* Đoàn đại biểu Quốc hội TP Cần Thơ tiếp tục thực hiện giám sát các dự án sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ
Sáng 14-4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã khai mạc phiên họp thứ 19. Cùng dự có Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải.
Phát biểu khai mạc, Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng cho biết: Phiên họp thứ 19 kéo dài đến 21-4, chủ yếu dành thời gian cho công tác xây dựng luật. Các dự án luật, pháp lệnh sẽ được UBTVQH cho ý kiến trong phiên họp gồm: Pháp lệnh chi phí giám định, định giá trong tố tụng dân sự và tố tụng hành chính; Luật sửa đổi, bổ sung Điều 126 của Luật nhà ở và sửa đổi, bổ sung Điều 121 Luật đất đai; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật liên quan đến đầu tư xây dựng cơ bản; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật di sản văn hóa; Luật khám, chữa bệnh; Luật viễn thông; Luật cơ yếu. UBTVQH cũng sẽ cho ý kiến về việc tiếp thu, chỉnh lý những vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau của các dự án: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự; Luật lý lịch tư pháp; Luật cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài; Luật bồi thường nhà nước; Luật quản lý nợ công; Luật quy hoạch đô thị. Trong phiên họp này, UBTVQH còn thảo luận, cho ý kiến về: Giám sát việc thực hiện di dân, tái định cư công trình Thủy điện Sơn La; dự kiến chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2010; báo cáo của Đoàn giám sát của UBTVQH về việc thực hiện chính sách pháp luật về quản lý chất lượng vệ sinh, an toàn thực phẩm; phương án phân bổ số vượt thu ngân sách Trung ương năm 2008.
Trong buổi làm việc đầu tiên với nội dung giám sát việc thực hiện di dân, tái định cư công trình Thủy điện Sơn La, UBTVQH đã dành nhiều quan tâm đến công tác ổn định đời sống, sản xuất cho người dân sau tái định cư (TĐC) và hoàn thành di dân đúng tiến độ.
Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng và các đại biểu đều đồng tình: Công tác di dân, TĐC là hết sức quan trọng, phức tạp, đặc biệt là ở một công trình lớn như Thủy điện Sơn La; liên quan đến cơ cấu lại dân cư, tổ chức, sắp xếp cuộc sống của hàng vạn người. Qua giám sát, thấy rõ những hạn chế, vướng mắc, nhất là về việc chậm tiến độ di dân, vấn đề hậu TĐC, một số cơ chế chính sách tỏ ra chưa phù hợp...
Rút kinh nghiệm từ TĐC Thủy điện Hòa Bình trước đây và thực tiễn hiện nay, nhiều đại biểu đồng tình với một số đề xuất của Đoàn giám sát là cần chủ động có chính sách hậu TĐC Thủy điện Sơn La mà nội dung trọng tâm là: Ưu tiên đầu tư xây dựng hoàn thiện cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất và dân sinh; đầu tư phát triển sản xuất toàn diện và bền vững cho các hộ TĐC và các hộ sở tại bị ảnh hưởng. Hiện rất cần có một chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, xóa đói, giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội trong thời gian không dưới 5 năm tính từ khi hoàn thành việc tổ chức di dân đến nơi TĐC; xây dựng một số mô hình bản, làng mang bản sắc văn hóa dân tộc của các dân tộc có làng, bản TĐC. Để góp phần giảm áp lực do thiếu đất sản xuất hiện nay, cần có chính sách giải quyết việc làm và đào tạo nghề cho lực lượng lao động khi chuyển sang khu vực phi nông nghiệp; có phương án tổ chức, sử dụng, quản lý và khai thác vùng lòng hồ, vùng bán ngập, phát triển du lịch, dịch vụ. Xây dựng các khu TĐC cần chú trọng với việc gắn công tác giữ gìn, phát huy và phát triển các giá trị văn hóa truyền thống, phong tục, tập quán tốt đẹp của đồng bào các dân tộc.. UBTVQH đã nhất trí sẽ ra Nghị quyết về kết quả giám sát di dân, TĐC công trình Thủy điện Sơn La.
* Buổi chiều, Phiên họp thứ 19 của UBTVQH khóa XII tiếp tục làm việc dưới sự điều khiển của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu. Các đại biểu tập trung cho ý kiến góp ý vào dự thảo Pháp lệnh chi phí giám định, định giá trong tố tụng dân sự và tố tụng hành chính.
Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp nêu rõ: Thực tiễn hoạt động xét xử và giải quyết việc dân sự cho thấy giám định và định giá tài sản có ý nghĩa quan trọng đối với việc xác định tính khách quan trong quá trình giải quyết vụ án và giải quyết việc dân sự, đồng thời là yếu tố quan trọng trong việc đảm bảo việc xét xử và giải quyết việc dân sự được đúng đắn. Trong khi đó, cho đến nay vẫn chưa có văn bản pháp lý quy định đầy đủ, toàn diện về chi phí giám định, định giá trong tố tụng dân sự và tố tụng hành chính. Điều 145 của Bộ luật Tố tụng Dân sự giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định chi phí cụ thể về giám định, định giá; vì vậy Ủy ban Tư pháp thấy rằng việc trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Pháp lệnh chi phí giám định, định giá trong tố tụng dân sự và tố tụng hành chính là cần thiết, đúng thẩm quyền đã được Quốc hội giao.
