động lực tăng trưởng mới từ kinh tế xanh và chuyển đổi số; thu hút nguồn lực đầu tư mới sẽ là thời cơ để tạo ra các đột phá, đưa kinh tế bứt tốc trong tương lai.

Hoạt động  sản xuất tại Công ty TNHH Trà Vinh Farm, tỉnh Trà Vinh.

Nhận diện tình hình

Tại Diễn đàn kịch bản Kinh tế Việt Nam năm 2023:” Tối ưu nguồn lực, vượt qua thách thức” mới đây, ông Nguyễn Minh Vũ, Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao đưa ra dự báo môi trường quốc tế và khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, nhiều biến động, rủi ro. Trong đó, nổi lên 3 xu hướng đáng chú ý. Thứ nhất, kinh tế thế giới đang mất dần động lực tăng trưởng, áp lực lạm phát, tiền tệ thắt chặt; trong đó, các động lực tăng trưởng như xuất khẩu - đầu tư - tiêu dùng toàn cầu dự báo sẽ suy giảm. Thứ hai, các chuyển đổi mang tính cơ cấu tiếp tục tái cấu trúc và định hình các nguyên tắc, luật chơi mới trong quản trị kinh tế toàn cầu (thương mại xanh, thuế tối thiểu toàn cầu…). Thứ ba, khu vực châu Á - Thái Bình Dương, trong đó có Ðông Nam Á, được đánh giá là trọng tâm của kinh tế thế giới, là động lực tăng trưởng, đồng thời là trung tâm của nhiều liên kết, sáng kiến kinh tế mới của các nước.

Ông Nguyễn Ðức Hiển, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, thông tin: Hiện Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Hà Lan, Ðức, Anh và Hồng Kông chiếm 58% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Các nước này dự báo có mức độ suy thoái kinh tế ở mức độ nhẹ trong ngắn hạn. Vì vậy, một số ngành dệt may, da giày, đồ gỗ của nước ta tiếp tục bị ảnh hưởng. Ngoài ra, Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ, Malaysia, Ðài Loan, Indonesia chiếm 41,3% tổng kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam cũng sẽ bị ảnh hưởng bởi suy thoái kinh tế năm 2023. Về đầu tư, ngoài Trung Quốc và Thái Lan có dự báo tương đối tích cực trong năm 2023, các đối tác còn lại gồm Singapore, Hàn Quốc, Nhật Bản, Ðài Loan, Hong Kong, Mỹ chiếm 72% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam dự báo có dấu hiệu rơi vào suy thoái tùy mức độ khác nhau. Từ thực tế này, ông Nguyễn Ðức Hiển cho rằng, mục tiêu tăng trưởng 6,5%, lạm phát 4,5%, cùng nhiều mục tiêu khác đã được Quốc hội thông qua trong năm 2023 nếu không có sự điều hành linh hoạt chắc chắn sẽ là những thách thức rất lớn đối với Việt Nam.

Theo TS Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia, Kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV, mặc dù kinh tế thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng gặp nhiều khó khăn trong năm 2023 nhưng tính bất ngờ không còn nữa mà đã được dự báo, tiên lượng trước. Mặt khác, bên cạnh những điểm tối, Kinh tế nước ta cũng có những gam màu sáng từ các hiệp định thương mại tự do như Hiệp định Ðối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định Ðối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP)... Các hiệp định này sẽ thiết lập một nền tảng quan hệ đối tác kinh tế hiện đại, toàn diện, chất lượng cao và Việt Nam là một trong những quốc gia hưởng lợi. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng có nhiều thuận lợi, cơ hội khi đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế, hoàn thiện thể chế, với nhiều luật sẽ được Quốc hội luận bàn, sửa đổi như luật đất đai, luật nhà ở, luật kinh doanh bất động sản, luật tổ chức tín dụng...

