15/12/2012 - 09:28

Tôi không muốn trở thành gánh nặng của mẹ!

Không có tiền mua thuốc, mẹ con anh Lâm chỉ trông chờ vào sự thương tình của bà con hàng xóm, giúp xin thuốc nam về cho anh Lâm uống đỡ, mong thuyên giảm phần nào bệnh tật.

Đó là câu nói chất chứa tất cả nỗi niềm của anh Liêu Hoàng Lâm, 28 tuổi, đang tạm trú tại khu vực 3, phường Hưng Lợi, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ. Người thanh niên này lẽ ra phải giữ vai trò trụ cột của gia đình nhưng căn bệnh gan ngày càng trở nặng đã khiến anh Lâm chỉ còn có thể lê từng bước nặng nhọc quẩn quanh trong căn phòng trọ, mọi chuyện cơm áo, gạo tiền đành phó mặc cho người mẹ đã vất vả cả đời nuôi anh khôn lớn.

Hôn nhân không hạnh phúc, vợ chồng bà Trần Mỹ Hạnh sớm chia tay nhau khi bà vừa mang thai anh Lâm. Rời quê gốc ở phường Châu Văn Liêm, quận Ô Môn, bà Hạnh tìm tới trung tâm TP Cần Thơ mưu sinh bằng đủ thứ nghề: giúp việc nhà, phụ quán ăn, giác hơi lề đường, bán vé số …, mong kiếm đủ tiền nuôi con. Cuộc sống rày đây mai đó, khiến anh Lâm khó học hành. Hết lớp 3, đọc viết mới rành, anh Lâm đã phải nghỉ học phụ giúp mẹ làm chuyện nhà, rồi bắt đầu làm thuê khi mới mười mấy tuổi. Ánh mắt buồn bã nhìn con, bà Hạnh nói: "Tôi nuôi thằng Lâm lớn đến chừng này cũng là may mắn lắm. Nó hết bệnh này lại đến bệnh kia, suýt chết mấy bận". Theo lời bà Hạnh, lúc anh Lâm còn ẵm trên tay đã đau ban rất nặng; đến chừng 6-7 tuổi thì bị kinh phong, khoảng nửa tháng lại lên cơn co giật một lần, khiến bà Hạnh mất ăn mất ngủ, tìm thầy thuốc trị bệnh cho con. Bệnh kinh phong còn chưa dứt hẳn thì khoảng 2 năm sau, anh Lâm lại mắc chứng bệnh suyễn, thường xuyên khó thở, da dẻ xanh xao, ốm yếu. Nhờ mẹ chịu thương, chịu khó hết lòng chăm sóc, anh Lâm may mắn hết bệnh, sức khỏe dần bình phục.

Lớn lên, anh Lâm theo nghề phụ hồ, cuộc sống 2 mẹ con bắt đầu đỡ vất vả. Ngoài thời gian phụ hồ, anh Lâm còn kiếm việc làm thêm, cải thiện thu nhập. Thế nhưng, cuộc sống êm đềm không lâu, năm ngoái, trong lần đi phụ quán ăn, anh Lâm lại tái phát bệnh kinh phong, phải cấp cứu ở bệnh viện. Sau đó, sức khỏe anh yếu dần, phải bỏ nghề phụ hồ. Kế đó không lâu, hàng xóm phát hiện da dẻ, niêm mạc mắt anh Lâm ngày càng vàng vọt, tay chân có biểu hiện sưng phù. Bà Hạnh đi làm suốt ngày, đến tối mới về nên không hề hay biết, bản thân anh Lâm cũng không biết mình mắc bệnh, cứ tưởng sức khỏe mình đã bắt đầu ổn định, cơ thể mập mạp hơn trước. Đến lúc anh Lâm thường xuyên mệt mỏi, ăn uống không ngon, tay chân sưng to, đi khám ở bệnh viện mới biết mắc bệnh gan. Bác sĩ khuyên nên nhập viện để được theo dõi, điều trị, ngăn bệnh tiến triển nhưng gia cảnh khó khăn, anh Lâm đành quay về nhà chịu trận 5-6 tháng nay.

Chiều xuống, trong căn phòng trọ mờ tối, anh Lâm dựa lưng vào vách tường thở từng hơi nặng nhọc. Bà Hạnh ngồi gần đó liên tục nhìn con thở dài. Bà tâm sự: "Tay chân và bụng của nó sưng ngày càng to, ăn ngủ không được nhưng tôi không biết kiếm đâu ra tiền trị bệnh cho con nữa". Bà Hạnh đi bán vé số, mỗi ngày lời được 40.000-50.000 đồng, chỉ đủ xoay xở ăn uống, chi tiêu lặt vặt hết sức tiết kiệm trong nhà. Đôi khi, bà còn không dành dụm đủ tiền trả cho chủ nhà trọ, phải mượn hàng xóm đóng trước, làm thuê trả dần dần. Trước đây, có mấy lần đưa anh Lâm đi cấp cứu bệnh động kinh và khám bệnh gan, bà Hạnh đã vay mượn hàng xóm khoảng 10 triệu đồng, chưa có khả năng hoàn trả, nên giờ bà không dám hỏi mượn thêm nữa. Không được điều trị, sức khỏe anh Lâm ngày càng yếu. Đã mấy tháng nay, anh Lâm không có đêm nào ngon giấc, mỗi bữa cơm anh ăn nhiều lắm cũng chừng 1 chén. Cả ngày lẫn đêm, anh cứ phải ngồi dựa lưng vào vách tường chịu đựng vì không nằm được. Những lúc đi bán vé số về, thấy con ngồi ngủ gục bên giường mà lòng bà Hạnh đau thắt, nhưng bà chỉ còn biết trông cậy vào sự may mắn. Mỗi ngày, trên đường đi bán vé số, bà hay hỏi thăm người này, người kia về cách trị bệnh gan rồi nghe ai chỉ cây, lá thuốc nào, bà cũng ráng tìm về nấu cho con uống. Bà Đặng Thị Tòng, hàng xóm gần đó thương tình 2 mẹ con nghèo khó, bệnh tật, thường xuyên xin thuốc nam về sắc cho anh Lâm uống đỡ.

Biết mẹ vất vả, cực khổ, anh Lâm đau không dám than, tới bữa cơm, có món nào ăn món đó, có thèm ăn món gì khác, anh cũng không dám nói. Anh tâm sự với giọng buồn rười rượi: "Tôi còn trẻ mà chỉ đủ sức đi từ giường ra tới cửa phòng trọ rồi trở vào, không giúp gì được cho mẹ, khó chịu vô cùng. Tôi không hy vọng gì hơn là có thuốc uống cho mau hết bệnh, đi làm kiếm tiền…". Vừa nói xong, anh gục mặt xuống đôi bàn tay sưng húp, che giấu những giọt nước mắt buồn tủi.

Trong lúc người người đang tất bật, hối hả hoàn thành những công việc cuối năm, trông chờ một cái Tết đầm ấm, vui tươi sắp đến thì mẹ con anh Lâm vất vả kiếm ăn từng ngày. Mong các nhà hảo tâm chung tay giúp anh Lâm có điều kiện trị bệnh, ổn định cuộc sống.

Bài, ảnh: MỸ TÚ

Chia sẻ bài viết