10/01/2014 - 22:16

Tiếp tục hoàn thiện thể chế chính sách hỗ trợ thị trường, đảm bảo các mục tiêu tăng trưởng

(CT)- Đó là chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng tại Hội nghị Trực tuyến toàn quốc Triển khai nhiệm vụ năm 2014 của ngành Công thương, do Bộ Công thương tổ chức vào sáng 10-1.

Theo báo cáo của Bộ Công thương, trong năm 2013, ngành công thương cả nước tiếp tục đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, đầu tư xây dựng, nâng cao năng lực sản xuất phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Kết quả sản xuất công nghiệp năm 2013 có sự phục hồi, nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo với chỉ số sản xuất công nghiệp ước tăng 5,9%, cao hơn so với mức tăng cùng kỳ năm ngoái (năm 2012 tăng 5,8% so với năm 2011). Tình hình tồn kho sản phẩm trong doanh nghiệp (DN) chuyển biến tích cực, ở thời điểm 1-1-2013 chỉ số tồn kho trong lĩnh vực chế biến, chế tạo tăng 21,5% so với cùng kỳ, đến ngày 1-12-2013, chỉ số tồn kho chỉ còn tăng 10,2% và là mức tồn kho bình thường. Thị trường trong nước tiếp tục được mở rộng đảm bảo cân đối cung cầu những mặt hàng thiết yếu. Tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và dịch vụ 12 tháng năm 2013 ước tăng 12,6% so với cùng kỳ (nếu loại trừ yếu tố giá tăng 5,6%). Nhờ công tác quản lý thị trường được triển khai quyết liệt nên tình trạng nhập lậu gia cầm qua biên giới cơ bản được khống chế, thị trường kinh doanh mũ bảo hiểm cơ bản lập lại trật tự, tình hình gian lận thương mại trong kinh doanh xăng dầu đã giảm đáng kể. Năm 2013 là năm thứ 2 liên tiếp cán cân thương mại của Việt Nam tiếp tục xuất siêu với xuất siêu cả năm khoảng 863 triệu USD. Tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt khoảng 132,17 tỉ USD, tăng 15,4% so với năm 2012, cả nước có 22 nhóm hàng có kim ngạch xuất khẩu đạt hơn 1 tỉ USD. Kim ngạch nhập khẩu ước đạt 131,3 tỉ USD, tăng 15,4% so với năm 2012. Về hội nhập quốc tế, năm 2013, Bộ Công thương và các bộ, ngành đã tích cực tham gia các sự kiện quốc tế quan trọng, các hiệp định khu vực thương mại tự do (FTA), tăng cường hợp tác trong khối ASEAN, APEC, WTO và các tổ chức quốc tế khác. Các hiệp định kinh tế, thương mại song phương từng bước đi vào thực thi đã tạo ra cơ hội và điều kiện thuận lợi để nước ta đẩy mạnh sản xuất và xuất khẩu, thu hút đầu tư, khẳng định vị thế mới trên trường quốc tế và trong khu vực. Thực hiện mục tiêu tổng quát phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, trong 2 năm 2014-2015, Bộ Công thương đặt ra chỉ tiêu giá trị gia tăng công nghiệp xây dựng bình quân hàng năm tăng khoảng 6,1-6,3%. Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tăng bình quân 10%/năm. Nhập siêu tiếp tục duy trì ở mức dưới 6% so với tổng kim ngạch xuất khẩu. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng khoảng 14%/năm. Đến năm 2015, tỷ trọng tổng mức bán lẻ hàng hóa qua kênh phân phối hiện đại khoảng 40%, qua kênh phân phối truyền thống là 60%.

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, khẳng định: Trong năm 2013, tình hình kinh tế vĩ mô của đất nước được giữ vững ổn định so với năm 2012, lạm phát được kiểm soát, tăng trưởng kinh tế quý sau cao hơn quý trước, giá trị sản xuất công nghiệp tăng, chỉ số hàng tồn kho giảm mạnh và trở lại mức bình thường. Tổng mức đầu tư toàn xã hội tăng, đặc biệt là đầu tư ngoài nhà nước. Các lĩnh vực kinh tế-văn hóa-xã hội-y tế-giáo dục đều có bước phát triển, quốc phòng an ninh được giữ vững, kinh tế đối ngoại đạt nhiều thành tựu… Tuy nhiên, tăng trưởng kinh tế vĩ mô vẫn chưa vững chắc, sức cạnh tranh của DN chưa được cải thiện nhiều, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo ba đột phá chiến lược còn chậm. Vì vậy, năm 2014, Bộ Công thương cần tăng cường nhiệm vụ quản lý nhà nước, hoàn thiện thể chế chính sách để hỗ trợ thị trường, tạo điều kiện giúp DN, các thành phần kinh tế tháo gỡ khó khăn về vốn để sản xuất, kinh doanh hiệu quả, tập trung đổi mới công nghệ, nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị sản phẩm, mở rộng thị trường trong và ngoài nước. Tiếp tục mở rộng phát triển thị trường nội địa, phát triển chuỗi bán lẻ, đưa hàng hóa về vùng sâu, vùng xa, vùng nông thôn. Tăng cường công tác quản lý thị trường, chống buôn lậu nhằm bảo vệ nền sản xuất trong nước. Bộ Công thương cần chủ động chủ trì khai thác các Hiệp định Thương mại tự do để đẩy mạnh xuất khẩu, hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm thị trường. Tập trung đảm bảo cân đối cung cầu các mặt hàng thiết yếu như điện, xăng dầu, không để ra tình trạng thiếu hàng, sốt giá, công khai minh bạch các yếu tố hình thành giá bán. Tiếp tục triển khai có hiệu quả Đề án tái cơ cấu các Tập đoàn và Tổng Công ty thuộc Bộ Công thương mà trọng tâm là thực hiện cổ phần hóa để DN nhà nước hoạt động hiệu quả, cạnh tranh theo kinh tế thị trường.

MINH HUYỀN

 

Chia sẻ bài viết