Linh hoạt nhiều giải pháp

Theo ông Nguyễn Ðức Hiển, năm 2023 có ý nghĩa hết sức quan trọng, không chỉ là năm bản lề mà còn giúp tạo dựng nền tảng trong phát triển kinh tế - xã hội trong trung và dài hạn, nhất là trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2030. Vì vậy, việc nhận diện, phân tích những tồn tại, hạn chế trong năm 2022 và đưa ra các kịch bản, giải pháp hướng tới mục tiêu có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Và yêu cầu đặt ra là cần có cách tiếp cận đầy đủ hơn, tối ưu hóa nguồn lực không chỉ là dựa vào nhân lực, tài chính, đất đai mà còn các điều kiện về thể chế, chính sách để thực sự tạo ra sự tăng trưởng mới trong năm 2023.

Ông Nguyễn Minh Vũ đề ra phương châm 3K trong phát triển kinh tế 2023. Thứ nhất, kiên định ổn định chiến lược, trong đó việc duy trì, củng cố nội lực của nền kinh tế là rất cần thiết. Thứ hai, kiên quyết giữ vững tự chủ, tự cường gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, trên cơ sở làm chủ khoa học công nghệ, thúc đẩy chuyển đổi số. Thứ ba, kiên trì “phát triển bền vững”, các chính sách, kế hoạch sẽ phải điều chỉnh, thích ứng với tình hình dự báo nhiều bất ổn của năm 2023, tuy vậy cần bảo đảm cân bằng, phù hợp giữa các lộ trình trong ngắn hạn và dài hạn, có trọng tâm, trọng điểm để tối ưu hóa nguồn lực. Về phía ngành Ngoại giao sẵn sàng phát huy vai trò tiên phong trong ngoại giao kinh tế, huy động các nguồn lực bên ngoài, gắn kết với nguồn lực bên trong phục vụ phát triển kinh tế - xã hội đất nước.

Tại diễn đàn, một số doanh nghiệp chia sẻ những cách làm hay để tồn tại và phát triển trong bối cảnh khó khăn, đặc biệt là đại dịch COVID-19 vừa qua. Ông Lê Trường Sơn, Phó Tổng Giám đốc Saigon Co.op, chia sẻ: “Quá trình xây dựng và phát triển, Saigon Co.op có kế hoạch trung và dài hạn nhưng sự ứng biến trong từng giai đoạn là phải hết sức linh hoạt. Chúng tôi không đặt cược “điểm rơi” chỗ này hay chỗ kia mà là lúc đó cách hành xử của mình sẽ như thế nào. Trong giai đoạn khó khăn vừa qua, Saigon Co.op tập trung vào 4 vấn đề: tăng cường củng cố nội lực; ứng dụng công nghệ, số hóa hoạt động; tìm kiếm cơ hội, chia sẻ và đồng hành cùng các doanh nghiệp, hợp tác xã; đóng góp vào công cuộc xây dựng pháp luật và thể chế”. Về định hướng phát triển thời gian tới, ông Lê Trường Sơn kiến nghị việc xây dựng, sửa đổi Luật Hợp tác xã cần phải tạo điều kiện để hợp tác xã tồn tại và phát triển, mà còn có cơ chế để hợp tác xã đủ sức cạnh tranh và không ngừng “lớn lên”. Ðồng thời, mong muốn các chuyên gia, các lãnh đạo bộ ngành… lắng nghe doanh nghiệp và xây dựng cơ chế chính sách dựa trên nhu cầu thực tế của doanh nghiệp để giúp doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn thời gian tới.

Nhiều ý kiến cho rằng, năm 2022, Việt Nam xây dựng được nhiều quy hoạch vùng, địa phương; kế hoạch phát triển ngành, lĩnh vực và các chủ trương hỗ trợ doanh nghiệp. Và trong năm 2023 cần nhanh chóng cụ thể hóa các chủ trương, chính sách này thành các kế hoạch, biện pháp, dự án cụ thể đi vào thực tiễn phục vụ yêu cầu phát triển của doanh nghiệp, người dân, từ đó đóng góp chung vào phát triển kinh tế - xã hội nước nhà.

Chia sẻ bài viết