03/02/2015 - 20:49

Dự án cấp nước vùng liên tỉnh ĐBSCL

Tìm giải pháp chủ động nguồn nước

Đồng bằng sông Cửu long (ĐBSCL) trong tương lai được dự báo là một trong những nơi chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi tác động của biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Với sự xâm nhập của nước biển, nhiều địa phương sẽ thiếu nước ngọt phục vụ hoạt động sản xuất và sinh hoạt nếu không có biện pháp chủ động ứng phó ngay từ bây giờ. Đây cũng chính là vấn đề được nhiều đại biểu đặt ra tại Hội thảo báo cáo phương án đầu tư “Dự án cấp nước vùng liên tỉnh ĐBSCL” vừa diễn ra tại TP Cần Thơ do Cục Hạ tầng Kỹ Thuật thuộc Bộ Xây dựng tổ chức.

Cần có hệ thống cấp nước liên vùng

Theo dự báo, nếu mực nước biển dâng 1m sẽ có 39% diện tích ĐBSCL bị ngập và 35% dân số bị tác động trực tiếp. Trong tương lai, ĐBSCL sẽ phải chịu những tác động trực tiếp và nặng nề của vấn đề nước biển dâng do cao độ địa hình toàn bộ khu vực thấp và chịu ảnh hưởng trực tiếp của thủy triều qua hệ thống sông ngòi dày đặc. Vấn đề xâm nhập mặn của các con sông có chiều hướng gia tăng, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất, đặc biệt là nguồn nước sử dụng cho ăn uống, sinh hoạt và sản xuất trong khu vực. Để chủ động ứng phó với nguy cơ thiếu nước ngọt phục vụ cho sản xuất và sinh hoạt trong tương lai, Bộ Xây dựng đang xúc tiến xây dựng một hệ thống cấp nước ngọt mang tính cấp vùng đầu tiên tại ĐBSCL là “Dự án cấp nước vùng liên tỉnh ĐBSCL”.

 Với tình hình nguồn nước sông ngày càng bị ô nhiễm, nhiều người dân tại vùng ĐBSCL đang có nhu cầu sử dụng nước sạch được cung cấp từ các nhà máy cấp nước tập trung. Trong ảnh: Sử dụng nước sạch tại một hộ dân ở huyện Thới Lai, TP Cần Thơ.

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Cao Lại Quang cho biết, thực hiện mục tiêu phát triển bền vững và bảo vệ môi trường, Chính phủ đã và đang tích cực nghiên cứu, xây dựng các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng với tinh thần chủ động và kịp thời ứng phó với biến đổi khí hậu. Một trong những hướng đi đã được Chính phủ lựa chọn trong quy hoạch cấp nước vùng kinh tế trọng điểm ĐBSCL là đầu tư phát triển hệ thống cấp nước liên vùng. Định hướng này đã được Chính phủ đồng ý về chủ trương thông qua việc phê duyệt “Quy hoạch xây dựng vùng ĐBSCL đến năm 2020 tầm nhìn 2050” tại Quyết định số 1581/QĐ-TTg và “Quy hoạch cấp nước Vùng kinh tế trọng điểm vùng ĐBSCL” tại Quyết định số 2065/QĐ-TTg. Trong đó, việc đầu tư xây dựng một hệ thống cấp nước có quy mô liên vùng, khai thác nguồn nước sông Hậu tại vị trí không bị nhiễm mặn để cấp nước an toàn và ổn định cho những nơi nguồn nước bị nhiễm mặn, nhiễm phèn và nguồn nước dưới đất ngày càng suy thoái là yêu cầu cần thiết và cấp bách.

Thực hiện chủ trương của Chính phủ, Bộ Xây dựng đã chỉ đạo thực hiện các nghiên cứu sâu hơn về khả năng tổ chức hệ thống cấp nước có tính chất liên vùng, liên tỉnh cho vùng ĐBSCL. Đó là việc tổ chức thực hiện quy hoạch cấp nước vùng ĐBSCL cũng như việc nghiên cứu lập báo cáo đầu tư. Bên cạnh đó, Bộ Xây dựng cũng đã nhiều lần tổ chức họp và trao đổi với Ngân hàng Thế giới (WB) về việc kêu gọi nguồn vốn vay hỗ trợ cho việc đầu tư thực hiện dự án và nhận được sự đồng thuận cao từ phía WB.

Công ty cổ phần Nước và Môi trường Việt Nam được Bộ Xây dựng chọn làm đơn vị tư vấn lập báo cáo đầu tư dự án hệ thống cấp nước vùng liên tỉnh ĐBSCL. Tổng Giám đốc Công ty, ông Lê Văn Tuấn cho biết: Hệ thống này sẽ đảm nhiệm việc cung cấp nước cho 7 tỉnh, thành nằm ở vùng Tây sông Hậu gồm: TP Cần Thơ, An Giang, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau và Kiên Giang. Việc thực hiện dự án này là rất cần thiết nhằm đảm bảo an ninh nguồn nước, góp phần phát triển kinh tế-xã hội bền vững cho vùng. Tuy nhiên, khó khăn lớn trong việc đầu tư hệ thống này là chi phí đầu tư xây dựng lớn, thời gian xây dựng dài, hiệu quả kinh tế ban đầu không cao và cần mô hình quản lý mới, có tính đặc thù cao.

