Tăng trưởng tín dụng 2 tháng đầu năm 2024 giảm so với cuối năm 2023. Hoạt động sản xuất kinh doanh của một số ngành, lĩnh vực tiếp tục gặp khó; sức ép lạm phát còn lớn, mặt bằng lãi suất cho vay dù đã giảm, nhưng năng lực hấp thụ vốn nền kinh tế vẫn yếu. Đây là thách thức lớn cho điều hành chính sách tiền tệ và tăng trưởng tín dụng năm 2024. Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chỉ đạo các NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố và các ngân hàng thương mại (NHTM) tiếp tục triển khai quyết liệt, hiệu quả các chương trình, gói tín dụng ưu đãi… đồng thời, thường xuyên tổ chức hội nghị kết nối ngân hàng - doanh nghiệp để gỡ khó kịp thời vốn cho sản xuất kinh doanh.
Còn nhiều dư địa tăng trưởng tín dụng
Tại hội nghị triển khai nhiệm vụ chính sách tiền tệ năm 2024 tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng và ổn định kinh tế vĩ mô, lãnh đạo NHNN cho biết, tín dụng âm 2 tháng đầu năm do cầu và sức hấp thụ vốn của nền kinh tế ở mức thấp, một số khách hàng có nhu cầu vay nhưng chưa đáp ứng đủ điều kiện vay, việc triển khai một số chương trình, chính sách tín dụng còn khó khăn… Một số ngân hàng còn thận trọng trong thực hiện cấp tín dụng do nợ xấu tăng; quy trình thủ tục cho vay vẫn chậm cải tiến; thiếu sự kết nối, chia sẻ, hợp tác giữa khách hàng và ngân hàng trong việc tìm tiếng nói chung để giải quyết khó khăn về vốn. Bên cạnh đó, việc huy động vốn qua cổ phiếu, trái phiếu… chưa đạt kỳ vọng; những khó khăn trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản… chưa được giải quyết triệt để. Vì vậy, nguồn vốn phục vụ cho tăng trưởng tiếp tục tập trung vào vốn tín dụng ngân hàng; trong khi tỷ lệ vốn tín dụng/GDP tăng cao, theo NHNN, cuối năm 2023 tỷ lệ này khoảng 133%, trong khi năm 2022 tỷ lệ này khoảng 125%, điều này tiềm ẩn rủi ro an toàn hệ thống tài chính, tiền tệ.
Các TCTD kỳ vọng tín dụng tăng trưởng tốt hơn. Trong ảnh: Khách hàng đến giao dịch tại Vietcombank Chi nhánh Cần Thơ. Ảnh: M.HUYỀN
Mặc dù tăng trưởng tín dụng 2 tháng đầu năm giảm, nhưng theo NHNN, thanh khoản của hệ thống ngân hàng đang dồi dào và còn nhiều dư địa tăng trưởng tín dụng. Hiện tại, các tổ chức tín dụng (TCTD) cũng có điều kiện thuận lợi để cung ứng vốn cho vay ra nền kinh tế. Năm 2023, NHNN đã 4 lần điều chỉnh giảm lãi suất điều hành để tạo điều kiện cho các NHTM giảm lãi suất cho vay. Theo NHNN, năm 2023, lãi suất cho vay các khoản vay mới đã giảm 2,5%/năm so với cuối năm 2022. Còn tính đến cuối tháng 2-2024, lãi suất cho vay bình quân ở các NHTM ở mức 6,3%/năm, giảm khoảng 0,7% so với cuối năm 2023. Hiện các TCTD đang tích cực triển khai gói tín dụng ưu đãi (gói 120.000 tỉ đồng cho 1 triệu căn nhà ở xã hội; gói 30.000 tỉ đồng cho vay nông lâm, thủy sản đã giải ngân 15.000 tỉ đồng năm 2023)… Cùng với đó, trong 2 tháng đầu năm nay, đơn hàng mới, đơn đặt hàng xuất khẩu tăng trở lại… là điều kiện để thúc đẩy triển vọng tăng trưởng tín dụng.
