24/06/2018 - 17:43

Tin giả trên WhatsApp - kẻ sát nhân tại Ấn Độ 

Đội chiếc mũ màu xanh đậm và khoác lên mình bộ đồng phục cảnh sát, Rema Rajeshwari trèo lên một sân khấu tạm bợ trước hàng trăm dân làng (ảnh), khuyên mọi người đừng tin vào những thông tin không có thật đang lan truyền trên WhatsApp - ứng dụng nhắn tin do mạng xã hội Facebook sở hữu, trong đó cảnh báo nạn bắt cóc trẻ em và giết người đang gia tăng.

 Ảnh: Bloomberg

Đơn cử, một thông điệp được gửi đi bằng WhatsApp nói rằng 400 kẻ chuyên buôn bán trẻ em đã đến Bangalore, thủ phủ bang Karnataka. “Hãy cảnh giác. 3 đứa trẻ đã bị bắt cóc tại khu vực bạn tôi sống vào sáng nay. 10 kẻ lạ mặt đã cho bọn trẻ ăn bánh quy. Người dân ở đó đã bắt được tất cả 10 tên này. Hiện 5 tên khác đang bị truy lùng” – thông điệp khẳng định.

Trên khắp Ấn Độ, những thông tin theo kiểu như vậy đã khiến dân làng ở các khu vực nông thôn đổ xô lùng sục những người lạ mặt. Kết quả là, chỉ trong tháng 5 và tháng 6, ít nhất 6 người đã thiệt mạng trong các vụ tấn công liên quan đến tin giả trên WhatsApp ở các bang Assam, Maharashtra và Tamil Nadu.  “Bạn thấy những thông điệp này, những bức ảnh và những đoạn video này, bạn chưa xác định xem chúng là thật hay giả thì đã chuyển tiếp chúng rồi. Đừng truyền bá những thông điệp này. Và khi người lạ đến làng của các bạn, đừng tự ý dùng hình đối với họ. Đừng sát hại họ” – Rajeshwari nói với dân làng.

Trong bối cảnh cuộc tổng tuyển cử sẽ diễn ra vào năm tới, một số chuyên gia lo ngại sự gia tăng các thông điệp chính trị giả mạo có thể dẫn đến tình trạng bạo lực, khiến cho căng thẳng giữa người Hindu và người Hồi giáo ngày càng leo thang, từ đó dẫn đến các cuộc bạo loạn tôn giáo. Rajeshwari cho biết, cô gần đây đã chứng kiến sự gia tăng đột biến các tin giả về các cuộc bầu cử cấp tiểu bang ở Karnataka, đồng thời tỏ ra lo ngại về vấn nạn tin giả trong cuộc tổng tuyển cử sắp tới.

Thời gian qua, tin giả đã nhanh chóng lan truyền ở các ngôi làng của Ấn Độ thông qua WhatsApp. Carl Woog, người phát ngôn của WhatsApp, cho biết một số người đã sử dụng dịch vụ nhắn tin này để phát tán các thông tin sai lệch có hại. Theo Michael Kugelman, cộng tác viên cao cấp về các vấn đề Nam Á tại Trung tâm Woodrow Wilson, tin giả có thể tạo ra mối nguy hiểm cho Ấn Độ. “Đây là quốc gia mà ở đó những người có tâm địa bất chính sử dụng phương tiện truyền thông xã hội để lan truyền các định kiến xã hội nhằm thổi bùng bạo lực. Trong khi đó, giới chính trị gia thì cố gắng bôi nhọ đối thủ thông qua các tin đồn trên WhatsApp, từ đó tạo ra căng thẳng và làm tăng bóng ma bạo lực chính trị” – Kugelman nhấn mạnh.

Trước tình trạng trên, ông Woog tuyên bố WhatsApp đang nỗ lực cung cấp cho mọi người quyền kiểm soát đối với các cuộc thảo luận nhóm và không ngừng phát triển các công cụ nhằm ngăn chặn những nội dung tự động không mong muốn. Theo ông, trong cuộc tổng tuyển cử ở Ấn Độ vào năm tới, WhatsApp sẽ đẩy mạnh nỗ lực tuyên truyền để người dân biết đến các tính năng an toàn của ứng dụng này cũng như cách phát hiện tin tức giả mạo và các trò lừa đảo.

WhatsApp hiện được hơn 200 triệu người Ấn Độ tin dùng. Sở dĩ ứng dụng nhắn tin này được “chuộng” như vậy là do nó tương thích với nhiều loại điện thoại thông minh giá rẻ và được cài đặt một cách dễ dàng. Dù tình trạng tin giả đang lan truyền trên WhatsApp một cách chóng mặt nhưng Chính phủ Ấn Độ dường như lại chậm hành động. 

TRÍ VĂN (Theo Bloomberg, The Star) 

Chia sẻ bài viết