Tập thơ “Ðợi những vắng xa” (NXB Hội Nhà văn và Yaobooks liên kết phát hành) của tác giả trẻ Trương Công Tưởng vừa ra mắt những ngày gần đây, nhận được nhiều hiệu ứng tích cực. Ðó là một giọng thơ lạ, giàu cảm xúc và có chiều sâu nghệ thuật, nối tiếp thành công của tập thơ đầu tay “Ngồi gỡ tơ trời” vào năm 2018.
Tác giả Trương Công Tưởng. Ảnh: NVCC
Trò chuyện với phóng viên Báo Cần Thơ, Trương Công Tưởng chia sẻ:
“Đợi những vắng xa” có 45 bài thơ, là những chắt chiu cảm xúc của một người viết thơ trẻ như tôi trên hành trình văn chương. Vẫn những đề tài quen thuộc về tình yêu, quê hương và gia đình nhưng tôi cố gắng tự làm mới đề tài và cả làm mới mình trong cách viết, cách thể hiện, với mong muốn tìm được sự đồng điệu nơi độc giả.
► Trong “Ðợi những vắng xa”, anh chủ yếu dùng thể thơ tự do để thể hiện. Nhiều người nói rằng, thơ tự do tưởng dễ mà khó, không khéo sẽ thành diễn giải dài dòng, “thơ lai văn”, anh nghĩ sao?
- Tôi là một cây bút trẻ nên thường dễ tiếp nhận những mới mẻ đương thời. Thêm vào đó, thể thơ tự do khiến tôi được thoải mái nhất khi viết bởi sẽ dễ dàng thể hiện được cảm xúc, nội dung muốn chuyển tải và cá tính của mình. Cách thể hiện của thơ tự do mang tính phóng khoáng, linh hoạt, không bị ràng buộc bởi niêm luật, có thể tạo ra nhiều tứ thơ, hình ảnh thơ lạ, hay tùy theo khả năng người viết, câu chữ dễ thoát ý, gần gũi, thể hiện được nhiều góc cạnh đa chiều, phong phú hơn về các vấn đề của đời sống.
Nhưng tôi cũng đồng ý với quan điểm, nếu viết không khéo thì bài thơ sẽ trở thành những đoạn văn dài dòng, những câu văn ngắt chữ khó đọc, khó bắt nhịp, khó cảm gây cho độc giả sự khó chịu khi tiếp nhận. Mà thơ thì luôn đòi hỏi tính hàm súc, cô đọng và phải tạo được thi ảnh. Khi viết, tôi luôn muốn neo giữ cảm xúc của mình một cách chân thật và trọn vẹn nhất, bởi vậy kỹ thuật chỉ là công cụ bổ trợ giúp tôi chuyển tải được ý tứ của bài viết.
Chúng ta hay nói về khoảng cách giữa người viết và độc giả trong giai đoạn bão hòa của thơ ca hiện nay khi có ý kiến cho rằng thơ tân thời khó đọc, khó cảm. Nhưng riêng tôi, tôi tin độc giả bây giờ tinh tế lắm, nếu tác phẩm không hay và không lay động thật sự sẽ bị thờ ơ và nhanh chóng đi vào quên lãng.
► Nếu tự so sánh với tập thơ đầu tay “Ngồi gỡ tơ trời” từng tạo được tiếng vang với tập thơ mới này, anh sẽ nói về điều gì?
- “Ngồi gỡ tơ trời” gần như là nơi tôi neo giữ thanh xuân của mình. Ðó là những cảm xúc, những trải nghiệm trong tình yêu và tình cảm của bản thân dành cho những nơi đã đi qua, những người đã gặp. Và trên hết là tình yêu quê hương xứ sở bắt nguồn từ những điều bình dị, thân thương nhất. Khi trái tim bạn thổn thức bởi những điều bé nhỏ, bạn mới biết là bạn đã yêu nó đến như thế nào.
Tập thơ “Ðợi những vắng xa” của Trương Công Tưởng. Ảnh: NVCC
Còn ở “Ðợi những vắng xa”, đó là những bài thơ mới viết trong vòng ba năm trở lại đây. Vẫn trên nền chủ đạo những đề tài và cảm xúc ấy, nhưng có thể nói, “Ðợi những vắng xa” là tập thơ làm đầy lên hơn những cảm xúc và chín chắn hơn trong nghĩ suy. Tôi tự thấy mình cần và tôi đã làm, rằng câu chữ cần trau chuốt hơn, kiệm lời hơn. Ðề tài hậu chiến cũng được tôi đưa vào tập thơ này và trong tương lai tôi muốn thử sức thêm ở nhiều đề tài khác mang tính thời sự hơn. Tôi nghĩ đây cũng là trách nhiệm của người cầm bút, nhất là người viết trẻ trước cuộc sống.
► Sinh ra và lớn lên nơi “đất võ trời văn” Bình Ðịnh, anh nghĩ mình sẽ theo đuổi thơ ca trong tương lai thế nào?
- Với tôi, thơ trước hết là một người bạn để giãi bày và sẻ chia nhiều điều trong cuộc sống mà nhiều khi ngôn ngữ đời thường khó có thể nào diễn tả hết. Thơ cũng mở ra cho tôi một thế giới rộng lớn hơn về nhân sinh quan, về con người, giúp tôi biết nhìn nhận, thấu cảm và yêu thương cuộc sống này hơn dù đôi khi cuộc đời này đã dành cho ta rất nhiều cay đắng.
Tôi không sống bằng nghề viết nên không có áp lực về số lượng, tôi chú trọng đến chất lượng trong mỗi sản phẩm của mình làm ra bởi đó cũng là cách tôi thể hiện sự tôn trọng nghề viết, tôn trọng độc giả của mình.
► Xin cảm ơn anh!
Tác giả Trương Công Tưởng sinh năm 1990, quê ở Hoài Ân, Bình Định. Tập thơ đầu tay “Ngồi gỡ tơ trời” của anh ra mắt hồi năm 2018 đã đoạt giải B (không có giải A) của Liên hiệp các Hội Văn học - Nghệ thuật Việt Nam năm 2019 và được trao Giải thưởng Sáng tác văn học Bình Định mở rộng 2018-2019. Anh cũng từng là đại biểu tham dự Hội nghị Những người viết văn trẻ toàn quốc lần thứ IX - năm 2016 và Hội nghị Viết văn trẻ Đà Nẵng năm 2017.
ÐĂNG HUỲNH (thực hiện)