Dự báo Ðồng bằng sông Cửu Long (ÐBSCL) sẽ gánh chịu hạn mặn nặng nề vào năm tới vì hiện nay thượng nguồn sông Mekong đang cạn dòng ngay trong mùa mưa lũ. PGS.TS Lê Anh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Biến đổi khí hậu Trường Ðại học Cần Thơ đã trao đổi xoay quanh vấn đề này.
► Thưa ông, tình hình kiệt nước trên thượng nguồn sông Mekong ngay giữa mùa mưa lũ năm nay nguyên nhân chính là do đâu?
- Mùa mưa năm nay, đến gần cuối tháng 7 mà phía thượng nguồn sông Mekong chưa thấy dấu hiệu nước lũ đổ về như mọi năm. Số liệu đo đạc mực nước ở các trạm dọc sông cho thấy tất cả mực nước đều nằm rất thấp so với cùng thời kỳ năm ngoái. Có 2 nguyên nhân lý giải: Thứ nhất, năm nay hiện tượng El Nino trở lại khu vực, lượng nước mưa rơi khá thấp. Thứ hai, các chuỗi 8 đập thủy điện ở Trung Quốc đều đồng loạt tích nước vào các hồ chứa, lượng nước xả về hạ lưu rất ít. Ngoài ra, ở Lào, đập thủy điện Xayabury cũng đóng các cửa van để tích nước chạy thử các tổ máy. Điều này khiến nước về hạ lưu cực kỳ thấp.
► Tình hình đó tới nay đang ở mức có thể nói là nặng nhất trong vòng 100 năm nay, thưa ông?
- Đến thời điểm này, có thể nói mực nước tại các trạm đo thủy văn trên dòng chính sông Mekong đều cho thấy là thấp nhất trong gần 100 năm nay.
► Như vậy, 13 tỉnh thành ĐBSCL ở hạ nguồn, chắc chắn sẽ đón nhận một mùa khô hạn mặn dự báo là không thua năm 2016?
- Khả năng mùa khô sắp tới, 2019-2020, vùng ĐBSCL sẽ đón nhận một thời kỳ khô hạn khốc liệt, có thể nặng nề bằng hoặc cao hơn năm 2016, nếu từ nay đến cuối tháng 10 không có những trận bão lớn đổ bộ vào miền Trung và Hạ Lào để cứu hạn cuối mùa mưa.
Viễn cảnh mùa khô 2019-2020 ở ĐBSCL, khả năng xuất hiện một mùa lũ cực thấp, mực nước vào cuối tháng 8 đến tháng 9-2019 trên sông Cửu Long tại Tân Châu và Châu Đốc có thể phá kỷ lục năm lũ thấp lịch sử 2016. Lũ cực thấp đồng nghĩa cái nghèo và cái khổ sẽ hiện hữu cho mùa khô 2019-2020. Phù sa gần như không còn về bao nhiêu, sạt lở và sụt lún sẽ nghiêm trọng hơn, đất trồng sẽ nghèo kiệt hơn. Chắc chắn trong các vụ mùa tới, người nông dân phải buộc sử dụng thêm nhiều phân bón hóa học và các loại nông dược nếu muốn duy trì năng suất và sản lượng như mọi năm. Nguồn lợi thủy sản sẽ giảm sút nghiêm trọng, nghề đan lưới, đánh bắt sản vật mùa lũ sẽ đối diện một sự thất thu lớn. Lũ cực thấp đồng nghĩa các độc chất trong đồng ruộng, sông rạch và vùng đô thị sẽ tích tụ. Mầm bệnh, chuột bọ sẽ tiếp tục hoành hành nhiều nơi.
Nếu các tỉnh đầu nguồn tiếp tục chạy theo làm lúa vụ 3 (vụ thu đông) thì sẽ làm vùng ven biển khan hiếm nước hơn, nước mặn sẽ theo thủy triều dấn sâu hơn vào đất liền và có nhiều nguy cơ nhiễm mặn cả những vùng nước ngọt trước đây như TP Cần Thơ, tỉnh Vĩnh Long và sẽ mở rộng ở các tỉnh còn lại. Tình trạng nguồn nước bị nhiễm mặn, ô nhiễm nước mặt do rác thải, độc chất tích tụ sẽ tăng nhu cầu khai thác nước ngầm làm tình trạng lún sụt đồng bằng thêm nặng nề.
Khô hạn ở Biển Hồ (Campuchia) tháng 7-2019. Ảnh: Trần Văn Tư
Khô hạn cũng sẽ làm gia tăng các vấn đề xã hội cho cả đồng bằng; thu nhập từ sinh kế nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản giảm sút sẽ khiến lực lượng lao động nông thôn chuyển dịch đến các vùng đô thị và công nghiệp. Điều này sẽ làm gia tăng tính phức tạp trong quản lý nguồn lao động, giao thông, nhà ở, việc làm, tai nạn, dịch vụ xã hội như y tế-giáo dục và các tệ nạn phát sinh.
► Các tỉnh thường có tâm lý, tới khi “lâm nạn” rồi mới tìm cách chống đỡ. Theo ông, trường hợp biết trước như vầy, ta nên chuẩn bị giải pháp ngắn hạn và dài hạn ra sao để ĐBSCL thích ứng với tình hình kiệt nước từ thượng lưu sông Mekong?
- Đúng ra, ngay từ đầu năm nay, các cơ quan quản lý tài nguyên và liên quan đến sản xuất nông nghiệp, dân sinh từ Trung ương đến các tỉnh phải có những dự báo sớm dựa vào các mô hình phỏng đoán trên thế giới và khu vực để có những chỉ đạo và khuyến cáo cho người dân.
Về ngắn hạn, như tình hình hiện nay, cần giảm các diện tích canh tác lúa ở những vùng gò cao, các vùng ven biển, chuyển một phần diện tích trồng lúa sang những cây trồng cạn ít tiêu thụ nước hoặc chuyển sang nuôi trồng thủy sản. Khuyến khích và hỗ trợ nông dân tìm mọi cách trữ nước ở các vùng trũng như: lung đìa, ao hồ, các kênh mương… và các lu chứa, bể chứa nước mưa. Người dân cần sử dụng nước tiết kiệm và hiệu quả.
Chính quyền nên xem khô hạn là dạng thiên tai cần trợ giúp. Có thể yêu cầu các ngân hàng cho nông dân vay tiền mua vật dụng trữ nước với lãi suất thấp hoặc không lãi, ngoài ra cần vận động các tổ chức xã hội, các nhà hảo tâm, các doanh nghiệp tham gia cung cấp phương tiện trữ nước cho cộng đồng.
Về dài hạn, cần vận dụng các biện pháp ngoại giao, luật pháp và kinh tế để yêu cầu các quốc gia thượng nguồn phải xem Mekong là dòng sông chung cho khu vực, các nước phải có trách nhiệm chia sẻ nguồn tài nguyên chung này. Ngược lại các nước hạ nguồn có thể tạo những điều kiện phát triển kinh tế giao thương cho các nước nói trên. Có thể kêu gọi các đầu tư phát triển năng lượng tái tạo như điện gió, điện mặt trời ở Thái Lan, Lào và Campuchia để có nguồn điện sạch, phi thủy điện, để bán cho Việt Nam và Thái Lan như một giải pháp win-win, các bên đều có lợi, tạo điều kiện cho phát triển bền vững cho cả khu vực.
► Xin cảm ơn ông!
HUỲNH KIM (thực hiện)