29/09/2008 - 21:50

Chỉ số giá tiêu dùng tháng 9 “giảm tốc”

Tín hiệu tích cực cho các tháng cuối năm 2008

Theo Tổng Cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 9 của cả nước chỉ tăng 0,18%, mức tăng thấp nhất trong vòng 9 tháng qua. Còn theo Cục Thống kê TP Cần Thơ, CPI tháng 9 của thành phố giảm 0,61% so với tháng trước. Như vậy, sau nhiều tháng liên tiếp tăng, thậm chí có lúc tăng ở mức rất cao, “cơn sốt” giá trên thị trường đã thật sự giảm nhiệt. Người tiêu dùng ở TP Cần Thơ cũng như cả nước đang trông chờ vào tín hiệu tích cực từ CPI các tháng còn lại của năm 2008.

TP Cần Thơ: CPI đảo chiều giảm

TP Cần Thơ là một trong số ít địa phương của cả nước (Vĩnh Long, Thừa Thiên Huế...) có CPI tháng 9 - 2008 giảm (-0,61%). Đây là mức giảm đầu tiên của CPI ở TP Cần Thơ được ghi nhận từ năm 2007 đến nay. Theo Cục Thống kê TP Cần Thơ, trong 10 nhóm hàng hóa được đưa vào tính CPI tháng này, có đến 4 nhóm hàng hóa được ghi nhận giảm. Cụ thể như sau: nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm 0,76%; nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng giảm 0,66%; nhóm giao thông, bưu chính viễn thông giảm 1,17% và nhóm hàng hóa và dịch vụ khác giảm 0,36%. Riêng các nhóm hàng còn lại chỉ tăng ở mức 0,19 - 2,74%...

Theo Tổng Cục Thống kê, sau 3 tháng giảm tốc, CPI của cả nước trong tháng 9-2008 tiếp tục trên đà giảm mạnh với mức tăng so với tháng trước đó chỉ 0,18%. Đây là mức tăng được ghi nhận thấp nhất từ đầu năm đến nay. Điều đặc biệt, trong 10 nhóm hàng hóa đưa vào để tính CPI thì có đến 7 nhóm có mức tăng thấp, từ 0,36 đến 1,45%. Những nhóm hàng hóa vốn có mức tăng lớn nhất như hàng ăn và dịch vụ ăn uống thì trong tháng 9- 2008 lại không tăng; nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng đã giảm 0,63% và nhóm phương tiện đi lại và bưu điện giảm 0,48%.

Theo nhận định của Tổng Cục Thống kê, một trong những nguyên nhân chính kéo CPI giảm xuống là giá xuất khẩu lương thực, thực phẩm giảm, các doanh nghiệp xuất khẩu gạo tạm dừng thu mua khiến giá lúa hàng hóa tại ĐBSCL sụt giảm. Bởi, nhóm lương thực và thực phẩm chiếm tỷ trọng lớn nhất (trên 40%) trong rổ hàng hóa chung. Bên cạnh đó, với giá xăng dầu thế giới giảm mạnh kéo theo giá xăng dầu trong nước giảm theo khiến nhóm phương tiện đi lại đột ngột giảm giá. Hay như giá vật liệu xây dựng đã tăng mạnh trong thời gian qua nay đã giảm mạnh...

Giá lúa, gạo trên thị trường giảm là một trong những nguyên nhân chính khiến CPI tháng 9-2008 giảm nhiệt. Trong ảnh: Hoạt động mua bán ở một cửa hàng gạo tại chợ An Hòa, TP Cần Thơ (Ảnh chụp ngày 26-9). 

Một nguyên nhân khác khiến CPI trong tháng 9 có chuyển biến tích cực cũng được các chuyên gia kinh tế nhìn nhận đó chính là các giải pháp kềm chế lạm phát của Chính phủ, nhất là chính sách thắt chặt tiền tệ, đã phát huy tác dụng. Mặt khác, do nhiều yếu tố tác động, doanh nghiệp gặp không ít khó khăn, tăng trưởng chậm lại khiến cho nhu cầu tiêu dùng và đầu tư không tăng, thậm chí còn giảm kéo theo giá cả hàng hóa cũng giảm theo...

Vẫn phải nỗ lực vượt khó

Giá cả hàng hóa tiêu dùng trên thị trường không tăng, thậm chí giảm là một tín hiệu lạc quan mà người tiêu dùng ở TP Cần Thơ cũng như cả nước mong đợi. Ông Trương Hoài Bảo, một người dân ở phường An Hội, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ, nói: “Giá cả hàng hóa trên thị trường giảm trong bối cảnh hiện nay làm cho người dân an tâm hơn. Bởi phần lớn đời sống của người dân lao động không chỉ ở Cần Thơ mà cả nước còn nghèo, còn vất vả”.

Theo ông Nguyễn Đình Cung, Trưởng ban nghiên cứu vĩ mô (Viện Nghiên cứu và Quản lý Kinh tế Trung ương), giá xăng dầu vẫn còn biên độ an toàn so với ngưỡng giá dầu trên thế giới hiện nay. Hơn nữa, sức mua sẽ không tăng quá cao như các năm trước do những khó khăn về kinh tế. Đó là những rào cản khiến CPI khó “nhảy” thêm những bước dài, cho dù là vào dịp cuối năm. Cục Thống kê TP Cần Thơ dự báo, tháng 10 - 2008 giá lúa gạo sẽ tăng trở lại; vật phẩm văn hóa giáo dục, vải sợi, hàng nhựa, thuốc y tế có xu hướng tăng... và CPI trong tháng này của TP Cần Thơ sẽ tăng khoảng 1% so với tháng 9-2008.

Tuy nhiên, nhiều người tiêu dùng vẫn tỏ lo ngại rằng trong bối cảnh khó khăn chung, tình trạng gian lận thương mại sẽ xảy ra phức tạp hơn, gây nhiều thiệt hại cho người tiêu dùng và nền kinh tế. Ngoài ra, theo quy luật, vào những dịp lễ tết, nhu cầu về lương thực và thực phẩm sẽ tăng lên. Trong khi đó, dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm, tình hình bão lụt còn tiếp tục diễn biến phức tạp và có thể gây ra nhiều thiệt hại lớn. Đây là một trong những nguy cơ tiềm ẩn có thể đẩy giá cả hàng hóa lên cao. Chính vì thế, nhiều người dân kiến nghị chính quyền địa phương càng tăng cường hơn nữa công tác quản lý thị trường, ngăn chặn kịp thời các hình vi gian lận thương mại.

Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Trần Thanh Mẫn khẳng định: cùng cả nước, thành phố tiếp tục thực hiện các biện pháp kiềm chế tăng giá, cân đối cung - cầu các hàng hóa thiết yếu... Thành phố tiếp tục thực hiện nghiêm các biện pháp kiềm chế lạm phát, ổn định thị trường song song với đảm bảo an sinh xã hội.

Các chuyên gia kinh tế nhận định, năm 2008 là năm kinh tế khó khăn và có thể còn kéo dài qua cả năm 2009. Chính vì thế, người tiêu dùng cần chủ động có kế hoạch chi tiêu tiết kiệm, tăng gia sản xuất. Trong bối cảnh khó khăn chung, toàn xã hội cần phải thể hiện ý chí nỗ lực vượt khó cùng nhà nước, các cấp chính quyền kềm chế lạm phát, ổn định thị trường.

Bài, ảnh: ĐÔNG TRIỀU

Chia sẻ bài viết