27/08/2008 - 20:13

Tơ tằm không chỉ dùng dệt vải

Tơ tằm từ hàng nghìn năm nay chủ yếu được dùng để dệt vải. Tuy nhiên, trong tương lai không xa, loại nguyên liệu tự nhiên này có thể đảm nhận vai trò “gác cổng” bảo vệ sức khỏe chúng ta trước nguy cơ ngộ độc thực phẩm và ô nhiễm môi trường.

Các nhà khoa học đang sử dụng tơ tằm để chế tạo một loại “gương soi” cảm ứng có thể cảnh báo rau quả bạn sắp dùng có chứa vi khuẩn gây ngộ độc thực phẩm E. coli hoặc salmonela. Loại “gương soi” sinh học này còn có thể cho biết con sông bạn định nhảy xuống tắm bị nhiễm hóa chất độc hại, hoặc đường huyết trong cơ thể bạn đang cao ở mức nguy hiểm.

Để điều chế chất cảm ứng sinh học có tính năng soi vi khuẩn, các chuyên gia Đại học Tufts (Mỹ) đã nấu kén tằm Bombyx mori, sau đó tách bỏ chất sericin – một dạng protein giống như keo giúp kén kết chặt lại với nhau. Phần tơ còn lại được đổ vào khuôn và hong khô để tạo ra lớp màng trong suốt dạng rắn. Bằng cách xử lý những thành phần quang học tự nhiên giúp tơ bền chắc hoặc sáng óng ánh khi được dệt thành vải, các nhà nghiên cứu có thể “lập trình” cho lớp màng tơ đổi màu khi tiếp xúc với vi khuẩn. Giáo sư Fiorenzo Omenetto, trưởng nhóm nghiên cứu, cho biết với chi phí sản xuất thấp, chúng ta có thể đặt màng tơ cảm ứng vi khuẩn vào túi rau quả hoặc dùng làm nguyên liệu sản xuất túi đựng rau, giúp người tiêu dùng nhận biết rau có bị nhiễm khuẩn hay không. Không chỉ vậy, loại màng tơ này cũng có thể dùng để bọc dĩa rau trộn trong nhà hàng, thậm chí xé nhỏ rắc lên thức ăn.

Qua kiểm nghiệm, giáo sư Omenetto nhận thấy: lớp màng này hầu như không có mùi vị gì, nên có thể dùng chung với thức ăn mà không gây hại cho sức khỏe. Do đó, sản phẩm được gọi là “chất cảm ứng ăn được”. Ngoài ra, chất cảm ứng này cũng có thể được cấy vào cơ thể người để theo dõi tình trạng sức khỏe, như giám sát đường huyết, hoặc áp dụng trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.

Từ nhiều năm qua, các nhà khoa học Mỹ đã nghiên cứu và thử nghiệm nhiều chất cảm ứng vi khuẩn dùng trong công tác kiểm tra an toàn thực phẩm. Chẳng hạn Viện công nghệ Georgia tạo ra thiết bị cảm biến sinh học điện tử có thể nhận dạng vi khuẩn trong các nhà máy chế biến thịt gia cầm, trong khi Đại học A&M và một số trường khác thử nghiệm “mũi điện tử” và các bộ cảm biến dựa trên chất bán dẫn để đánh giá mức độ an toàn thực phẩm. Tuy nhiên, điểm độc đáo của chất cảm ứng mới của Đại học Tufts là chúng được chế tạo từ thành phần tự nhiên và hoàn toàn có thể ăn được. So với những thiết bị cảm ứng vi khuẩn điện tử hiện nay, chất cảm ứng làm từ tơ có chi phí sản xuất rẻ, và thân thiện với môi trường hơn. Chúng có thể được cất trữ ở nhiệt độ phòng (20-250C) nên không cần sử dụng thêm hóa chất bảo quản.

Hiện Đại học Tufts đã nộp đơn xin cấp bằng sáng chế và dự kiến sẽ phát triển loại “gương soi” sinh học này trong vòng 1 năm. Nếu thành công, sản phẩm sẽ có mặt trên thị trường trong vài năm nữa.

THỤY TRÚC (Theo ABC, Cox News, ANI)

Chia sẻ bài viết