13/02/2012 - 20:58

XUẤT KHẨU TP CẦN THƠ

Tiếp nối đà tăng trưởng

Thu mua lúa gạo xuất khẩu tại Công ty TNHH MTV Nông nghiệp Cờ Đỏ. Ảnh: T. NHUNG

Tiếp nối thành công của năm trước, tháng 1- 2012, kim ngạch xuất khẩu của TP Cần Thơ tăng 8,7% so với cùng kỳ năm trước. Dù tăng trưởng nhưng theo nhận định của ngành hữu quan, xuất khẩu hàng hóa sẽ tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức trong thời gian tới...

* Tăng trưởng khá

Theo Sở Công Thương TP Cần Thơ, tháng đầu năm 2012, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ thu ngoại tệ của thành phố ước thực hiện gần 110 triệu USD, tăng 1,5% so với tháng trước và tăng 7,8% so cùng kỳ năm trước. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước thực hiện 106,65 triệu USD, tăng 8,7%. Kim ngạch xuất khẩu của thành phố tháng 1 - 2012 tăng chủ yếu do kim ngạch ngành hàng thủy sản đông lạnh, hàng dệt may tăng...

Tháng đầu năm mới, toàn thành phố xuất khẩu được khoảng 42.000 tấn gạo, với giá trị 23,4 triệu USD. Kết quả này dù tăng 5,4% so với tháng trước nhưng lại giảm trên 45% so với cùng kỳ năm 2011. Ông Phạm Việt Trung, Giám đốc Sở Công Thương TP Cần Thơ, cho biết: Tình hình xuất khẩu gạo của thành phố tương đối thuận lợi. Các doanh nghiệp tập trung thực hiện các đơn hàng đã ký kết còn lại của năm trước. Tuy nhiên, thời gian giao hàng của các hợp đồng này dàn trải sang các quý, không tập trung vào quý I- 2012. Nguyên nhân kim ngạch xuất khẩu gạo giảm mạnh so với cùng kỳ cả về sản lượng lẫn giá trị, theo ông Phạm Việt Trung, do giá gạo nguyên liệu trong nước tăng cao hơn, nên hiệu quả xuất khẩu của các doanh nghiệp thấp, thậm chí bị lỗ. Thêm vào đó, giá chào gạo xuất khẩu của Việt Nam trên thị trường thế giới do Hiệp hội lương thực hướng dẫn tương đối cao, (gạo 5% tấm giá 500 USD/tấn, gạo 25% tấm giá 470 USD/tấn). Mức giá cao nên hoạt động giao dịch có phần trầm lắng hơn các tháng trước vì cả nhà nhập khẩu cũng như doanh nghiệp xuất khẩu đều cân nhắc, thận trọng trong ký kết hợp đồng...

Trái chiều với mặt hàng gạo, xuất khẩu thủy sản của thành phố trong tháng 1-2012 tăng cả về sản lượng lẫn giá trị. Theo đó, tháng 1, mặt hàng thủy sản xuất khẩu ước thực hiện 15.500 tấn, tăng 0,5% so với tháng trước; với giá trị gần 50 triệu USD, tăng 47,8% so với cùng kỳ năm 2011. Dù tăng trưởng, nhưng theo Sở Công Thương TP Cần Thơ, đến nay, một số doanh nghiệp thủy sản của thành phố vẫn chưa ký kết được những đơn hàng mới do khó khăn về thị trường, nhất là châu Âu - thị trường tiêu thụ thủy sản lớn của thành phố.

* Còn nhiều thách thức

Gạo và thủy sản là 2 mặt hàng chính và chủ lực của ĐBSCL. Tại TP Cần Thơ, 2 mặt hàng này chiếm trên 70% tổng kim ngạch xuất khẩu. Tuy nhiên, theo nhận định của các ngành hữu quan, gạo và thủy sản đã, đang và tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức để khẳng định vị thế trên thị trường. Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, có 2 khu vực quan trọng để tiêu thụ gạo của Việt Nam. Đó là thị trường châu Á và châu Phi do hai khu vực này chiếm khoảng 90% sản lượng gạo xuất khẩu của cả nước. Tuy nhiên, hiện nay, gạo cấp thấp của Việt Nam đang bị cạnh tranh gay gắt bởi gạo cấp thấp của Ấn Độ, Myanmar và Pakistan... Khả năng xuất khẩu gạo của Việt Nam mất thị trường ở 2 khu vực này là rất lớn!... Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), ngành thủy sản đang và sẽ phải đối mặt với 3 thách thức lớn, cần có những giải pháp thích hợp và tích cực thì mới có thể đảm bảo mục tiêu tăng trưởng. Đó là: thách thức về thiếu nguyên liệu cho chế biến xuất khẩu, thách thức về chất lượng - vệ sinh an toàn thực phẩm- năng lực cạnh tranh và thách thức về phát triển thị trường xuất khẩu... Ngoài việc khó tìm đơn hàng mới do thị trường tiêu thụ giảm, thì lãi suất ngân hàng ở mức cao, tình trạng thiếu công nhân cho chế biến... cũng đang là thách thức đối với hoạt động sản xuất kinh doanh và xuất khẩu của doanh nghiệp...

Để đảm bảo khả năng tăng trưởng xuất khẩu, theo Sở Công Thương TP Cần Thơ, thời gian tới, thành phố tiếp tục tập trung thực hiện các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn trong sản xuất kinh doanh, xuất khẩu của doanh nghiệp; phát triển công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp cơ khí trọng điểm, công nghiệp có hàm lượng công nghệ cao, có giá trị tăng lớn, nhiều sản phẩm xuất khẩu. Bên cạnh đó, thành phố sẽ đẩy mạnh xuất khẩu nông sản có chất lượng, giá trị gia tăng cao; tổ chức triển khai thực hiện tốt các biện pháp đẩy mạnh xuất khẩu, nhất là các mặt hàng có giá trị gia tăng cao; giảm dần tỷ trọng hàng xuất khẩu là nguyên liệu thô và sơ chế. Ngành công thương thành phố sẽ thường xuyên cập nhật, phổ biến kịp thời thông tin về thị trường thế giới, nhất là những thị trường và mặt hàng xuất khẩu trọng điểm, những thay đổi về chính sách, việc áp dụng các biện pháp bảo hộ của nước ngoài... đến các doanh nghiệp xuất khẩu trên địa bàn thành phố. Đối với 2 mặt hàng xuất khẩu chủ lực của TP Cần Thơ và cả ĐBSCL - gạo và thủy sản (cụ thể là cá tra, cá basa), Sở Công Thương TP Cần Thơ đề nghị: Bộ Công Thương sớm đưa mặt hàng gạo và cá tra vào chương trình xúc tiến thương mại trọng điểm quốc gia. Trên cơ sở đó có nguồn hỗ trợ kinh phí giúp các địa phương xây dựng và thực hiện chương trình xúc tiến thương mại ở các thị trường lớn trên thế giới...

HÀ TRIỀU

Chia sẻ bài viết