27/01/2022 - 16:52

Tổ chức tốt chiến dịch tiêm vaccine phòng COVID-19 xuyên Tết 

(CTO) - Sáng 27-1, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp trực tuyến toàn quốc với các địa phương về công tác phòng, chống dịch COVID-19 trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần.

Thủ tướng Phạm Minh Chính kết luận cuộc họp. Ảnh: Dương Giang/TTXVN​

Thủ tướng tiếp tục khẳng định, dịch bệnh đang được kiểm soát tốt trên phạm vi toàn quốc. Số ca nhiễm mới ghi nhận khoảng 15.000 ca/ngày, ca chuyển nặng giảm, tử vong giảm sâu (từ 2,4%, giảm còn 1,2%). Mọi hoạt động từng bước khôi phục trở lại, kinh tế có sự hồi phục và phát triển rõ nét.

Thủ tướng lưu ý, dịch bệnh dự báo còn rất phức tạp. Vì thế, không được chủ quan, lơ là, luôn luôn chủ động ứng phó mọi tình huống; có kịch bản ứng phó với diễn biến mới. Tổ chức thành công chiến dịch tiêm vaccine thần tốc mùa Xuân; tiếp tục nghiên cứu để triển khai các thủ tục và tiêm vacccine cho trẻ em từ 5-11 tuổi... Tinh thần mở cửa trường học và du lịch sớm nhất, nhanh nhất có thể nhưng đảm bảo an toàn, hiệu quả, khoa học. Bộ Giáo dục và Đào tạo công khai lộ trình cụ thể, công việc cụ thể, diễn tập phòng, chống COVID-19...

Người đứng đầu Chính phủ cũng yêu cẩu tổ chức Tết an toàn, nghĩa tình, tri ân, vui vẻ, tiết kiệm, không để ai không có Tết. Đặc biệt phối hợp địa phương tạo điều kiện để người dân về quê ăn Tết an toàn, trật tự.

Thủ tướng nhấn mạnh các ngành, các địa phương không ban hành giấy phép con, quy định riêng. Ban chỉ đạo phòng, chống dịch các cấp ứng trực 24/24.

Đến ngày 26-1-2022, thế giới đã ghi nhận trên 359 triệu ca mắc COVID-19, trên 5,6 triệu người tử vong. Trong tuần, ghi nhận trên 23 triệu ca mắc mới, trên 57.000 trường hợp tử vong. So với tuần trước, số mắc tăng 9%, tử vong tăng 12%.

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), biến thể Omicron có khả năng lây nhanh hơn biến thế Delta 3-7 lần, ít nghiêm trọng hơn biến thế Delta và có thời gian ủ bệnh ngắn hơn (từ 2-4 ngày).

Tại Việt Nam, đợt dịch thứ 4 đến ngày 26-1-2022, ghi nhận 2,1 triệu ca mắc, 88% đã khỏi bệnh, 37.000 tử vong. So với tuần trước, số mắc giảm 4,1%, tử vong giảm 13,8%, số ca nặng, nguy kịch giảm 13,9%.

Về vaccine, đến ngày 26-1-2022, Bộ Y tế đã tiếp nhận 211,9 triệu liều, đã phân bổ 194,2 triệu liều, tiêm được 178,8 triệu liều. Nhóm đối tượng từ 18 tuổi trở lên có tỷ lệ tiêm mũi 1, 2 và 3 tương ứng là 100%, 95,7% và 22,3%.

Nhận định dịch COVID-19 chưa thể kiểm soát được hoàn toàn trước năm 2023. Biến thể Omicron chưa phải là biến thể cuối cùng. Trong thời gian tới, nhu cầu đi lại trong Tết Nguyên đán và mùa lễ hội năm 2022, tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch bệnh trong cộng đồng.

Theo Bộ Trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, người dân về quê nhân dịp Tết Nguyên đán tự theo dõi sức khỏe, không phải cách ly y tế. Nếu có biểu hiện nghi ngờ, sốt, ho, khó thở… thì hạn chế tiếp xúc, đi lại, thông báo cho y tế địa phương để được hướng dẫn, xét nghiệm SAS-CoV-2.

Về công tác y tế, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết Bộ Y tế đã chỉ đạo các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên toàn quốc tăng cường công tác phòng; dự trữ cơ số thuốc, máu, dịch truyền, vật tư, hóa chất, thiết bị và bố trí cơ số giường bệnh, phương tiện cấp cứu, nhất là ôxy y tế để sẵn sàng đáp ứng chống dịch và đảm bảo công tác điều trị dịp Tết Nguyên đán 2022.

