05/11/2017 - 14:27

Truyện ngắn: HOÀNG KHÁNH DUY

Tình châu thổ 

Cái tin Hai Từ tốt nghiệp lan ra khắp vùng. Ở cái xứ xa xôi này học hết trường làng đã là quý lắm rồi, nay có chyện Hai Từ khăn gói lên thành phố học đại học. Người ta lấy Hai Từ ra làm tấm gương cho con cháu. Thì mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh, đâu ai muốn quanh quẩn bên ao làng mãi. Nhưng người ta còn hơn nhau ở chỗ phước phần.

Nhà Hai Từ được coi là giàu nhứt xứ. Thân sinh cậu lúc trước làm chủ vựa lúa gạo và nhà máy xay xát lớn nhất nhì trong vùng. Ông qua đời vì bạo bệnh để lại cho mẹ con cậu căn nhà lớn, kha khá vốn liếng lẫn ruộng vườn. Ruộng đất không ai cai quản, bà Chi đứt ruột bán hết mấy công, còn lại phần đất sau nhà bà thuê người canh tác.

Hai Từ học hết trường làng, lên thành phố tiếp tục con đường học vấn. Cũng có lúc Từ nhớ nhà, nhớ làng xóm da diết, cậu bắt xe ngồi một mạch hơn nửa ngày trời từ thành phố về quê chỉ để ôm bà Chi, rồi một mình lững thững ra bến sông ngồi ngắm lục bình trôi tản mạn. Từ trên cầu cao, thi thoảng Từ nhìn thấy có chiếc ghe nhỏ neo lại dưới chân cầu nấu cơm, khói bay lên nghi ngút.

Chủ ghe là một cô gái tên Đào, có mái tóc dài cột thành một lọn hững hờ an nhiên ngồi giặt đồ sau lái ghe hay đằm thắm với những ngón đờn êm dịu. Từ lại rời quê lên phố tiếp tục với nhịp điệu cuồng xoay. Bốn năm đại học trôi qua nhanh như chớp mắt. Lúc người làng tưởng Từ sẽ bám trụ ở phố, thì Từ trở về quê với mẹ già, với nhà cửa ruộng vườn cha đã để lại.

Cuộc trở về của Từ làm xóm rộn rã. Bà Chi tất bật mời xóm giềng, bà con xa đến dự tiệc mừng con trai tốt nghiệp. Mới sáng sớm mà nhà Từ đã chật ních, đàn ông lên dao giết lợn, đàn bà túm tụm trong bếp thổi xôi, làm gà. Cụ già ngồi xếp bằng trên tấm phản gỗ trước nhà vừa uống trà vừa kể chuyện xưa xứ này. Trẻ con tụ tập ngoài sân gom củi khô đốt đống lửa to, tiếng bông lửa nổ lép bép giòn rụm. Cớ gì mà Từ cứ đau đáu ngóng vọng về cái bến sông có tiếng đàn văng vẳng rơi lúc đêm về gần sáng...

Từ lấy xe chạy ra bưu điện xã có chút việc. Khi đã về đến bụi tre đầu ngõ bỗng nghe có giọng đàn quen cất lên trong nhà. Bản đàn vừa dứt, các cụ tặc lưỡi vỗ tay rôm rả. Từ dựng chân chống xe bước vào trong nhà, thấy tim mình như loạn nhịp. Trên phản là Đào, cô gái có mái tóc dài trên chiếc ghe chòng chành dưới chân cầu. Không biết Đào có nhìn thấy Từ hay không mà cứ mải miết đàn hết bài này sang bản khác. Mẹ Từ bảo tiếng đàn của Đào như rót mật vào tai, nên mẹ mời đến đàn cho các cụ nghe.

