11/04/2025 - 09:47

Sự phức tạp của mô hình sở hữu nhiều CLB 

Phong độ ấn tượng của RC Strasbourg càng làm phức tạp nỗ lực tranh suất dự cúp châu Âu của Chelsea khi cả hai CLB này đều có chung chủ sở hữu.

Chelsea (phải) đang xếp thứ 4 tại giải Ngoại hạng Anh. Ảnh: Getty Images

Mùa rồi, Strasbourg suýt rớt hạng khỏi giải Ligue 1 nhưng giờ đây họ đang là tâm điểm của bóng đá Pháp. Với đội hình trẻ nhất giải (chỉ hơn 21 tuổi), Strasbourg đã leo lên vị trí thứ 6, cách tốp 3 chỉ vài điểm.

Theo quy định, tốp 3 Ligue 1 sẽ trực tiếp cầm vé dự Champions League trong khi đội xếp thứ 4 phải đá vòng sơ loại của giải đấu hàng đầu châu Âu. Đội đứng thứ 5 xuống thi đấu ở Europa League, còn đội thứ 6 dự vòng play-off của đấu trường thấp nhất là Conference League. Ngoài ra, đội đoạt Cúp quốc gia Pháp cũng sẽ có vé dự Europa League.

Nếu Paris Saint-Germain (PSG) vô địch cả Ligue 1 và Cúp quốc gia Pháp mùa này, đội đứng thứ 6 sẽ được dự Europa League. Kịch bản này rất dễ xảy ra. PSG gần như chắc chắn lên ngôi Ligue 1 do khoảng cách hiện nay giữa họ với đội bám đuổi là rất lớn. Trong khi đó, đối thủ của PSG ở trận chung kết Cúp quốc gia Pháp chỉ là Reims hiện xếp thứ 15/17 tại Ligue 1.

Với việc PSG đoạt 2 danh hiệu trên, suất Europa League sẽ nhường lại cho đội đứng thứ 6. Do vậy, cán đích vị trí thứ 7 vẫn đưa Strasbourg đến Conference League.

Đây là lý do vì sao Chelsea lo ngại. Liên đoàn Bóng đá châu Âu (UEFA) quy định rằng không cá nhân hoặc pháp nhân nào được phép "kiểm soát hoặc ảnh hưởng mang tính quyết định" đối với nhiều hơn một CLB tham dự cùng một giải đấu châu lục.

BlueCo, công ty mà liên doanh Todd Boehly - Clearlake Capital thành lập, đã thâu tóm Chelsea và Strasbourg trong những năm gần đây. Nếu BlueCo không thực hiện điều chỉnh, đồng thời Chelsea và Strasbourg có vé dự cùng một giải đấu châu Âu, thì chỉ 1 đội được phép góp mặt. Đội còn lại sẽ phải xuống đá ở giải đấu thấp hơn hoặc thậm chí ngồi nhà.

Tuy nhiên, BlueCo đã có cách bảo vệ suất dự cúp châu Âu cho các "con". Đã có tiền lệ ở mùa này khi UEFA cho phép Manchester City và Girona (đều thuộc sở hữu của tập đoàn City Football Group), Manchester United và Nice (thuộc sở hữu INEOS) tranh tài trong cùng một giải đấu châu Âu mặc dù có chung "mẹ". Để làm được điều đó, 2 tập đoàn "mẹ" đã chuyển quyền sở hữu Girona và Nice vào một quỹ tín thác mù.

Các nguồn tin tiết lộ BlueCo đã vạch ra kế hoạch hành động để làm điều tương tự với Strasbourg. Nếu đưa Strasbourg vào quỹ tín thác mù, BlueCo buộc phải tuân thủ những điều khoản của UEFA. Đó là "nhà đầu tư" không được đại diện trong Hội đồng quản trị, không được "ảnh hưởng đến các quyết định liên quan đến thể thao" và 2 CLB không được phép chuyển nhượng cầu thủ cho nhau.

Hiện nay, Hội đồng quản trị Strasbourg có các đồng giám đốc thể thao của Chelsea là Paul Winstanley và Laurence Stewart. Với quyết định trên, họ sẽ phải rời Strasbourg.

Trên sân cỏ, Chelsea dự định gửi một số tân binh đến Strasbourg để phát triển tài năng. Tuy nhiên, kế hoạch này bất thành và "The Blues" cũng không được sử dụng cơ sở dữ liệu tuyển trạch chung nếu Strasbourg được đưa vào quỹ tín thác.

Tình cảnh trên càng cho thấy mô hình đa CLB rắc rối hơn nhiều người nghĩ. Những quy định mới của UEFA cũng đang khiến các đội bóng trì hoãn kế hoạch mở rộng mạng lưới nhiều CLB ở châu Âu.

MINH DŨNG

 

Chia sẻ bài viết