28/04/2020 - 09:36

Tìm giải pháp đưa hoạt động kinh doanh online đi vào nền nếp 

Để đảm bảo an toàn sức khỏe cho bản thân và cộng đồng trong thời điểm dịch COVID-19 diễn ra, nhiều người đã chuyển sang hình thức mua sắm trực tuyến. Theo đó, ngoài các website bán hàng trực tuyến nổi tiếng: Lazada, Tiki, Sendo…, nhiều cửa hàng cũng tăng cường các hoạt động bán hàng theo hình thức livestream trên Facebook cá nhân… Các cửa hàng này không chỉ bán hóa mỹ phẩm, quần áo, mà còn cung ứng đủ loại nhu yếu phẩm, từ các loại thực phẩm khô đến các rau củ, trái cây tươi, thịt heo, thịt gà hay các loại hải sản tươi,… Hầu hết, các kênh mua sắm online này đều có ưu thế là hàng hóa phong phú, giúp người dùng chọn món hàng cần mua ngay tại nhà khá dễ dàng, lại tránh tập trung đến chỗ đông người trong những ngày thực hiện giãn cách xã hội, dịch vụ giao hàng nhanh chóng. Đó chính là những điểm cộng làm hài lòng khách hàng của các cửa hàng kinh doanh online trong mùa dịch.

Ứng dụng thương mại điện tử vào hoạt động kinh doanh được nhiều doanh nghiệp ở TP Cần Thơ tích cực triển khai...

Theo các chuyên gia, việc ứng dụng đa dạng các hình thức kinh doanh trực tuyến qua mạng xã hội đã mang đến nhiều tiện ích cho người bán và người mua. Song, việc quản lý thuế kinh doanh online chỉ tập trung vào các công ty, doanh nghiệp lớn, còn những cá nhân kinh doanh tự do, có doanh thu lớn từ Facebook hay Zalo… chưa được chú trọng. Ngoài ra, việc giao dịch thương mại trên nền tảng internet là giao dịch xuyên biên giới, nên khó xác định chính xác doanh thu phát sinh, quy mô kinh doanh, quá trình giao dịch. Nguyên nhân là hầu như các đơn vị, cá nhân kinh doanh tự do qua mạng xã hội không thực hiện đăng ký kinh doanh với ngành chức năng. Do đó, các cơ quan quản lý nhà nước chưa thể triển khai được các biện pháp thu thuế phù hợp, bảo đảm công bằng giữa các đối tượng nộp thuế. Để tránh thất thu thuế đối với cá nhân kinh doanh online có doanh thu lớn, đòi hỏi ngành thuế và các ngành chức năng đưa ra các giải pháp kiểm soát tốt, nhằm thúc đấy kinh doanh trực tuyến ở các ngành, các lĩnh vực phát triển; đồng thời, tạo thuận lợi cho cá nhân kinh doanh online thực hiện nghĩa vụ thuế đúng theo quy định của pháp luật.

Theo Sở Công thương TP Cần Thơ, thời gian qua, Sở đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động các đơn vị, doanh nghiệp đăng ký website với Bộ Công thương; phối hợp cùng Sở Thông tin và Truyền thông thành phố và các đơn vị quản lý các trang mạng xã hội để nắm danh sách của các tổ chức, cá nhân có hoạt động kinh doanh trên mạng xã hội. Song, vẫn còn nhiều đơn vị, cá nhân bán hàng qua mạng xã hội có doanh thu lớn, nhưng không đăng ký kinh doanh, kê khai thuế… với ngành chức năng. Vì vậy, ngoài  tuyên truyền, vận động các tổ chức, cá nhân chủ động thực hiện đăng ký kinh doanh, các ngành chức năng thành phố sẽ triển khai các chính sách ưu đãi về thuế phù hợp, giúp cho các đơn vị kinh doanh qua mạng thực hiện nghĩa vụ thuế đúng theo quy định. Song song đó, thông tin cụ thể các quy định về xử lý hành vi vi phạm về kinh doanh qua mạng xã hội…

Theo Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp nhỏ, vừa và hộ kinh doanh, cá nhân thuộc Tổng cục Thuế, để đảm bảo hiệu quả quản lý và thu thuế đối với hình thức kinh doanh qua mạng cần sự phối hợp chặt chẽ của các bộ, ngành có liên quan. Cùng đó, Luật Quản lý thuế sửa đổi được Quốc hội khóa XIV thông qua tại Kỳ họp thứ 7 chính thức có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1-1-2020, sẽ góp phần quản lý thuế có hiệu quả đối với cá nhân kinh doanh trên mạng xã hội... Từ đó, đưa hoạt động kinh doanh trực tuyến đi vào nề nếp, tạo sự minh bạch, công bằng giữa các đối tượng nộp thuế và tránh thất thu thuế.

Bài, ảnh: Phú An

Chia sẻ bài viết