Đào đã ngoài hai mươi lăm, gương mặt trái xoan, sóng mũi dọc dừa, cái miệng ít khi cười, nhưng vẫn rất duyên. Mái tóc cô mượt mà đen như nhung vắt chéo ngang vai trái, đôi mắt long lanh sóng sánh buồn. Từ ước mình được một lần cuộn tròn trong đôi mắt bồ câu ấy. Khi đã đàn xong điệu nhạc cuối cùng, Đào nhìn Từ khẽ gật đầu chào. Từ cũng chào lại. Bà Chi xếp phong bì dúi vào tay Đào, mời Đào ở lại ăn bữa cơm rồi hẳn lui ghe. Đào khéo léo từ chối: “Con phải đi sớm cho kịp con nước”. Đào ôm đàn bước ra khỏi nhà. Từ nhìn theo mà lòng chênh vênh, thơ thẩn…

 * * *

Những đêm chiếc ghe của Đào đậu ngoài bờ sông, Từ thường ra đó chuyện trò, ngâm thơ cho Đào nghe, Đào đáp lại bằng một khúc nhạc. Vẫn là những khúc buồn man mác bất giác làm Từ thắt lòng. Rồi cũng đến lúc Từ buột miệng “Anh yêu em…” và Đào trả lời: “Em chỉ là cô gái trên sông, rày đây mai đó, em sợ…”. Từ không nói gì, ngắt lời Đào bằng cái hôn thật sâu. Trong khoảnh khắc đó Đào thấy mình không thể cưỡng lại những cử chỉ yêu thương của Từ.

Nhiều lần Từ thưa với bà Chi chuyện trăm năm, mẹ gạt phắt: “Người ta giàu sang có học thức không ưng, đi ưng con nhỏ xướng ca vô loài, lang bạt tứ phương. Khổ lắm con ơi!”. Nghe mẹ nói mà tê tái lòng dạ, đời Đào lang bạt nên Đào càng khát khao tình yêu và mơ về một gia đình hạnh phúc. Bây giờ mẹ nói thế, lòng Từ rời rã. Thương Đào mà cũng thương mẹ. Chồng qua đời, bà Chi chỉ còn mình Từ là nguồn sống. Đào khuyên: “Thôi anh, số em vậy thì đành chịu. Anh về với mẹ đi…”. Từ cương quyết: “Anh không bỏ mặc em”.

Như lời hứa năm nào dưới bóng hoàng hôn chập choạng ngoài bãi quê xưa cũ, Từ không bỏ Đào. Thương mẹ chứ, nhưng Từ nghĩ thôi mình bỏ nhà theo Đào ít năm, chừng mẹ nguôi giận rồi sẽ dẫn Đào trở về, chắc hẳn mẹ sẽ chấp nhận đứa con dâu tội nghiệp ấy. Một đêm mưa, Đào neo ghe đợi Từ dưới chân cầu cao lộng gió. Xa xa, bỗng Đào thấy bóng ai chạy xuôi dọc bờ đê. Lòng Đào ấm áp lạ thường.

Chiếc ghe rời bến, ngọn đèn dầu tỏa một quầng sáng cũng rời đi…

***

Bà Chi bệnh nặng. Từ nghe tin nhói cả tim. Tin được truyền đến từ một người đàn ông, cũng lang bạt kỳ hồ như vợ chồng Từ, một dạo ghé qua xóm nên biết chuyện. Lòng Từ nặng trĩu nhìn đứa nhỏ ngủ say trên sạp ghe trải manh chiếu cũ. Đào quay sang nói với chồng: “Hay mình về thăm mẹ một chuyến. Em và con đợi mình”. Nói ra câu đó Đào đau lắm chứ. Những chiều buồn êm ả rớt trên mặt sông Đào thấy Từ ôm con ngồi ngoài mũi ghe, thủ thỉ: “Con có muốn lên bờ sống không?”, “Có muốn đi học với bạn bè không?”. Bé gật đầu. Đào ngồi trong ghe xếp quần áo mà nghe rõ tiếng chồng thở dài lai láng, mắt nhìn xa về phía bờ đất. Ở đó có rẫy dưa, rẫy bắp xanh rì. Có cát mềm dưới chân, có những ngôi nhà quyện mình trong màu lam khói biếc. Khung cảnh đầm ấm mà gần nửa đời người Đào chưa một lần được sống, được hít trọn vẹn mùi khói bếp ngọt bùi. Hơn năm năm lang bạt, chưa bao giờ Từ làm Đào buồn lòng. Mà sao Từ cứ mãi buồn. Từ đã quen dần với những bến chợ, những món tiền rau, tiền củ, tiền quả… với những bạn hàng thân thiết tại một bến chợ nào đó dọc miệt sông. Đã lâu rồi Đào không được nghe Từ đọc thơ, kể chuyện.

