 |
Người tiêu dùng giờ đây tiết kiệm và cân nhắc kỹ hơn khi mua sắm hàng mỹ phẩm. |
Hiện nay, do tác động bởi nhiều yếu tố, giá các mặt hàng mỹ phẩm trên thị trường đã tăng thêm từ 10-30%. Để tiết kiệm, người tiêu dùng điều chỉnh cắt giảm chi tiêu, nhất là chi phí làm đẹp, nên sức mua các mặt hàng mỹ phẩm đã giảm từ 40-60%. Trong bối cảnh đó, các dịch vụ làm đẹp đang cố gắng để kéo khách hàng bằng nhiều hình thức khuyến mại, giảm giá
* Sức mua trầm lắng
Hiện đang trong mùa thấp điểm nhất trong năm của thị trường mua sắm. Cùng với nhiều loại mặt hàng, thị trường mỹ phẩm cũng đang phải chịu cảnh “chợ chiều”. Theo một số nhà phân phối mỹ phẩm trên địa bàn TP Cần Thơ, chỉ tính riêng 1 tháng nay sức mua đã giảm đi rất nhiều, từ 40-60%. Khó khăn càng tăng khi vào đúng thời điểm này các loại mỹ phẩm nhập ngoại điều chỉnh tăng thuế suất với mức tăng 6%. Do từ ngày 20-6-2008, Quyết định số 37/2008/QĐ-BTC ngày 13-6-2008 của Bộ Tài chính chính thức được áp dụng. Cùng với mặt hàng điện thoại di động, mặt hàng mỹ phẩm hoặc các chế phẩm trang điểm, dưỡng da (trừ dược phẩm) phải chịu mức thuế suất nhập khẩu từ 15-36% (thay cho mức cũ 15-30%). Thuế tăng, giá bán lẻ các loại hàng nhập ngoại phải điều chỉnh tăng theo. Không những thế rất nhiều các mặt hàng sản xuất trong nước cũng điều chỉnh giá tăng... đã đưa thị trường này càng thêm trầm lắng. Trên thị trường, các loại mỹ phẩm ngoại nhập được phân phối chính hãng hoặc phân phối qua các công ty độc quyền tại Việt Nam như: Lancôme, Shiseido, Thefaceshop, L/oréal, Maybeline... có mức tăng giá từ 10-20%. Các loại hàng ngoại “trôi nổi” cũng “ăn theo” điều chỉnh mức giá tăng. Tại mỗi cửa hàng, các loại hàng này có giá bán không nhất định, ở mức tăng bình quân 30%.
Thuế nhập khẩu chỉ điều chỉnh từ mức 15-30% lên 15-36%, tức 6%, nhưng giá sản phẩm lại tăng từ 10-30%, chưa kể có sự chênh lệch về giá giữa các điểm bán. Giải thích cho việc giá bán tăng cao hơn giá thuế tăng, các hãng cho rằng ngoài việc thuế suất tăng, sản phẩm hiện còn phải chịu áp lực từ chênh lệch giá của đồng đô-la Mỹ, giá nguyên liệu, chi phí sản xuất, giá vận chuyển... Tuy nhiên, tại nhiều hãng do có lượng dự trữ hàng từ trước khi tăng thuế hoặc đang trong thời gian trợ giá bán sản phẩm mới, nên đã kiềm được giá tăng, nhưng cũng chỉ là những giải pháp tạm thời, duy trì được trong thời gian ngắn.
Giá tăng, người tiêu dùng phải gánh chịu, nếu như trước kia đối với việc làm đẹp, bỏ tiền ra thêm vài chục phần trăm cho một sản phẩm cũng không làm cho người tiêu dùng nản lòng. Nhưng trước tình hình khó khăn như hiện nay, trong khi mọi chi phí tiêu dùng đều tăng thì việc tăng giá lần này của hàng mỹ phẩm đã thật sự tác động đến doanh số bán hàng của các nhà sản xuất, kinh doanh. Nhiều đại diện phân phối mỹ phẩm cho biết, từ đầu năm đến nay, đặc biệt từ 2-3 tháng gần đây, doanh số bán hàng đã giảm đi từ 10-20% so với cùng kỳ năm 2007.
