Chuỗi sự kiện Khánh thành Đền thờ Vua Hùng, Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương, Liên hoan Đờn ca tài tử Quốc gia lần thứ III và Lễ hội Bánh dân gian Nam Bộ (Lễ hội BDGNB) lần thứ IX năm 2022, diễn ra từ ngày 6 đến 11-4 tại TP Cần Thơ, trong giai đoạn thành phố mở cửa du lịch hoàn toàn đón du khách trong nước và quốc tế. Đây là cơ hội để du lịch Cần Thơ đẩy nhanh tiến độ phục hồi, cũng như tạo kết nối để các tỉnh, thành trong khu vực ĐBSCL cùng nhau vực dậy ngành công nghiệp không khói. Trong chuỗi sự kiện này, Lễ hội BDGNB có nhiều hoạt động giới thiệu, quảng bá đặc sản các địa phương, từ đó góp phần thu hút du khách, thúc đẩy du lịch phát triển.
Du khách tham quan các gian hàng bánh tại Lễ hội BDGNB.
Trong những ngày lễ hội, lượng khách đổ về Cần Thơ vượt hơn dự kiến. Du khách Trần Văn Thành đến từ TP Hồ Chí Minh, nói: “Nghe báo, đài giới thiệu về các sự kiện, nhất là hội bánh dân gian, nên tôi cùng với gia đình thuê xe xuống Cần Thơ chơi. Ở đây bánh trái quá trời, cả trăm loại. Tôi thấy nên duy trì lễ hội như thế này để mọi người biết nhiều loại bánh dân gian hơn”.
Lễ hội BDGNB năm nay quy tụ hơn 100 loại bánh, từ khắp các vùng miền cả nước, tạo nên không gian văn hóa ẩm thực đa sắc nhiều vị phục vụ đông đảo du khách. Chị Triệu Thị Hiệu, Phó trưởng Phòng Nghiệp vụ văn hóa cơ sở, Trung tâm Văn hóa nghệ thuật tỉnh Lạng Sơn, cho biết: “Đến với hội bánh lần này, chúng tôi mang đến 3 loại bánh đặc trưng của Lạng Sơn: bánh khảo, bánh ngải và bánh dày ngũ sắc. Lễ hội BDGNB rất ý nghĩa để các tỉnh tham gia học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau, sau đó là trao đổi và mang những sản phẩm đặc trưng, đặc sản, nông sản của địa phương đến giới thiệu với du khách. Đây là hoạt động rất tốt để hỗ trợ quảng bá du lịch địa phương”.
Tham quan và thưởng thức nhiều loại bánh tại lễ hội, du khách Nguyễn Thị Phượng Đình đến từ Hậu Giang, nói: “Ở đây có rất nhiều loại bánh, có những loại tôi mới lần đầu nhìn thấy và ăn thử. Như bánh ngải, dẻo và thơm lắm. Tôi muốn mua mà họ không có đủ bán, chỉ mời ăn thử”.
Du khách Lê Thị Ngọc Hằng đến từ Vĩnh Long, cho biết: “Cái hay của hội bánh là có hoạt động trình diễn và làm tại chỗ một số loại bánh. Ở gian hàng của Bắc Ninh thì có cả hát Quan họ rồi mời bánh du khách, rất là hấp dẫn. Ở gian hàng của Thái Nguyên thì vừa được xem gói bánh lại vừa uống trà dùng bánh. Đi một vòng thử các loại bánh, tôi vui lắm và hiểu thêm về ẩm thực truyền thống nhiều địa phương. Tôi cũng mong có những dịp lễ hội như thế này để đến tham quan, du lịch, thư giãn, lại thêm hiểu biết về các đặc sản tỉnh khác”.
Chị Thi Thị Ngọc Trâm, Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật tỉnh Thái Nguyên, chia sẻ: “Đến với lễ hội lần này, Thái Nguyên mang đến các loại bánh đặc sản như: bánh chim, bánh phu thê trà xanh, cẩm tím lục giác… Mỗi loại bánh đều có sự khéo léo riêng, như bánh chim này đan rất là cực, phải sử dụng lá dứa rừng, tước hết các gai đi và đan thành hình dáng con chim. Gạo nếp ngâm với nước tro trà xanh sau đó thì nhét vào bên trong và nấu chín. Bánh chim thường dùng trong đời sống của người dân khi mang theo lên rừng, lên rẫy. Qua lễ hội, chúng tôi muốn giới thiệu đến với du khách các đặc sản của tỉnh Thái Nguyên”.
