22/04/2019 - 08:16

Xuất khẩu lao động

Tín hiệu tích cực từ thị trường Nhật 

Cải thiện thái độ, năng lực lao động, mở mang kiến thức là những gì mà nhiều lao động dễ dàng cảm nhận được sau chuyến tham gia thực tập sinh đi Nhật Bản. Với lợi ích thiết thực, chương trình thực tập sinh đang ngày càng được các đơn vị liên quan quan tâm, nâng cao chất lượng và tạo điều kiện thuận lợi cho lao động, đặc biệt là lao động qua đào tạo tìm hiểu, tham gia.

Các ứng viên là sinh viên Trường Cao đẳng Nghề tham gia chương trình thực tập sinh làm việc tại Nhật trong buổi học tiếng Nhật. 

Học viên lớp tiếng Nhật tại Trường Cao đẳng Nghề Cần Thơ là những ứng viên tiềm năng cho chương trình thực tập sinh đi Nhật của Công ty Hải Phong. Ông Nguyễn Quốc Trung, Trưởng Phòng Nghiên cứu khoa học- Quan hệ doanh nghiệp của Trường Cao đẳng Nghề Cần Thơ, cho biết: “Hướng tới mở rộng thị trường tìm việc cho học sinh, sinh viên, gần đây, nhà trường có hỗ trợ doanh nghiệp đặt văn phòng tư vấn chương trình thực tập sinh tại trường. Nhà trường đang xem xét việc ký kết hợp tác với doanh nghiệp này dựa trên hiệu quả làm việc thực tế của doanh nghiệp với học sinh sinh viên trường. Doanh nghiệp đang hỗ trợ tổ chức lớp dạy Nhật ngữ cơ bản ngay tại trường, giúp học sinh sinh viên học tập thuận lợi, qua đó xem xét khả năng tham gia chương trình thực tập sinh”. Ngô Hướng Tinh, sinh viên năm cuối ngành Công nghệ ô tô, chia sẻ: “Tôi đăng ký tham gia chương trình thực tập sinh đi Nhật với định hướng tìm việc ở công ty sản xuất linh kiện ô tô. Tôi hy vọng sau chuyến đi sẽ có thêm nhiều kiến thức chuyên ngành và rèn tác phong, kỹ năng nghề để có cơ hội nghề nghiệp tốt tại Việt Nam”.

Theo bà Ngô Thị Hải Yến, Trưởng Phòng kinh doanh Công ty Hải Phong khu vực Cần Thơ, trước khi đến với Trường Cao đẳng Cần Thơ, công ty đã ký kết với Trường Đại học Cần Thơ gần 1 năm và đã tuyển thành công 75 ứng viên.  Dự kiến, trong năm 2019 công ty sẽ tiếp tục mở rộng hoạt động ở một vài trường khác. Phía ngược lại, công ty ký kết với khoảng 400 công ty và 20 nghiệp đoàn ở Nhật có nhu cầu sử dụng lao động ngoài nước; qua đó, giúp tìm kiếm việc làm phù hợp cho các ứng viên.

Bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Phó Giám đốc Trung tâm Tư vấn- Hỗ trợ khởi nghiệp Trường Đại học Cần Thơ cho biết, Trường đang liên kết với 2 doanh nghiệp có hoạt động tư vấn, tuyển dụng lao động qua đào tạo của trường đi lao động ở Nhật; chủ yếu 2 nhóm ngành: kỹ thuật công nghệ và nông nghiệp. Trường và doanh nghiệp thống nhất tạo thuận lợi nhất cho sinh viên khi tham gia chương trình này, như: sinh viên trúng tuyển chương trình chỉ được xuất cảnh khi đã hoàn thành chương trình học tại trường; được học Nhật ngữ miễn phí trong thời gian nhanh nhất và xuất cảnh với chi phí thấp nhất có thể; sau khi hoàn thành chương trình thực tập sinh trở về nước, tiếp tục được giới thiệu việc làm phù hợp. Nhà trường định hướng sinh viên tham gia trải nghiệm môi trường làm việc ở Nhật trong 3 năm để tiếp tục học nghề với trình độ cao hơn, sau đó trở về ứng dụng, góp phần cải thiện chất lượng lao động sản xuất tại quê nhà.

Trung tâm Dịch vụ việc làm TP Cần Thơ đang kết nối với 10 doanh nghiệp xuất khẩu lao động sang Nhật Bản theo diện thực tập sinh và kỹ sư, ở các ngành nghề: may mặc, thực phẩm, thủy sản, cơ khí, xây dựng, nông nghiệp, điện tử. Trung tâm chủ động phối hợp tìm kiếm doanh nghiệp, đơn vị đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài có uy tín, với các vị trí tuyển dụng, công việc phù hợp trình độ của lao động tại địa phương; đẩy mạnh khai thác các lĩnh vực, ngành nghề đòi hỏi trình độ ngoại ngữ, tay nghề cao và có thu nhập tốt, ổn định; chuyển tải thông tin thường xuyên về nhu cầu tuyển dụng lao động làm việc ở nước ngoài đến người lao động và gia đình... Trung tâm còn thường xuyên tổ chức các cuộc giám sát doanh nghiệp đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài đang liên kết với Trung tâm nhằm hạn chế nạn cò mồi, lừa đảo. Bên cạnh đó, Trung tâm tổ chức đào tạo ngoại ngữ, kỹ năng nghề và phổ biến các quy định pháp luật Việt Nam, pháp luật, văn hóa của nước sở tại và các văn bản pháp lý có liên quan về quyền, nghĩa vụ của người lao động trước khi đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Qua đó, nâng cao chất lượng nguồn lao động, giảm thiểu tình trạng lao động hết hạn hợp đồng không về nước, ở lại nước ngoài bất hợp pháp.

Tháng 4-2019, Chính phủ Nhật bắt đầu áp dụng một số chính sách mới có lợi cho người lao động ngoài nước. Trong đó, có quy định doanh nghiệp phải trả lương cho lao động nước ngoài mức lương tương đương hoặc cao hơn lao động trong nước và một số quy định nhằm bảo vệ người lao động, tránh tình trạng môi giới lừa đảo, kém chất lượng. Nỗ lực của Chính phủ Nhật, sự hợp tác chặt chẽ của các ngành, đơn vị chức năng tại Việt Nam và mục tiêu tham gia lao động trong sáng, cầu tiến của lao động trẻ là những tín hiệu tích cực thúc đẩy xuất khẩu lao động sang thị trường Nhật.

Năm 2018, tổng số lao động TP Cần Thơ đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng tại các thị trường nước ngoài là 255 người. Trong đó, có 121 lao động làm việc ở Nhật. Từ đầu năm 2019 đến ngày 11-4-2019, Cần Thơ có 55 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, trong đó thị trường Nhật là 32 lao động.

Bài, ảnh: MỸ TÚ

Chia sẻ bài viết