Về việc học sinh trở lại trường học trực tiếp, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, đến thời điểm này, 100% trường đại học đã lên kế hoạch cho học sinh trở lại từ 7-2 đến 14-2; 100% tỉnh, thành phố lên kế hoạch đưa học sinh THCS, THPT đi học trực tiếp trong khoảng thời gian từ 7-2 đến 14-2. Riêng tỷ lệ các tỉnh, thành lên kế hoạch cho bậc học mầm non đi học trực tiếp chỉ có 51%, tiểu học 53%.

Bộ Y tế đề nghị các tỉnh, thành tập trung chuẩn bị đưa học sinh trở lại trường. Bao gồm chuẩn bị tư tưởng, tạo đồng thuận nhà trường với phụ huynh học sinh, nhất là tiểu học, mầm non; chuẩn bị cơ sở vật chất; lên kịch bản, phương án xử lý…

Tại điểm cầu Cần Thơ, Chủ tịch UBND thành phố Trần Việt Trường cho biết:

Với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, sự đồng lòng của người dân, sau nhiều tháng nỗ lực triển khai có hiệu quả công tác phòng, chống dịch COVID-19 theo Nghị quyết 128/NQ-CP, Cần Thơ đã từng bước kiểm soát dịch bệnh. Trong 7 ngày qua, thành phố chỉ ghi nhận 301 trường hợp mắc mới, hiện chỉ còn đang điều trị tại các cơ sở y tế 575 trường hợp. Từ 24-1-2022, cấp độ dịch toàn địa bàn thành phố trở về cấp 1 - “vùng xanh - bình thường mới”, các hoạt động trở lại trạng thái bình thường, sản xuất, kinh doanh trên đà phục hồi, tình hình kinh tế - xã hội tháng 1-2022 có bước khởi sắc, nhiều ngành, lĩnh vực đạt mức tăng trưởng khá so với cùng kỳ, tạo thêm niềm tin, niềm hy vọng mới khi thành phố chuẩn bị đón Tết cổ truyền.

Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Trần Việt Trường phát biểu từ điểm cầu Cần Thơ. Ảnh: H.HOA​

Đến nay, thành phố đã tiêm được 2.535.576 liều, tỷ lệ bao phủ tiêm chủng mũi 1 đạt 98,62%, mũi 2 đạt 96,93% đối với nhóm từ 18 tuổi trở lên. Tỷ lệ này ở nhóm trẻ từ 12 đến 17 tuổi lần lượt là 96,23% mũi 1 và 88,98% mũi 2. Thành phố cũng đã triển khai tiêm 497.288 liều bổ sung, mũi nhắc cho người đủ điều kiện, đạt 50% dân số. Đa số các trường hợp còn lại chưa đủ thời gian tiêm chủng theo quy định và sẽ tiếp tục được tiêm nhanh, sớm, an toàn ngay khi đến hạn.

UBND thành phố đã chuẩn bị kế hoạch tổ chức chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 mùa xuân năm 2022 với tinh thần tiêm chủng nhanh, xuyên Tết, đảm bảo người dân được bảo vệ đầy đủ. Bên cạnh đó, thành phố đang khẩn trương xây dựng và hoàn thiện chiến lược y tế phòng, chống dịch COVID-19 trong giai đoạn bình thường mới.

Thời gian tới, thành phố tiếp tục theo dõi sát sao, nắm chắc các diễn biến của tình hình dịch bệnh COVID-19, đặc biệt là nguy cơ từ các biến chủng mới để kịp thời có chính sách, biện pháp ứng phó phù hợp. Tập trung hoàn thiện và triển khai thực hiện Chương trình phòng, chống dịch với phương châm thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, coi đây tiếp tục là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách của các cấp, các ngành ngay từ đầu năm 2022. Tiếp tục tăng tốc chiến dịch tiêm vaccine cho người dân; nâng cao năng lực hệ thống y tế, nhất là điều trị và ở cơ sở. Triển khai các hoạt động văn hóa, xã hội trong điều kiện đảm bảo chặt chẽ công tác phòng, chống dịch COVID-19. Trong đó, đặc biệt là công tác rà soát, kiểm soát các đối tượng nhập cảnh từ nước ngoài vào thành phố.

Cần Thơ kiến nghị Bộ Y tế: tham mưu Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chiến lược chăm sóc sức khỏe toàn dân trong tình hình mới. Trong đó, quan tâm hướng dẫn người dân tự chăm lo sức khỏe, sức khỏe học đường, nên đưa môn võ cổ truyền Việt Nam vào học đường...; đầu tư cho y tế, nhất là y tế cơ sở, đủ sức điều trị bệnh nhân tầng 1, 2; đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư y tế chuyên sâu. 

H.HOA

Chia sẻ bài viết