04/12/2021 - 10:06

Tín hiệu tích cực trước mùa bóng mới 

Theo Công ty cổ phần Bóng đá Chuyên nghiệp Việt Nam (VPF), bản quyền truyền hình bóng đá V.League đã được một đơn vị sẵn sàng trả gấp gần 20 lần giá trị hiện tại, để sở hữu trong 5 năm từ 2023 đến 2028. Có thể nói, đây là tin tốt với bóng đá Việt Nam sau nhiều năm nỗ lực nâng cao giá trị thương hiệu các giải bóng đá chuyên nghiệp, hướng tới mục tiêu lấy bóng đá nuôi bóng đá.

Các cầu thủ Cần Thơ mừng bàn thắng trong trận gặp Phù Đổng ở vòng 7 giải hạng Nhất quốc gia 2021.

Tăng doanh thu từ bản quyền truyền hình là vấn đề được lãnh đạo VPF và các đội bóng thảo luận nhiều trong thời gian qua, khi hợp đồng bản quyền truyền hình V.League giai đoạn 2017-2022 giữa VPF với đối tác sắp hết hạn. Mới đây, Phó Chủ tịch phụ trách tài chính Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) Lê Văn Thành cho biết bản quyền truyền hình và bán vé là nguồn thu chủ yếu với nhiều CLB trên thế giới, sau đó mới đến giá trị của nhà tài trợ. Tuy nhiên ở Việt Nam, nguồn thu hàng đầu của các CLB lại là từ tài trợ. Vì vậy, trong thời gian tới, dựa trên chiến lược và bước đi của VPF, các CLB sẽ có nguồn thu, trong đó có nguồn thu chủ yếu từ bản quyền truyền hình.

Ðể có thể nâng cao giá trị bản quyền truyền hình, VPF cũng hướng tới việc cải thiện hình ảnh V.League ở nhiều khâu. Một trong số đó là nâng chất lượng mặt sân cỏ và cơ sở vật chất ở những sân vận động của các CLB tham dự V.League. Trước hết là nâng cấp khu vực kỹ thuật trên các sân vận động dựa trên tiêu chuẩn của Liên đoàn Bóng đá châu Á (AFC). Theo đó, các sân vận động sẽ có 2 cabin huấn luyện và khu vực ngồi dành cho trọng tài bàn. Mỗi cabin huấn luyện sẽ bao gồm 20 ghế ngồi được bọc da, khung làm bằng sắt. Dự kiến chi phí sản phẩm sau khi vận chuyển và lắp đặt cho từng CLB là 350 triệu đồng/đội. Công ty VPF dự kiến chi hỗ trợ cho 27 CLB trang bị khu vực kỹ thuật này, nhằm nâng cao chất lượng cơ sở vật chất sân vận động (hoặc hỗ trợ bằng tiền quảng cáo đối với các CLB đã trang bị khu vực kỹ thuật được đánh giá đạt chất lượng tương đương hoặc tốt hơn).

Bóng đá Việt Nam trải qua năm 2021 với rất nhiều khó khăn do đại dịch COVID-19. Ở thời điểm đầu mùa giải 2021 dịch bệnh cơ bản được kiểm soát, các giải bóng đá chuyên nghiệp đã được triển khai, tổ chức theo đúng kế hoạch. Tuy nhiên, đến tháng 7-2021 các giải phải tạm dừng do dịch bùng phát trở lại, trong đó V.League tạm dừng từ vòng 12, sau khi tổ chức được 84 trận đấu; giải hạng Nhất quốc gia dừng từ vòng 7, sau 41 trận đấu; giải Cúp quốc gia dừng sau vòng loại với 11 trận đấu. Ðến trung tuần tháng 9, VFF quyết định hủy các giải bóng đá chuyên nghiệp năm 2021 do dịch bệnh diễn biến phức tạp.

Việc tạm dừng và không tiếp tục tổ chức các giải bóng đá chuyên nghiệp 2021 đã phá vỡ các hợp đồng với các nhà tài trợ, khiến VPF đã phải nỗ lực đàm phán với các đối tác nhằm đạt được thỏa thuận theo điều khoản bất khả kháng của các hợp đồng. Tuy nhiên, VPF không phải chịu lỗ khi dự kiến tổng thu năm 2021 khoảng 63,88 tỉ đồng, đạt 61,51% so với mục tiêu ban đầu, lợi nhuận trước thuế năm 2021 dự kiến là 863.000.000 đồng. Lệ phí của các CLB tham dự giải 2021 dự kiến cũng được điều chỉnh giảm 40% đối với V.League và 60% đối với giải hạng Nhất quốc gia.

Hướng đến mục tiêu kế hoạch năm 2022, công ty VPF xác định có những thuận lợi, nhưng cũng phải đối mặt với nhiều thách thức khó lường. Do vậy, VPF xây dựng kế hoạch hoạt động chi tiết, phù hợp với điều kiện thực tế, đặc biệt xây dựng và triển khai kế hoạch mùa giải 2022 sát thực tế, đặt ra các tình huống và phải có các giải pháp hữu hiệu khi có các tình huống bất khả kháng xảy ra.

Bài, ảnh: NGUYỄN MINH

Chia sẻ bài viết