Minh Thơ
Nếu hành trình đường thủy, từ quê tôi theo dòng Trà Nóc, ra sông Hậu xuống cảng Cần Thơ chỉ trên 10 cây số. Từ ngày giải phóng đến nay tôi đã qua lại nơi này hàng ngàn lần. Vậy mà tôi nào biết nơi đó có một cái xóm xưa, nổi danh một người thiếu phụ. Đó là xóm Bà Đồ!
Từ quận Ô Môn xuống Cần Thơ, trên quốc lộ 91, qua Trà Nóc, đến Cảng Hoàng Diệu, đối diện là Công ty TNHH một thành viên 621, vào cổng độ 20 mét, phía trái là khu mộ có hai cột xi măng cao gần 3 mét, đỡ tấm bảng xi măng, có khắc 4 chữ Quốc ngữ lớn và bốn đại tự “TIÊN MÔN TỔ MỘ”. Đầu tiên là mộ Nguyễn Viễn Mô, kế đó là mộ Nguyễn Lãm, ở giữa là mộ Nguyễn Thị Nguyệt, kế đó là ngôi mộ không có mộ chí. Sau cùng là mộ Nguyễn Viễn Du. Năm ngôi mộ xếp thẳng hàng theo hướng Bắc Nam.
Nguyễn Thị Nguyệt và ngôi mộ khuyết danh kia là ai?
Ta thử ngược dòng thời gian, trở về quá khứ để lần ra tên tuổi của chủ xướng “Tao Đàn Bà Đồ”.
***
Là một quan văn, quyết định theo phò tá chúa Nguyễn Phúc Thuần, ông Nguyễn Lãm, tên húy là Nguyễn Văn Tá, cùng 3 con, một gái, hai trai, theo đoàn quân Nam tiến. Con gái lớn Nguyễn Thị Nguyệt, vừa tròn 12 tuổi, con trai kế tên Nguyễn Viễn Du, 5 tuổi và con trai út Nguyễn Viễn Mô mới vừa 2 tuổi. Bốn cha con lênh đênh trên chiếc thuyền mộc nhiều ngày đêm, gian nan vất vả. Một ngày năm Canh Ngọ 1810, thuyền cha con ông Lãm cập bến xóm Cây Dầu, thuộc làng Bình Hưng, phía Nam bờ sông Hậu. Thuở ấy, lau sậy dày đặc, trên bờ thì cây cối um tùm, vô số thú dữ, chim muông. Cây dầu, cây sao cổ thụ bạt ngàn, dây leo chằng chịt, cật lực lắm, họ mới dựng được mái chòi tranh. Sau đó, ông quyết định cáo lão từ quan. Cha con đồng lòng ra sức khai hoang, khi đã tạm có cái ăn, cái mặc, ông Lãm lại nghĩ tới việc khai trí, trước nhất là cho con mình và bà con lân cận.
Đầu tiên, ông dạy các con mình: “Thiên tử trọng hiền hào - Văn chương giáo lý tào - vạn bang giai hạ phẩm - Duy hữu đọc thơ cao - Ấu tiểu tu cần học - Văn chương khả lập thân - Mãn triều chân quý tử - Tận thị đọc thơ nhân
” (tạm dịch: “Vua chúa trọng hiền tài - Văn chương dạy các anh - Các nước đều trước phẩm - Chỉ có người đọc sách - Còn nhỏ phải siêng học - Văn chương mới lập thân - Triều đình đầy con quý - Hết thẩy là đọc sách”). Gọi là bài học vỡ lòng, thực ra, ông đã sớm giáo dục con mình đi vào con đường “hiền tài” cho cả đời sau.
Sinh ra và lớn lên trong gia đình nho giáo, có nền nếp, giáo huấn từ lúc sơ sinh, Nguyễn Thị Nguyệt không chỉ đẹp người đẹp nết, mà còn thông minh, hiếu thảo, siêng năng, hiền thục - là niềm tự hào của ông Lãm.
***
Một lần đoàn thuyền võ quan Nguyễn Phước Khoa tuần du trên sông Hậu, gặp mưa to gió lớn, phải tạm trú qua đêm và gặp lại ông Nguyễn Lãm - vốn quen biết từ khi còn ở triều đình. Hai người quyết kết thông gia, se duyên cho Nguyễn Thị Nguyệt (sinh năm Mậu Thân 1788) và Nguyễn Phước Thành (sinh năm Tân Sửu 1781), rước dâu về Cù Lao Ông Chưởng.