Các gian hàng đặc sản, quảng bá du lịch của các tỉnh, thành cũng thu hút đông đảo du khách. Du khách Lâm Thành Trung đến từ Hà Nội, cho biết: “Tôi đi tham quan các gian hàng, thấy có nhiều cái hay. Qua các gian hàng quảng bá đặc sản, du lịch của các tỉnh, thành, tôi cũng biết thêm sự đặc sắc của các địa phương”. Chị Trần Thị Kim Lĩnh, chủ cơ sở sản xuất thương mại dịch vụ Bảo Long, tại gian hàng quảng bá, xúc tiến của tỉnh Bình Thuận, cho biết: “Đây là lần đầu chúng tôi đến Cần Thơ tham gia lễ hội, với mong muốn đem các sản phẩm lên men tự nhiên từ thanh long ruột đỏ - đặc sản của Bình Thuận, đến với du khách gần xa. Chỉ trong 1-2 ngày đầu, các sản phẩm được du khách chú ý rất nhiều, cứ 10 người sử dụng thì có đến 7-8 người mua. Sức mua hơn cả kỳ vọng, bởi chỉ mới ngày thứ hai mà chúng tôi đã bán gần hết lượng sản phẩm mang theo phục vụ cho 5 ngày lễ hội. Lễ hội đã tạo ra sự giao lưu và học hỏi rất nhiều cho các địa phương, do đó chúng tôi rất kỳ vọng sẽ có nhiều lễ hội như thế để tiếp tục tham gia, góp phần quảng bá các sản phẩm đặc trưng, du lịch của địa phương”.
Có thể thấy các đặc sản tại các gian hàng tham gia lễ hội đều chú trọng đến sức khỏe người tiêu dùng, thuần tự nhiên. Điển hình như hệ thống sản phẩm làm từ đường thốt nốt của Công ty TNHH Một thành viên Phát triển đặc sản vùng miền Trần Gia, tỉnh An Giang. Chị Nguyễn Thị Thanh Xuân, trực tại gian hàng, cho biết: “Đây là lần thứ năm công ty tham gia Lễ hội BDGNB, cũng là sự kiện duy nhất đơn vị tham gia với các hoạt động quảng bá trong nhiều năm qua. Bởi chúng tôi chỉ muốn mang đến cho du khách những sản phẩm từ thiên nhiên, sản xuất theo phương pháp truyền thống và điều này phù hợp với Lễ hội BDGNB. Tất cả các sản phẩm của chúng tôi đều làm từ cây thốt nốt, mong muốn quảng bá được sản phẩm đặc trưng của An Giang”.
Tương tự, tại gian hàng của Cửa hàng trưng bày và bán sản phẩm OCOP Mekong, chị Bùi Thị Khánh Vân, trực gian hàng, cho biết: “Đây là lần đầu chúng tôi tham gia Lễ hội BDGNB, với mục tiêu giúp các cơ sở có đặc sản của các tỉnh, thành ĐBSCL trưng bày và quảng bá sản phẩm đến với du khách gần xa. Tại đây hiện có khoảng 150 sản phẩm đặc sản, chúng tôi cũng kỳ vọng qua đó du khách biết đến nhiều sản phẩm OCOP của các địa phương hơn”. Du khách Hoàng Thị Xuân Lan đến từ TP Hồ Chí Minh, nói: “Lễ hội không chỉ có bánh trái, mà tôi còn được biết thêm nhiều đặc sản của các địa phương. Các sản phẩm ở đây đều sạch, hướng đến sức khỏe người tiêu dùng nên tôi an tâm”. Trong khi đó, du khách Nguyễn Văn Triều đến từ Vĩnh Long, nói: “Năm nay thấy lễ hội quy mô và tổ chức tốt hơn, không gian rất sạch sẽ, lại có đội an ninh, công an tuần tra suốt nên tôi cũng thấy an tâm”.
Mỗi ngày, chỉ riêng Lễ hội BDGNB đã có rất đông du khách đến tham quan, thưởng thức và mua các đặc sản, vượt quá dự kiến và kỳ vọng của những người tổ chức. Đây được xem là tín hiệu vui cho ngành Du lịch Cần Thơ đang trong giai đoạn phục hồi. Ông Nguyễn Hoàng Ơn, Giám đốc Trung tâm Phát triển du lịch TP Cần Thơ, cho biết: “Chuỗi sự kiện lễ hội là tiền đề để du lịch Cần Thơ đẩy nhanh tiến độ phục hồi trong giai đoạn cả nước đang mở cửa du lịch quốc tế. Du khách đổ về Cần Thơ hơn cả kỳ vọng và điều này giúp ngành Du lịch Cần Thơ và các tỉnh ĐBSCL mạnh dạn mở cửa với hàng loạt các sản phẩm mới, sự kiện lễ hội đặc sắc trong thời gian tới”.
Bài, ảnh: ÁI LAM