21/05/2019 - 09:02

Tình già có nhau 

Phải duyên, phải nợ, đôi lứa cùng nhau nên nghĩa vợ chồng, cùng trải qua thời xuân sắc để nuôi con thơ dại. Rồi các con dần khôn lớn, lập nghiệp, có người phải mưu sinh nơi xa, các cặp vợ chồng già ở lại quê nhà, nương tựa nhau tuổi xế chiều.

Sự quan tâm, chăm sóc của chú Tư dành cho vợ được bà con hàng xóm ngợi khen.

Hơn một năm qua, sáng nào, bà con ở tuyến Rạch Rít, thuộc khu vực Phúc Lộc 1, phường Trung Nhứt, quận Thốt Nốt cũng thấy chú Tư (Phạm Văn Tư, 69 tuổi) đẩy xe lăn đưa vợ (cô Đồng Thị Kim Loan, 67 tuổi) ra trạm y tế phường châm cứu. Hai mái đầu bạc phơ khăng khít bên nhau khiến ai cũng ngưỡng mộ.

Theo lời chú Tư, hơn năm trước, cô Loan khởi phát cơn nhồi máu cơ tim, mặc dù bác sĩ cố gắng chữa trị nhưng bệnh vẫn còn để lại di chứng, cô Loan không tự đi đứng được nữa và phải ngồi xe lăn. Vợ chồng cô chú có hai người con trai nhưng con trai lớn gặp tai nạn mất hơn 10 năm trước, cậu con út năm nay 29 tuổi, đang đi làm ở tỉnh Bình Dương. Thế nên, ở nhà chỉ còn vợ chồng già, một mình chú Tư chăm sóc, đỡ đần vợ.

Một tuần cô Loan có 5 ngày đến trạm y tế phường Trung Nhứt châm cứu, nhằm hạn chế nguy cơ bệnh tái phát, đồng thời, giúp cô cải thiện, phục hồi vận động. Ngót nghét đã hơn 1 năm, thường lệ, mỗi sáng, chú Tư thức sớm, đi chợ nấu thức ăn cho vợ, rồi sau bữa ăn sáng, họ cùng nhau đến trạm y tế. Trong thời gian cô được cán bộ y tế hướng dẫn tập luyện, chú Tư uống cà phê, trò chuyện cùng bạn bè, đợi vợ xong buổi tập thì đưa về.

Cô Loan nói: “Ổng đi đâu lâu chút là thấy nhớ lắm, cứ trông ổng dìa!”. Mà thật ra, chú Tư có đi đâu lâu được, trừ những lúc con trai được nghỉ phép về quê thăm cha mẹ già. Chú Tư kể: “Muốn đi đâu, phải chuẩn bị sẵn hết mọi thứ để lo cho bả, vì chỉ có tui mới biết ý. Mà có đi thì cũng đi chốc lát rồi về chứ không ở lâu, sợ bả buồn”. Nhiều người ở Rạch Rít cũng quen gọi chú Tư với biệt danh ông Tư Hề, vì chú vui tếu với người thân, hàng xóm. Cũng nhờ vậy mà dù trải qua cơn bạo bệnh, cô Loan vẫn còn giữ được “thần thái” lạc quan, vui tươi chứ không suy sụp tinh thần như nhiều bệnh nhân mắc bệnh tai biến khác. Cô Loan cho biết, suốt ngày chú Tư cứ “trêu ghẹo”, nhà có hai ông bà già mà luôn rộn tiếng cười.

Ngược dòng thời gian 34 năm về trước, mối lương duyên của chú Tư và cô Loan cũng làm cho bao người ghen tị. Gia đình cô Loan sinh sống cố cựu ở Thốt Nốt, còn chú Tư ở bên Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long. Cô chú tình cờ gặp nhau khi cùng theo hàng xóm đến vùng núi Cấm, ở tỉnh An Giang gặt lúa mướn. Hết mùa lúa chín, ai về nhà nấy. Sau đó ít lâu, chú Tư lần theo địa chỉ tìm qua bên này thăm cô Loan, viện cớ xin làm mướn, vác lúa, nhổ cỏ cho gia đình cô Loan. Cô Loan kể: “Khi ấy, tui đã hơn 30 tuổi, định ở vậy chăm sóc cha mẹ già chứ không muốn lập gia đình, nhưng ông theo suốt hơn 1 năm trời. Tui mủi lòng, cả gia đình đều ưng lòng với người con trai vui tính, chân chất”. Thế là cô chú nên duyên chồng vợ. Trong cuộc sống vợ chồng, cũng có những khi không hợp ý, lời qua tiếng lại, chú Tư bỏ về cha mẹ ở Vĩnh Long, nhưng thương vợ thương con, đi vài hôm chú Tư lại về.

Câu chuyện tình của cô chú thật ấm áp. Bên mâm cơm nhỏ, chú Tư nhẹ nhàng gắp từng đũa rau, dẻ cho vợ miếng cá, đôi mắt cô Loan luôn ánh nụ cười. Hạnh phúc của cô chú đơn sơ mà tươi đẹp biết bao. Những cặp vợ chồng già thể hiện tình nghĩa trong tuổi xế chiều như cô Loan, chú Tư cũng góp phần giáo dục thế hệ trẻ về ý nghĩa của nền tảng gia đình vững chắc.

Bài, ảnh: Thu Sương

Chia sẻ bài viết
Từ khóa
Tình già