Nguyễn Phước Khoa già yếu, cáo quan giã từ binh ngũ. Nguyễn Phước Thành nối nghiệp cha giữ chức Cai Đội Cơ trấn giữ biên cương phía Tây sông Tiền và sông Hậu. 16 năm chung sống, Nguyễn Thị Nguyệt đã sanh cho Nguyễn Phước Thành hai người con trai là Nguyễn Hữu Tình và Nguyễn Hữu Tự. Bất hạnh là Cai Đội Cơ Nguyễn Phước Thành chết trong một trận chiến, thi hài ông được đem về mai táng tại đất nhà ở Cù Lao Ông Chưởng. Tuy nhiên tình trạng sạt lở đất nơi nầy khá trầm trọng, bà Nguyệt xin nhà chồng đem hài cốt Nguyễn Phước Thành về cải táng ở Xóm Cây Dầu, làng Bình Hưng, chung phần mộ họ tộc Nguyễn Lãm.
Như phần đầu đã đặt câu hỏi: Trong khu “Tiên môn tổ mộ” được chính quyền Sài Gòn đền bù cải táng, ngôi mộ thứ tư khuyết danh là ai? Phải chăng bà Nguyệt cải táng mộ chồng là lời giải đáp.
***
Năm Canh Thìn 1820, vua Minh Mạng lên ngôi, lại một lần nữa triệu hồi Nguyễn Lãm. Nhận thấy lần này không thể miễn cưỡng được nữa, hai con trai ông bèn bàn bạc và đi đến quyết định thay cha phụng mệnh. Sau đó, hai ông được học thêm, thi đậu ra làm quan rồi cả hai lần lượt từ trần. Vì có công, triều đình chấp thuận cho di dời hài cốt về mai táng chung khu mộ gia tộc tại xóm Cây Dầu, làng Bình Hưng, thuộc Trấn Giang.
Phần bà Nguyệt, sau ba năm mãn tang chồng, được cho phép về xóm Cây Dầu cùng với đứa con trai lớn là Nguyễn Hữu Tình, phụng dưỡng cha già.
Từ ngày trở về nhà cũ quê xưa, bà bắt tay vào lo dạy học. Lớp học tại xóm Cây Dầu, nhà bà Nguyệt ngày càng đông vui, ban đầu có hai lớp, một lớp vỡ lòng, một lớp giảng sách thánh hiền. Lúc đầu lớp học còn dạy theo lối gia đình, nghiệp dư, cháu con xóm này, xóm kia lân cận, vài ba mươi đứa. Rồi tiếng lành đồn xa, môn sinh ngày càng đông, phải mở thêm lớp, kê thêm ghế, đóng thêm bàn. Tận Ô Môn, Cầu Nhiếm, Phong Điền
cũng có môn sinh đến học. Bây giờ trường lớp hẳn hoi, mỗi ngày hai buổi, đêm về còn dạy thêm lớp tuổi già ở xóm. Nghiễm nhiên bà giáo được thành danh là “Bà Đồ” Nguyễn Thị Nguyệt. Trường lớp trở thành chuyên nghiệp.
Rủi thay bà Nguyệt lại phải chịu đại tang cha. Những ngày đám tang tất cả các lớp đều tạm nghỉ học. Một đám tang lớn nhứt từ trước đến nay ở vùng này. Hai em của bà Nguyệt từ triều đình Huế cũng vội vã về chịu tang cha. Rồi sau đó các lớp được học trở lại bình thường.
Chẳng biết xóm Cây Dầu đã trở thành tên xóm Bà Đồ từ lúc nào, không thấy sách ghi lại. Nhưng thực tế xóm Cây Dầu ấy có một bà giáo dạy chữ Nho, nhân dân gọi bà là Bà Đồ. Vậy thì xóm ấy trở thành xóm Bà Đồ!
Ở Đồng bằng sông Cửu Long ta thuở mở cõi, khi hạ búa khai khẩn vùng đất hoang sơ, ai cũng đã nghĩ ngay đến khai trí. Nhưng rồi có mấy nơi và mấy ai làm nên như xóm Bà Đồ. Vào cuối thế kỷ thứ 18, nếu ở đất Đông Đô có bà giáo Đoàn Lệnh Khương có công khai trí cho lớp trẻ ở đất Thăng Long, thì tại xóm Cây Dầu, thuộc làng Bình Hưng có bà giáo Nguyễn Thị Nguyệt đã đặt viên đá đầu tiên cho nền giáo dục ở đất Tây Đô.
