03/04/2022 - 08:37

Tín dụng ngân hàng góp phần phục hồi kinh tế 

GIA BẢO 

Quý I-2022, nền kinh tế vĩ mô tiếp tục khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) tiếp tục giữ nguyên mức lãi suất điều hành, tạo điều kiện để các tổ chức tín dụng (TCTD) tiếp tục giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ nền kinh tế phục hồi. Tăng trưởng tín dụng quý I đạt 4,03% (cùng kỳ năm 2021 tăng 1,47%). Ðây là tín hiệu tích cực cho thấy nền kinh tế đang hấp thụ tốt nguồn vốn để phục hồi sản xuất kinh doanh.

Lãnh đạo TP Cần Thơ thăm các DN sản xuất kinh doanh trên địa bàn thành phố. Ảnh: M.THANH

Tín hiệu khả quan

Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, tính đến thời điểm 21-3-2022, tổng phương tiện thanh toán tăng 2,49% so với cuối năm 2021. Tổng huy động vốn của các TCTD tăng 2,15% (cùng kỳ năm 2021 chỉ tăng 0,54%). Lãi suất cho vay ngắn hạn bình quân bằng đồng Việt Nam đối với lĩnh vực ưu tiên khoảng 4,3%/năm, thấp hơn mức lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa theo quy định của NHNN (4,5%/năm); lãi suất cho vay ngắn hạn đối với sản xuất, kinh doanh thông thường 7-10,5%/năm... Dòng vốn tín dụng ra thị trường được khơi thông hiệu quả. Cùng với đó, NHNN điều hành tỷ giá trung tâm linh hoạt, tỷ giá và thị trường ngoại tệ ổn định, tăng thêm niềm tin cho các doanh nghiệp (DN) chủ động triển khai các kế hoạch sản xuất kinh doanh, mở rộng thị trường, phục hồi sau thời gian dài "ngủ đông".

Ngày 18-3-2022, NHNN đã ban hành Kế hoạch hành động của ngành ngân hàng (Quyết định số 422/QÐ-NHNN) nhằm thực hiện Nghị quyết số 11 của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. NHNN đã xác định 5 nhiệm vụ trọng tâm triển khai Kế hoạch. Cụ thể, trong điều hành chính sách tiền tệ, tín dụng và hoạt động ngân hàng, NHNN triển khai chính sách hỗ trợ lãi suất 2%/năm trong 2 năm 2022-2023 thông qua hệ thống ngân hàng thương mại (NHTM) đối với các khoản vay thương mại cho DN, hợp tác xã, hộ kinh doanh; nghiên cứu giữ ổn định tỷ lệ tối đa vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn; miễn, giảm dịch vụ thanh toán; tiếp tục tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19… Tăng vốn điều lệ cho các NHTM cổ phần do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ và Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank); tiếp tục xử lý nợ xấu, đảm bảo an toàn hoạt động của các TCTD. Triển khai chính sách hỗ trợ thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội. Cải cách thủ tục hành chính, thể chế. Phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, cơ quan trong triển khai thực hiện Nghị quyết số 11.

Theo nhận định của NHNN, so với quý I-2021, tình hình sản xuất kinh doanh có sự phục hồi tốt hơn, nhu cầu vốn cho sản xuất kinh doanh tăng, nên tăng trưởng tín dụng quý đầu năm 2022 khởi sắc hơn. Bên cạnh đó, các NHTM lớn đã triển khai hàng loạt chương trình tín dụng với lãi suất ưu đãi cho khách hàng. Ðơn cử như Agribank triển khai chương trình ưu đãi cho DN lớn trong lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp và xây dựng, dịch vụ… bổ sung vốn lưu động với mức lãi suất cho vay 4%/năm (ngắn hạn); đồng thời tiếp tục hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) có chương trình dành riêng cho khách hàng là DN nhỏ và vừa, cho vay với lãi suất 5,6-8,3%/năm, với quy mô lên đến 49.000 tỉ đồng. Ngân hàng TMCP Ðầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) dành 200.000 tỉ đồng cả năm 2022 cho khách hàng cá nhân vay vốn sản xuất kinh doanh, với lãi suất ưu đãi hấp dẫn. Và nhiều NHTM cũng dành gói tín dụng ưu đãi lãi suất hỗ trợ nền kinh tế, phục hồi sản xuất kinh doanh.