Không phải chờ đến lúc thuế nhập khẩu tăng, ngay từ những tháng trước đó đã có rất nhiều loại mỹ phẩm sản xuất trong nước (kể cả hàng liên doanh) đã tăng giá ở mức tăng thấp nhất cũng từ 1.000 đồng đến trên dưới 20.000 đồng/sản phẩm với các nhãn hiệu như: kem dưỡng trắng da E100, Rojzi, Thorakao, O/lay... Đối với các công ty này, giá sản phẩm điều chỉnh là do doanh nghiệp phải chịu mức tăng của chi phí như giá nguyên liệu, giá nhân công, mặt bằng... Bên cạnh đó, không ít những sản phẩm cũng được tăng giá bằng cách đưa ra các dòng sản phẩm mới, thay đổi bao bì... các loại hàng này chủ yếu là hóa mỹ phẩm như dầu gội, bột giặt...
* SPA nỗ lực thu hút khách hàng
Không khả quan hơn tình hình kinh doanh tại các cửa hàng mỹ phẩm, tại rất nhiều Spa (Trung tâm chăm sóc sắc đẹp) cho biết, một vài tháng nay lượng khách giảm đi rất nhiều, khoảng trên dưới 40%. Không phủ nhận đây là những tháng kinh doanh thấp điểm nhưng sự tăng giá của các gói dịch vụ do giá mỹ phẩm tăng cũng là nguyên nhân không nhỏ khiến thị trường trầm lắng. Tùy theo mỗi Spa và dịch vụ mà các gói dịch vụ được điều chỉnh tăng giá ở những mức khác nhau, từ 10.000 đến trên 100.000 đồng/gói.
Với giá chăm sóc thấp nhất từ 60.000 đến trên dưới 1 triệu đồng/gói nên việc cắt giảm bớt tiêu dùng của người dân cũng tiết kiệm được số tiền không phải là nhỏ. Chị Hoàng Thu Anh, một nhân viên văn phòng, cho biết: “Trước đây, gần như cuối tuần nào tôi cũng đến Spa để chăm sóc da và thư giãn. Nhưng vài tháng nay, mỗi tháng tôi cũng chỉ đến khoảng 1-2 lần. Nguyên nhân chính không phải vì giá dịch vụ tăng vài chục ngàn đồng, mà do hầu hết các khoản chi phí trong gia đình đều tăng, nên tôi phải cắt giảm bớt những khoản chi không được xem là thiết yếu, trong đó có việc làm đẹp của mình. Vì giảm đi một tháng cũng bớt tiêu hao vài trăm ngàn đồng”.
Cũng như những năm trước, giải pháp kinh doanh cho những tháng kinh doanh thấp điểm là các chương trình khuyến mãi. Vài tháng nay tại rất nhiều Spa đưa ra chương trình khuyến mãi, các gói sản phẩm mới như: Spa giải cảm, cải lão hoàn đồng, đắp mặt nạ bằng vàng, xông thuốc bắc, giảm giá khi sử dụng trọn gói, tặng quà hoặc giảm giá trực tiếp dịch vụ... Tuy nhiên, theo chị Nguyễn Thị Tố Duyên, Trung tâm Lady/s Spa, đường 30-4, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ: “Các chương trình khuyến mãi cũng chỉ vực được số khách hàng khoảng 5%, không đáng kể so với lượng khách giảm. Nhờ được lấy hàng trực tiếp từ nhà phân phối và sử dụng hàng chuyên biệt, nên trung tâm cũng cố gắng chia sẻ, cung ứng cho khách hàng sản phẩm, dịch vụ với giá tốt nhất”.
Thông thường sau tháng 9 trở đi thị trường mỹ phẩm và dịch vụ làm đẹp hàng năm, sẽ sôi động trở lại. Tuy nhiên, theo các điểm kinh doanh, năm nay thị trường này khó có thể hồi phục sức mua như trước đây, bởi trong thời buổi kinh tế lạm phát, người tiêu dùng trở nên tiết kiệm và cân nhắc kỹ hơn khi chi xài, mua sắm.
Bài, ảnh: Khánh Nam