Chuyện Bà Đồ chưa dừng lại ở đó
***
Đến tuổi lục tuần, Bà Đồ Nguyễn Thị Nguyệt giảm giờ dạy học, dành thời gian cho sáng tác văn thơ, lấy bút hiệu là Hằng Nga và tổ chức Tao Đàn Văn Thơ.
Ngược thời gian trở lại những thập niên đầu thế kỷ thứ 19, ở vùng ĐBSCL, biết bao chí sĩ bỏ mình, bao anh hùng dân tộc đã làm rạng rỡ cho vùng đất mới mở mang, như Trương Định, Võ Trường Toản, Đốc Binh Kiều, Võ Duy Tập
Rồi Đồ Chiểu, Cử Thạnh, Phan Hiếu Đạo ở Định Trường vẫn tới lui thăm viếng nhau, đổi trao những áng văn thơ đồng tâm đồng chí. Nhà Bà Đồ dần trở thành địa điểm Tao Đàn. Đó là “Tao Đàn Văn Thơ ở xóm Bà Đồ”, hay gọi là “Tao Đàn Bà Đồ”! Tương truyền bổn tuồng “Kim Thạch Kỳ Duyên” của thủ khoa Bùi Hữu Nghĩa có sự chung tay điểm xuyến, cùng nhau sửa chữa bên chung trà, chén rượu tại Tao Đàn này.
Nếu khi xưa ở Hà Tiên có “Tao Đàn Chiêu Anh Các”, ở Gia Định có “Bình Dương Thi Xã” lừng danh, thì Tao Đàn của các cụ văn hào miền Tây, tưởng cũng nên nhắc đến phần nào. Nhiều nhà văn, nhà sử học như Huỳnh Minh, Nguyễn Tài Năng, Bảo Định Giang đã nhắc đến Tao Đàn Bà Đồ trong tác phẩm của mình. Nguyễn Tài Năng viết:
- “Ngoài việc trồng dâu nuôi tằm, dệt lụa, bà còn dạy học, làm văn thơ
Cho nên có tên gọi xóm Bà Đồ và Tao Đàn Bà Đồ, cũng là nơi lui tới của các nho sĩ yêu nước như thủ khoa Bùi Hữu Nghĩa, cử nhân Phan Văn Trị, Huỳnh Mẫn Đạt, ba anh em Tú Nên, Tú Danh, Tú Sang
Tao Đàn Bà Đồ là một Tao Đàn cách mạng, tập trung những nho sĩ chân chính, chống thực dân Pháp. Tao Đàn Bà Đồ là trung tâm văn hóa yêu nước đầu tiên của đất Tây Đô, của Cần Thơ nước trong gạo trắng”.
Theo lời của bà Nguyễn Thị Thâu - cháu chắt ngoại của bà Đồ - ông Nguyễn Đại Liêng là cháu ngoại có giữ nhiều sách chữ Hán Nôm của gia tộc để lại, trong đó có cuốn “Hằng Nga Thi Tập” và một số văn thơ của Bùi Hữu Nghĩa, Huỳnh Mẫn Đạt, Nguyễn Đình Chiểu, Phan Văn Trị
Nhưng hồi năm 1948 chạy tản cư, bị giặc Pháp đốt phá cháy sạch.
Tuy vậy, trong lòng những bô lão còn nhớ một số bài thơ truyền khẩu cho đến nay. Rất tiếc đều khuyết danh, khuyết tựa. Như bài sau đây người ta nói của Bà Đồ:
Ớ hỡi! Hằng Nga dám hỏi đon.
Cớ sao đêm khuyết lại đêm tròn?
Đường đi Văn Hớn bao nhiêu dặm?
Nẻo lại Vân Cù cách mấy hòn?
Trộm thuốc trường sanh đà mấy lượng?
Có chồng hội ngộ mấy người con?
Ba mươi mồng một đi đâu vắng?
Hay có tình riêng với nước non?
Lúc đó mà các cụ đã dám lớn tiếng nói lên mối tình riêng của mình là non nước. Phải chăng đó cũng là lời khẳng định về chí hướng yêu nước của mình?
Cuối đông 2014
M.T
Tư liệu “Chuyện làng cổ” Tập 4- Xóm Bà Đồ - Nguyễn Sương.