Từ thực tế trên, đơn vị tư vấn đề xuất phương án đầu tư dự án gồm nhà máy nước sông Hậu 1 và nhà máy nước sông Hậu 2. Công suất dự kiến 400.000 m3/ngày/nhà máy hoặc nhà máy sông Hậu 1 (đặt tại quận Ô Môn-TP Cần Thơ có vị trí gần với biển so với nhà máy sông Hậu 2) có công suất công suất 300.000 m3/ngày, nhà máy sông Hậu 2 là 500.000 m3/ngày. Nước từ hai nhà máy này dự kiến sẽ cung cấp cho các tỉnh, thành trong khu vực qua một mạng lưới ống truyền dẫn lớn để dẫn nước ngọt thô hoặc nước đã qua xử lý. Về vốn đầu tư thực hiện án, nếu theo phương án đầu tư toàn bộ các hạng mục của hệ thống cấp nước vùng ĐBSCL giai đoạn 2020 sẽ ở mức trên 1,6 tỉ USD. Theo phương án phân kỳ đầu tư, giai đoạn đầu chỉ đầu tư các hạng mục của nhà máy nước sông Hậu 1 để cung cấp cho 5 tỉnh, thành phía hạ lưu gồm: Cần Thơ, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu và Cà Mau, cần vốn đầu tư 717,5 triệu USD. Nếu chỉ đầu tư các hạng mục của nhà máy nước sông Hậu 1 ưu tiên cấp nước cho khu vực trung tâm TP Cần Thơ và tỉnh Hậu Giang, vốn đầu tư ở mức trên 309,2 triệu USD.

Quan tâm vấn đề “an ninh” nguồn nước

Tại Hội thảo báo cáo phương án đầu tư “Dự án cấp nước vùng liên tỉnh ĐBSCL”, đại diện các địa phương vùng Tây Nam sông Hậu cùng các bộ ngành, đơn vị có liên quan thống nhất cao với Dự án cấp nước vùng liên tỉnh ĐBSCL và mong dự án này sớm được triển khai thực hiện. Tuy nhiên, để dự án được thực hiện tốt cần có nghiên cứu sâu và kỹ các phương án để chọn giải pháp tối ưu. Trong đó, cần chú ý nhu cầu sử dụng nước không chỉ đến năm 2020 mà cần có tầm nhìn dài hơi đến năm 2025, thậm chí đến năm 2050 và lâu hơn nữa để xác định quy mô đầu tư và có các phân kỳ đầu tư hợp lý. Song song đó, cần đặc biệt quan tâm vấn đề quản lý, bảo vệ chất lượng nguồn nước trên sông Hậu… Ông Kỷ Quang Vinh, Chánh Văn phòng công tác BĐKH TP Cần Thơ, cho rằng: “Thống nhất với chủ trương thực hiện việc lấy nước ngọt từ sông Hậu để cung cấp cho những nơi có nguồn nước mặt bị nhiễm mặn và phèn. Tuy nhiên, để phát huy tốt hiệu quả của công trình này, cần phải thực hiện song hành với việc quản lý, bảo vệ nguồn nước tại Sông Hậu. Nguyên nhân do nguồn nước trên sông Hậu đang có xu hướng bị suy giảm về chất lượng và số lượng do ảnh hưởng bởi các đập thủy điện ở thượng nguồn, nhiều chất thải bẩn và hóa chất độc hại xả ra từ các hoạt động sản xuất nông nghiệp và công nghiệp”. Ông Nguyễn Liên Khoa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, cho biết: “Với những tác động của biến đổi khí hậu ngày càng hiện hữu rõ, việc đầu tư xây dựng hệ thống cấp nước vùng liên tỉnh ĐBSCL là tin vui, đáp ứng nhu cầu và ước mơ của chính quyền và nhân dân tại tỉnh Hậu Giang, cũng như các địa phương khu vực Tây Nam sông Hậu. Tuy nhiên, để thực hiện tốt dự án cần có các nghiên cứu kỹ để chọn giải pháp tối ưu nhất”.

Đặc biệt, cần các có thể chế, cơ chế chính sách và mô hình quản lý vận hành để giúp nhà máy cấp nước vùng liên tỉnh ĐBSCL hoạt động thông suốt, đảm bảo “an ninh” an toàn và giữ giá nước ở mức ổn định cho người dân. Theo Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Võ Thị Hồng Ánh, đầu tư thực hiện dự án là cần thiết nhằm chủ động nguồn nước phục vụ sản xuất và sinh hoạt cho vùng trong tương lai. Vấn đề này không chỉ mang tính chính trị, an ninh mà có vai trò quan trọng góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội và cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân trong vùng. Các bộ ngành Trung ương và Chính phủ cần xem xét có các cơ chế chính sách đồng bộ giúp kết nối hệ thống cấp nước này với các hệ thống hiện có tại các địa phương và đảm bảo an ninh, an toàn và thông suốt nguồn nước cung cấp, với mức giá phù hợp mà người dân trong vùng dễ chấp nhận.

Nhiều ý kiến cho rằng, để đảm bảo việc cung cấp nước cho vùng ĐBSCL trong tương lai, các cơ quan chức năng, nhất là chính quyền các địa phương cũng cần tính toán, kết hợp việc khai thác sử dụng nguồn nước mặt với các nguồn nước khác nhau như: nước mưa hay nước ngầm nhằm tiết kiệm chi phí và tăng khả năng thích ứng với rủi ro từ biến đổi khí hậu.

Bài, ảnh: Khánh Trung

Chia sẻ bài viết