Góp ý vào dự thảo Pháp lệnh, những nội dung được nhiều đại biểu quan tâm, tham gia ý kiến là phạm vi điều chỉnh; việc giám định bổ sung, giám định lại; miễn giảm, giảm chi phí giám định, định giá; mức chi phí giám định, định giá; khiếu nại, tố cáo trong hoạt động chi phí giám định, định giá... Hầu hết các ý kiến đều nhất trí với việc cần thiết phải ban hành Pháp lệnh chi phí giám định, định giá trong tố tụng dân sự và tố tụng hành chính. Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Thu Ba bày tỏ băn khoăn về phạm vi điều chỉnh của Pháp lệnh vì hiện đã có Pháp lệnh về giám định Tư pháp, nay lại có thêm Pháp lệnh này thì ranh giới phân biệt giữa 2 loại như thế nào; nên chăng chỉ xem xét chung là Pháp lệnh chi phí giám định, định giá. Cùng nội dung này, Trưởng Ban Dân nguyện Trần Thế Vượng cho rằng cần làm rõ phạm vi điều chỉnh là giám định, định giá nói chung trong cả lĩnh vực hình sự, dân sự, hành chính hay chỉ trong dân sự, hành chính và phải nêu rõ lý do. Đại biểu nghiêng về ý kiến nên để giám định, định giá của cả mảng tư pháp. Về việc miễn, giảm chi phí giám định, định giá, bà Lê Thị Thu Ba góp ý: Trong Luật Tố tụng Dân sự không đề cập tới nhưng như vậy không có nghĩa là không được miễn, giảm; mặc dù còn nhiều ý kiến khác nhau song ta có thể thực hiện miễn, giảm cho phù hợp với từng nhóm đối tượng, các đối tượng khó khăn để thực hiện công bằng xã hội. Nhà nước luôn quan tâm tới quyền lợi chính đáng của công dân, do vậy nên quy định về miễn, giảm chi phí giám định, định giá song có thể thu hẹp diện được hưởng. Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, ngân sách Phùng Quốc Hiển nêu ý kiến, phải làm rõ đây là Pháp lệnh về chi phí giám định, định giá hay Pháp lệnh về quản lý chi phí giám định, định giá? Vấn đề quan trọng là phải xác định mức chi phí giám định, định giá; căn cứ nào để tính...vì vậy đại biểu kiến nghị nên chuẩn bị lại và thẩm định cho kỹ hơn.
Kết luận buổi làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nhận định: Đây là vấn đề mới, phần chuẩn bị đã được thực hiện đầy đủ song khi còn nhiều ý kiến tranh luận. Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị các cơ quan tham gia soạn thảo cần tăng cường phối hợp, tiếp tục tiếp thu, chỉnh lý, bổ sung các nội dung để trình ra vào kỳ họp lần sau.
* Tiếp tục chương trình giám sát các dự án sử dụng nguồn vốn Trái phiếu Chính phủ trên địa bàn, ngày 14-4-2009, Đoàn đại biểu Quốc hội TP Cần Thơ đã khảo sát thực tế và làm việc với chủ đầu tư các dự án trọng điểm của thành phố, gồm: Dự án đường Mậu Thân Sân bay Trà Nóc (Sở Giao thông - Vận tải làm chủ đầu tư) và các dự án đường Quốc Lộ 91B, Kè sông Cần Thơ (đều do Ban Quản lý dự án và Đầu tư xây dựng thành phố làm chủ đầu tư).
Nhìn chung, các dự án này đều không thiếu vốn, nhưng tiến độ chậm so với kế hoạch đề ra, do những vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng. Đến thời điểm này, dự án đường Mậu Thân Sân bay Trà Nóc (tổng mức đầu tư 1.850 tỉ đồng) giải phóng mặt bằng được khoảng 75%, tiến độ thi công được 40%. Tuy nhiên, chủ đầu tư vẫn chưa xác định được thời điểm dự án sẽ hoàn thành, vì còn 131 hộ chưa nhận tiền bồi thường thiệt hại, 2 khu tái định cư của dự án vẫn chưa hoàn thành. Tương tự, dự án Kè sông Cần Thơ (tổng mức đầu tư 711 tỉ đồng, thời gian thực hiện từ năm 2008-2011), có khoảng 700 hộ bị ảnh hưởng, nhưng hiện nay vẫn chưa tiến hành xây dựng các khu tái định cư, nên chưa thể khởi công. Riêng Quốc lộ 91B (khởi công từ năm 2000), thời gian gần đây những khó khăn đã được tháo gỡ, nên tiến độ đang được đẩy nhanh. Dự kiến cuối năm 2009, dự án này sẽ hoàn thành phần đường và đầu năm 2010 sẽ hoàn thành phần cầu.
Đoàn giám sát đã ghi nhận những kiến nghị của các chủ đầu tư và sẽ tiếp tục làm việc với UBND thành phố, báo cáo với Quốc hội, Chính phủ nhằm tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các dự án.
THANH HÒA - THU HƯƠNG (TTXVN) - QUỐC TRƯỞNG