Đào neo ghe lại một bến sông quen, cách xóm không xa. Từ nhìn Đào rồi dắt đứa nhỏ bước lên bờ. Hai cha con ngoái lại nhìn chiếc ghe lần nữa, trong ánh mắt dặn Đào đợi Từ ngoài bến sông, rồi cha con Từ sẽ trở lại. Hai chiếc bóng một cao to, một bé nhỏ lúp xúp đi bên. Thập thững trên bờ đê thoảng hương lúa trổ đòng đòng. Đào đứng lặng sau lái, nhìn theo đến khi dáng hai cha con mất hút sau làn khói ban chiều. Đào chảy nước mắt, lom khom sang nước vào lu rồi đem cây đàn treo trên vách ra phủi bụi, gảy một bản nhạc quen.

Sáng sáng chiều chiều Đào hay ra mũi ghe lóng ngóng về phía xóm, chờ hình bóng thân thương. Một đêm những cơn gió băng qua đồng thổi phần phật dữ dội, mưa tạt mạnh vào trong ghe ướt cả manh chiếu cũ, Đào hốt hoảng che chắn mãi mà vẫn không khô nổi. Đào co ro một góc ghe, lạnh buốt. Ngày trước có Từ, mỗi lần mưa tạt là Từ gom hết mấy tấm nilon dưới sạp ghe che chắn đủ chỗ. Từ sợ mưa làm lạnh vợ con, còn Từ ngồi sau pha trà uống cho đỡ lạnh. Giờ không có chồng con bên cạnh, “Chắc hai cha con ấm”, Đào nghĩ thế. Ngọn đèn phụt tắt, Đào bất lực ngồi trong bóng đêm tịch mịch, rồi thiếp đi lúc nào không hay. Sáng hôm sau, trời trong hơn. Đào tỉnh dậy, thấy ghe mình đang dập dềnh trên một quãng sông lạ. Đào nhìn dáo dác xung quanh chỉ thấy ruộng đồng bờ bãi. Không thấy bến sông quen với cầu cao lộng gió mà Từ vẫn đứng ngẩn ngơ mỗi buổi chiều buông. Không để nước mắt rơi thêm lần nào trên bờ mi đẫm màu sương nắng, Đào ôm cây đàn ra mũi nghe ngồi dạo khúc “Mình ơi”, sầu sầu tủi tủi.

    ***

Qua Tết, gió bấc vẫn còn lưu luyến trên mấy ngọn bần, ong bay lả lướt. Hơn một năm ròng một mình Đào lang bạt, buồn thì ít mà nhớ thì nhiều. Vẫn còn đó hương vị bánh mứt thơm ngọt thoảng lại từ những gia đình trong xóm, ngửi mà nức lòng. “Không biết cha con ăn Tết có vui không? Có ấm cúng không?”. Đào thoáng nghĩ, lom khom chui vào trong mui lôi cây đàn ra căng lại dây đàn, rồi ra mũi ghe mà gảy.

Khói quê hương từ một bếp un nào đó trên bờ đê bay ra giăng mắc mặt sông. Qua làn khói trắng đục ấy, Đào bỗng thấy có hai con người đứng lặng trên cầu cao, hình như là hai cha con. Đứa nhỏ đội chiếc mũ rộng vành, gió phất làm vành mũ co lại che hơn nửa mặt. Xa xa, chân trời chiều phủ màu lam biếc. Có tiếng gọi chín rụng hoàng hôn, thương đứt ruột: “Mình ơi!”.

Chia sẻ bài viết
Từ khóa
Tình châu thổ