15/07/2018 - 15:17

Tiêu chí đánh giá hiệu quả công tác phổ biến giáo dục pháp luật   

Trong những năm qua, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) đã nhận được sự quan tâm của các cấp ủy Đảng, Nhà nước và toàn thể xã hội. Rất nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Đảng và Nhà nước đã được ban hành nhằm đẩy mạnh hơn nữa công tác này. Tuy nhiên, việc đánh giá hiệu quả công tác PBGDPL vẫn chưa có sự thống nhất. Do đó, Bộ tiêu chí đánh giá hiệu quả công tác PBGDPL do Bộ Tư pháp ban hành sẽ là cơ sở quan trọng để đánh giá và hướng công tác PBGDPL đi vào thực chất.

Trợ giúp viên pháp lý hướng dẫn pháp luật cho người dân.

Bộ Tư pháp vừa ban hành Thông tư số 03/2018/TT-BTP quy định Bộ tiêu chí đánh giá hiệu quả công tác PBGDPL áp dụng với Bộ, cơ quan ngang bộ và UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Trong đó, quy định cụ thể các tiêu chí đánh giá hiệu quả tác động của công tác PBGDPL đối với xã hội. Nhóm tiêu chí đánh giá hiệu quả tác động của công tác PBGDPL đối với xã hội (tối đa 20 điểm) bao gồm các tiêu chí: mức độ người dân, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tự học tập chủ động tìm hiểu pháp luật; mức độ người dân, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động biết pháp luật; mức độ người dân, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động hiểu pháp luật; mức độ người dân, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động hài lòng về chất lượng hoạt động PBGDPL; tình hình vi phạm pháp luật trong lĩnh vực, địa bàn thuộc phạm vi quản lý do không hiểu biết pháp luật giảm. Số điểm tối đa được chấm cho mỗi tiêu chí là 4 điểm nếu đạt từ 85% đến 100%. Tỷ lệ % được tính theo công thức: tỷ lệ % đạt được = (Tổng số người lựa chọn nội dung trả lời trong phiếu khảo sát/Tổng số phiếu được khảo sát) x 100%.

Bà Phan Quỳnh Giao, Phó Giám đốc Sở Tư pháp TP Cần Thơ, cho biết: Ngoài tiêu chí đánh giá hiệu quả tác động của công tác PBGDPL, Bộ tiêu chí còn có 4 nhóm tiêu chí: Nhóm tiêu chí thực hiện chức năng quản lý nhà nước về PBGDPL (tối đa 30 điểm); Nhóm tiêu chí triển khai các hoạt động PBGDPL (tối đa 20 điểm); Nhóm tiêu chí về các điều kiện bảo đảm thực hiện công tác PBGDPL (tối đa 20 điểm); Nhóm tiêu chí khác (tối đa 10 điểm). Việc đánh giá, chấm điểm, xếp loại hiệu quả công tác PBGDPL được thực hiện định kỳ 2 năm một lần. Thời điểm ấn định các thông tin, số liệu để đánh giá, chấm điểm, xếp loại là ngày 31-12 của năm thứ hai tính từ thời điểm đánh giá kỳ trước; mốc thời gian để tính kỳ đầu đánh giá là ngày 31-12-2018. Kết thúc kỳ đánh giá, bộ, cơ quan ngang bộ, UBND cấp tỉnh tổ chức tự đánh giá, chấm điểm toàn bộ các nhóm tiêu chí, chỉ tiêu theo Thông tư và gửi báo cáo kết quả tự đánh giá, chấm điểm về Bộ Tư pháp để đánh giá, chấm điểm, xếp loại. Điểm số tự đánh giá được tính hệ số 1. Căn cứ kết quả tự đánh giá, chấm điểm của bộ, cơ quan ngang bộ, UBND cấp tỉnh và kết quả theo dõi, quản lý, kết quả kiểm tra, khảo sát, tọa đàm và các nguồn thông tin hợp pháp khác, Bộ Tư pháp tổ chức việc đánh giá, chấm điểm từng nhóm tiêu chí trong nội dung Bộ Tiêu chí. Điểm số do Bộ Tư pháp đánh giá được tính hệ số 2.

Để tăng cường công tác tuyên truyền PBGDPL, từ đầu năm đến nay, Sở Tư pháp cùng các đơn vị liên quan đã tổ chức nhiều hội nghị triển khai, tập huấn; xây dựng các loại tài liệu tuyên truyền (tờ gấp, sổ tay…) để nâng cao kiến thức pháp luật cho cán bộ, công chức và người dân. Ngoài ra, các địa phương tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền pháp luật đến các tầng lớp nhân dân. Ông Nguyễn Văn Hóa, Trưởng Phòng Tư pháp quận Ô Môn, cho biết: Để tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác PBGDPL, quận tiếp tục đa dạng hóa các loại hình, sử dụng có hiệu quả hình thức tuyên truyền pháp luật phù hợp với từng đối tượng, ở từng địa bàn khác nhau. Dựa vào nhu cầu cũng như thói quen sinh hoạt của người dân mà nhấn mạnh nội dung tuyên truyền để người dân dễ nắm bắt và vận dụng vào thực tế một cách hiệu quả nhất. Đặc biệt, trong quý III, Phòng sẽ phối hợp với nhà trường, Phòng Dân tộc, Hội Liên hiệp Phụ nữ cùng các đơn vị khác tăng cường tuyên truyền đến đối tượng là thanh thiếu niên, đồng bào dân tộc thiểu số, đồng bào tôn giáo, người khuyết tật… để người dân có điều kiện cũng như dễ dàng tiếp cận pháp luật.

Bà Phan Quỳnh Giao, Phó Giám đốc Sở Tư pháp TP Cần Thơ, cho biết: Thời gian qua, việc đánh giá hiệu quả công tác PBGDPL chưa có cơ sở pháp lý để lượng hóa hiệu quả công tác PBGDPL; việc ban hành tiêu chí này giúp hoàn thiện thể chế trong công tác PBGDPL, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về PBGDPL, sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư, đưa công tác PBGDPL đi vào chiều sâu.

Bài, ảnh: P.NGUYỄN

Chia sẻ bài viết