Huỳnh Hà
Tính cách con người được hình thành bởi các yếu tố truyền thống văn hóa, lịch sử, đặc điểm tộc người và các tác nhân địa lý của vùng đất. Hào phóng, hào hiệp là tính cách vốn có của người Việt nói chung, nhưng trên mảnh đất Nam Bộ này, tính cách ấy lại thể hiện đậm nét hơn, trở thành đặc trưng của người dân nơi đây.
Nam Bộ là vùng đất được thiên nhiên ưu đãi với khí hậu điều hòa, thuận lợi cho sản xuất; cộng thêm nguồn lợi tự nhiên sẵn có. “Hồi ấy dân cư nhàn nhã lắm. Phác vài công đất ở sau nhà, sạ một vài giạ lúa là có dư lúa ăn suốt năm. Cá nhiều tới nỗi con nít cầm một cây đinh ba nhỏ đi đâm một lúc về cũng được một xâu cá; đàn bà ngồi trên rửa chén, thấy cá lội ngang, thường cầm dao chém được những con cá lóc lớn bằng bắp chuối. Muốn đổi thức ăn, ra đồng bắt cò, bắt trích, và lượm rùa. Rau thì có bông súng mọc khắp nơi. Củi thì có tre, sậy và tràm lụt”(1). Chính điều này đã làm nên tính hào phóng của người dân nơi đây.
Tục “vần công” thể hiện tính phóng khoáng, nghĩa tình của người miền Tây. Trong ảnh: Vần công bắt tôm
ở miệt Bạc Liêu. Ảnh: DUY KHÔI
Mặt khác, không gian Nam Bộ luôn thoáng đãng, ruộng đồng mênh mông bát ngát, sông nước trải tràn đồng... đã làm cho tâm lý con người thoải mái, dễ bao dung hơn: “Trôi trong rạch nhỏ, nhất là tại những miền vườn tược tươi tốt, ta được ngắm nhiều cảnh xinh đẹp và thay đổi, ta thấy lòng rào rạt yêu đời, muốn giúp đời cho đâu đâu cũng nghe vẳng vẳng tiếng ca, tiếng hò, tiếng dệt cửi, xay lúa, tiếng trẻ em đánh vần, tiếng thiếu phụ ru con. Còn đi trên sông lớn như sông Cửu Long, lại có một thú riêng. Trời nước bao la, tâm hồn sảng khoái, ta cảm thấy sự bé nhỏ của thân mình, sự ngắn ngủi của kiếp người và ta dễ có những tư tưởng phóng dật, siêu thoát”(2). Hơn nữa, người Nam Bộ khi xưa đa phần là lưu dân tìm cuộc mưu sinh nơi vùng đất mới, do đó họ cần phải đoàn kết, tương trợ nhau để chống lại thú dữ, đối phó với thời tiết khí hậu và giúp đỡ nhau lúc hoạn nạn... Tính hào hiệp nảy sinh từ đó.
Tuy nhiên, yếu tố thiên nhiên ưu đãi con người chỉ là một phần; mà đó còn là kết quả của tầm nhìn, kinh nghiệm, quá trình gian lao khổ cực của những người khẩn hoang. “Không phải ở đâu trên vùng đồng bằng châu thổ này điều kiện tự nhiên cũng thuận lợi cho cuộc sống. Và cũng không phải tộc người nào cũng có thể nhìn thấy và khai thác được những tiềm năng của vùng đồng bằng châu thổ đa dạng này... Sau hàng ngàn năm khai phá các đồng bằng ở Bắc Bộ và Trung Bộ, cư dân Việt đã trở thành cư dân nông nghiệp điển hình, rất sở trường trong việc hoán cải những đồng bằng châu thổ sình lầy thành ruộng, thành vườn, sở trường trong việc lấn biển và khai thác thủy sản gần bờ. Chỉ một cộng đồng cư dân truyền thống văn hóa như vậy thì mới có thể tìm thấy trên vùng đất này một sự ưu đãi của thiên nhiên, tìm thấy ở nơi đây những môi trường giúp phát huy đến mức tối đa truyền thống nông nghiệp lúa nước ...”(3).