Theo ông Trần Chí Gia, Giám đốc Công ty CP May Meko (TP Cần Thơ), lãi suất cho vay của ngân hàng đã giảm nhẹ so với năm 2023, công ty đang vay USD với lãi suất 3,9%/năm. Năm 2024, đơn hàng gia công sản phẩm may mặc của công ty ổn định, có tăng ít do chất lượng đảm bảo, nhưng công ty cũng khó là giá gia công giảm so với năm trước. Điều này sẽ ảnh hưởng đến lợi nhuận của công ty. Một nỗi lo khác là theo lộ trình tăng lương của Chính phủ từ 1-7 năm nay, nên lợi nhuận 2024 chắc thấp hơn năm 2023. Công ty đang nỗ lực tự động hóa các khâu để giảm chi phí lao động, tăng hiệu quả hoạt động và cũng kỳ vọng lãi suất cho vay có thể giảm thêm, để doanh nghiệp giảm bớt gánh nặng chi phí vốn.
Cần sự phối hợp đồng bộ
Các chuyên gia cho rằng, năm 2024 khó khăn và thách thức nhiều hơn. Để tăng trưởng kinh tế cần tăng năng lực hấp thụ vốn cho nền kinh tế, cho doanh nghiệp và điều này cần sự vào cuộc chung sức của hệ thống chính trị, cùng với sự đồng hành của ngân hàng. Ngày 5-3-2024, Thủ tướng đã có Công điện gửi Thống đốc NHNN về điều hành tăng trưởng tín dụng năm 2024. Thủ tướng yêu cầu NHNN chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan rà soát toàn diện kết quả cấp tín dụng của hệ thống các TCTD đối với nền kinh tế, từng ngành, từng lĩnh vực; kết quả cấp tín dụng của từng TCTD đến thời điểm hiện tại… để có biện pháp điều hành tăng trưởng tín dụng, lãi suất năm 2024. Theo dõi sát diễn biến, tình hình kinh tế thế giới, trong nước để điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời; đảm bảo vốn cung ứng cho nền kinh tế; thực hiện tốt các giải pháp để tiết giảm chi phí, tạo điều kiện giảm lãi suất cho vay thêm. Công điện cũng yêu cầu NHNN chỉ đạo các TCTD hướng vốn vào sản xuất kinh doanh, tăng cường đối thoại khách hàng nhằm gỡ khó về tiếp cận vốn; đẩy mạnh triển khai hiệu quả các gói tín dụng ưu đãi đối với các lĩnh vực ưu tiên, các động lực tăng trưởng kinh tế… Đồng thời kiểm soát chất lượng tăng trưởng tín dụng, giảm thiểu rủi ro cho hệ thống ngân hàng.
Ngày 8-3-2024, NHNN đã có Công văn 1764/NHNN-TD về việc đẩy mạnh cho vay thu mua, kinh doanh lúa gạo. Theo đó, NHNN yêu cầu các NHTM, NHNN chi nhánh các tỉnh, thành vùng ĐBSCL chủ động cân đối vốn, đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn của người dân, doanh nghiệp sản xuất, thu mua, tạm trữ, xuất khẩu lúa gạo. Không để xảy ra tình trạng người dân, doanh nghiệp có phương án sản xuất kinh doanh hiệu quả, đáp ứng đầy đủ quy định của pháp luật mà không tiếp cận được vốn. Tăng cường kết nối ngân hàng - doanh nghiệp, phối hợp với hiệp hội ngành hàng để thông tin về chính sách tín dụng với hội viên khi có nhu cầu; rút ngắn thời gian xét duyệt cho vay… Mới đây, ngày 12-3-2024, NHNN tổ chức hội nghị trực tuyến đẩy mạnh triển khai Chương trình 120.000 tỉ đồng cho vay mua nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư… Lãnh đạo NHNN cho biết sẽ phối hợp với các bên liên quan nhằm đẩy nhanh chương trình.
Theo ông Trần Quốc Hà, Giám đốc NHNN Chi nhánh TP Cần Thơ, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, NHNN, kế hoạch của TP Cần Thơ, chi nhánh tiếp tục kết nối và chỉ đạo NHTM thực hiện theo nhóm khách hàng, tập trung hỗ trợ khách hàng xuất khẩu (lúa gạo, thủy sản…). Hiện dư nợ cho vay nuôi trồng, thu mua, chế biến thủy sản; cho vay thu mua lúa, gạo đều tăng so với cuối năm 2023, với mức tăng cuối tháng 2-2024 lần lượt là 2,87% (dư nợ khoảng 12.800 tỉ đồng) và 2,7% (dư nợ khoảng 18.700 tỉ đồng). Đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền về gói xây dựng nhà ở xã hội 120.000 tỉ đồng, gói 30.000 tỉ đồng cho vay nông lâm, thủy sản… đảm bảo khách hàng có nhu cầu chính đáng về vốn đều được tiếp cận, hỗ trợ.
GIA BẢO