Linh hoạt điều hành chính sách tiền tệ

Năm 2022, NHNN đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng 14%. Ðể đạt kế hoạch, NHNN tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt và tùy tình hình thực tế, khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế. Theo nhận định của các chuyên gia, vốn ngân hàng là mạch máu phục hồi sản xuất kinh doanh, góp phần tăng trưởng kinh tế vĩ mô. Song, vốn tín dụng cần được đưa vào nền kinh tế, nhất là với các ngành, lĩnh vực đang phục hồi tốt; cần hạn chế vốn đối với các lĩnh vực còn tiềm ẩn rủi ro như bất động sản, chứng khoán… Cùng với đó là sự đồng thuận của các NHTM trong triển khai các kế hoạch, chương trình do NHNN đưa ra và sự năng động của NHNN chi nhánh các tỉnh, thành phố cả nước trong kết nối, thúc đẩy dòng vốn ra thị trường.

Theo ông Trần Quốc Hà, Giám đốc NHNN Chi nhánh TP Cần Thơ, quý I, hệ thống ngân hàng trên địa bàn tiếp tục đẩy mạnh triển khai các giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 theo Thông tư 01/2021/TT-NHNN ngày 13-3-2020 và Thông tư 03/2021/TT-NHNN ngày 2-4-2021, Thông tư 14/2021/TT-NHNN ngày 7-9-2021 về sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 01/2020/TT-NHNN ngày 13-3-2020 của Thống đốc NHNN. Các TCTD trên địa bàn chủ động cùng đồng hành, chia sẻ với khách hàng, DN vượt qua khó khăn, các giải pháp hỗ trợ chi phí hay các giải pháp cho vay mới với nhiều ưu đãi đã tích cực đáp ứng nhu cầu vốn cho khách hàng và hỗ trợ DN phục hồi sản xuất sau tác động tiêu cực của dịch. Ước đến cuối quý I-2022, tổng dư nợ cho vay đạt 123.200 tỉ đồng, tăng 2,14% so với cuối năm 2021. Các TCTD đã thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi và giữ nguyên nhóm nợ với tổng giá trị nợ đã được cơ cấu và miễn, giảm lãi lũy kế từ tháng 3-2020 là 5.100 tỉ đồng, với tổng dư nợ thực hiện đạt 2.310 tỉ đồng cho hơn 4.000 khách hàng. Doanh số cho vay mới từ ngày 23-1-2020 đến cuối quý I-2022 đạt 89.000 tỉ đồng, dư nợ cho vay mới là 22.000 tỉ đồng cho hơn 9.000 khách hàng vay.

Bên cạnh gỡ khó cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, NHNN Chi nhánh TP Cần Thơ đã yêu cầu các TCTD trên địa bàn cân đối nguồn vốn, hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên, cho vay phục vụ nhu cầu đời sống, tín dụng tiêu dùng, đảm bảo an toàn vốn vay, hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Ðồng thời kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro. Phát triển đa dạng sản phẩm tín dụng đáp ứng nhu cầu vốn của người dân, DN, góp phần hạn chế tín dụng đen. Theo lãnh đạo NHNN Chi nhánh TP Cần Thơ, hiện các DN trên địa bàn thành phố đều có quan hệ tín dụng với nhiều ngân hàng và nhiều DN tài chính lành mạnh đã được vay vốn với lãi suất ưu đãi. Chi nhánh cũng duy trì thường xuyên hoạt động kết nối ngân hàng - DN, tạo điều kiện tốt nhất cho khách hàng tiếp cận vốn.

Sự đồng hành của ngân hàng để khơi thông dòng vốn ra thị trường, cùng với chính sách miễn, giảm các loại phí dịch vụ cho khách hàng; gói hỗ trợ lãi suất 2%/năm trong 2 năm 2022-2023 thông qua các NHTM được kỳ vọng sẽ thúc đẩy đà phục hồi kinh tế vĩ mô. Ðồng thời cùng với chính sách tài chính về tiếp tục miễn, giảm thuế, tiền thuê đất… sẽ tạo ra động lực mới cho DN, hộ kinh doanh an tâm triển khai kế hoạch trong năm 2022.

Chia sẻ bài viết