Từ những điều kiện tự nhiên và nền tảng lao động sản xuất trên, tính hào phóng thể hiện rõ ở văn hóa ứng xử của người dân vùng này. Ðầu tiên là trong ẩm thực, khi chế biến món ăn cũng như trong quá trình ăn uống, người dân vùng này có thói quen xắt khúc lớn. Người ta không cần dè xẻn mà ăn sao cho người được tiếp đãi cảm thấy thoải mái. “Thói quen là ăn lớn miếng. Miền Ðông có thịt rừng. Lục tỉnh có lươn, rùa, ếch, rắn, thết đãi bạn, sang trọng hơn thịt heo, thịt gà, hễ có cơ hội nấu nướng, không quên mời bạn, càng đông, càng vui”(4). Ðiều này cũng được Trịnh Hoài Ðức ghi lại trong “Gia Ðịnh thành thông chí”: “Gia Ðịnh ở Nam Việt, đất rộng vật thực nhiều, không lo sự đói rét, nên nhân dân ít súc tích, tập tục xa hoa, sĩ khí hiên ngang, ở khắp bốn phương, mỗi nhà đều riêng phong tục (…) Ở Gia Ðịnh có người khách đến nhà đầu tiên gia chủ dâng trầu cau, sau dâng tiếp cơm bánh, tiếp đãi trọng hậu, không kể người thân sơ quen lạ tông tích ở đâu, ắt đều thâu nạp khoản đãi; cho nên người đi chơi không cần đem tiền gạo theo, mà lại có nhiều người lậu xâu trốn thuế đi đến xứ này ẩn núp, bởi vì có chỗ dung dưỡng vậy”(5). Với tình nghĩa xóm giềng, họ hào phóng với nhau cũng không kém. Nhà người này có trồng bầu, bí, dưa leo... người kia cần qua hái vài trái ăn là chuyện bình thường. Ngược lại, người này cũng có thể đến nhà người kia bẻ vài trái quýt, trái cam... Cứ thế tình làng nghĩa sớm được thắt chặt.
Người dân vùng này còn bao dung, hào hiệp với những người từ xa đến đây. Họ sẵn sàng cưu mang, giúp đỡ những người gặp hoàn cảnh khó khăn, trong cơn hoạn nạn: “Một đêm ở trên kinh Phong Mĩ, trong Ðồng Tháp, vào đụt mưa trước cửa một căn nhà lá. Lúc đó đã quá hai giờ khuya. Một bà già ở trong nhà đằng hắng hỏi tôi. Tôi đáp. Thế thì có tiếng lục đục, rồi tiếng quẹt; một tia sáng lọt qua tấm vách lá và một bà cụ mở cửa, mời tôi vào. Căn nhà nhỏ quá, chừng sáu thước vuông, kê mỗi bộ ván gỗ tạp. Một cô độ mười bảy, mười tám, xếp vội mùng, mền, chào tôi rồi đứng nếp vào một bên. Tôi ân hận đã làm mất giấc ngủ của chủ nhân, xin lỗi bà cụ rồi trở ra đứng ở trước cửa, nhưng bà cụ không chịu, nhất định bắt tôi vào ngồi nghỉ trong nhà vì ngoài đó “gió lạnh lắm”... Một lần khác, vào thăm một vườn quýt ở Tân Thuận, tôi được chủ nhân, một cụ già chỉ đủ ăn chứ không giàu, tiếp đãi một cách cực kỳ đôn hậu, cố giữ tôi lại dùng một bữa thịnh soạn do chính tay bà nấu lấy và khi từ biệt bà, xuống ghe thì đã thấy ở dưới ghe, năm, sáu chục trái quýt và hai ba nải chuối”(6).
Trên đây là một vài câu chuyện về tính hào phóng, hào hiệp của người dân Nam Bộ. Ðây không phải là nét riêng của người dân vùng này mà nó là tính cách chung của người Việt; nhưng đo đặc điểm tự nhiên, môi trường xã hội ở Nam Bộ mà những tính cách này nổi trội và đã trở thành đặc trưng, điển hình của người dân vùng đất mới.l
---------------------------------
(1) Nguyễn Hiến Lê (2002), “Bảy ngày trong Đồng tháp mười”, NXB Văn hóa Thông tin, tr.140.
(2) Nguyễn Hiến Lê, Sđd, tr.125.
(3) Lý Tùng Hiếu (2019), “Văn hóa Việt Nam tiếp cận hệ thống - liên ngành”, NXB Văn hóa - Văn nghệ, tr.287-288.
(4) Sơn Nam (1985), “Đồng bằng sông Cửu Long nét sinh hoạt xưa”, NXB TP Hồ Chí Minh, tr.174.
(5) Trịnh Hoài Đức (1972), “Gia Định thành thông chí”, Bản dịch của Tu Trai Nguyễn Tạo, tập hạ, Nha Văn Hóa, Phủ Quốc vụ khanh đặc trách Văn hóa xuất bản, tr.11-12.
(6) Nguyễn Hiến Lê, Sđd, tr.10-11.