02/02/2010 - 09:54

Tính chuyên nghiệp của một giải phong trào

Các trận đấu ở Giải Cầu lông TP Cần Thơ mở rộng 2010 thu hút nhiều khán giả.

Giải cầu lông TP Cần Thơ mở rộng lần IV -2010 kết thúc hôm 31-1 sau 3 ngày thi đấu đã để lại nhiều ấn tượng đối với người hâm mộ cầu lông TP Cần Thơ. Ban đầu chỉ là giải giao lưu dành cho các tay vợt nghiệp dư Cần Thơ, sau 4 lần tổ chức, đến năm 2010, giải cầu lông TP Cần Thơ mở rộng 2010 đã trở thành sân chơi khu vực thu hút hơn 250 tay vợt mạnh từ khắp ĐBSCL và TP Hồ Chí Minh tranh tài. Anh Cao Văn Ngọc - HLV đội Cầu lông Quân khu 7 - giành HCV nội dung đôi nam nữ cùng nữ VĐV Trần Mỹ Linh nhóm trên 46 tuổi, nhận xét: “Lần đầu tiên xuống Cần Thơ thi đấu, tôi rất ngạc nhiên về một giải đấu phong trào, nhưng được tổ chức tốt với quy mô, chất lượng chuyên môn cao”. Ấn tượng nữa của giải là sự tham gia tài trợ của hơn 10 doanh nghiệp với trên 100 triệu đồng. Những ngày tranh giải, nhà thi đấu luôn chật kín người hâm mộ...

Nói đến giải cầu lông TP Cần Thơ mở rộng phải nhắc đến doanh nghiệp Phạm Công Linh cũng là chủ nhà thi đấu cầu lông Bưu điện. Nhiều năm qua, ông Linh đã làm hợp đồng dài hạn thuê nhà thi đấu, đầu tư hàng trăm triệu đồng để tạo ra một điểm tập cầu lông chất lượng cao. Ở giải đấu năm 2010 vừa qua, Ban tổ chức đã mời nhiều CLB tham gia, đặc biệt ở TP Hồ Chí Minh nơi có phong trào cầu lông mạnh nhất nước; điều lệ giải giới hạn số lượng VĐV mỗi CLB được tham dự giải - khiến các CLB phải sàng lọc VĐV chứ không tham dự đại trà. Sử dụng các mối quan hệ cá nhân, ông Linh liên hệ với các chủ CLB Cầu lông để tạo điều kiện thuận lợi cả về vật chất lẫn tinh thần cho các VĐV tham dự giải. Sự có mặt của hơn 50 tay vợt TP Hồ Chí Minh, đội tuyển cầu lông trẻ của Trung tâm Huấn luyện TDTT quốc gia IV Cần Thơ cùng các tay vợt kỳ cựu, đã giúp giải tăng tính cạnh tranh.

Dù lực lượng trọng tài được huy động từ những tay vợt nghiệp dư thường đánh ở nhà thi đấu cầu lông Bưu điện, nhưng đó là những người chắc chắn về chuyên môn và xử lý tình huống công bằng.

Dĩ nhiên, ông Phạm Công Linh đứng ra làm nhà tài trợ chính, nhưng ông cũng vận động những chủ doanh nghiệp kinh doanh dụng cụ thể thao như Công ty FZ Forza, Hải Yến... hoặc các chủ doanh nghiệp đam mê cầu lông tài trợ cho giải. Ban tổ chức giải giúp đỡ các VĐV đến từ tỉnh xa tìm nơi ăn, chốn nghỉ giá cả phù hợp...

Từ cách làm bài bản của ban tổ chức một giải đấu thể thao phong trào, chợt chạnh lòng khi nghĩ đến nhiều giải đấu do chính ngành chủ quản tổ chức khá “lèo tèo” (!). Thiết nghĩ, nếu những người tổ chức một giải đấu làm việc bằng cái tâm, bằng cả niềm đam mê, nỗ lực hết sức vì sự phát triển của thể thao thì chắc chắn các giải đấu sẽ thành công.

Bài, ảnh: LAM HẬU GIANG

Chia sẻ bài viết