Chiều sẫm. Sương phủ lên rặng cây trước nhà như một chiếc khăn mỏng nhẹ. Cô ngồi yên nhìn những hạt mưa đan vào nhau xiên qua ô cửa. Bên bậc tam cấp cũ úa vàng, những chiếc lá khô cũng ướt sũng, buồn thiu.
Có lần mẹ kể, mẹ sinh cô vào một đêm tháng bảy trời mưa. Mẹ vừa ở ngoài đồng về, vội vàng vào bếp. Khi nồi cơm vừa chín tới, mẹ chưa kịp vần xuống tro đã nghe bụng đau lâm râm, rồi dần đau nhiều hơn. Vừa lúc đầu ngõ tiếng lộc cộc xe bò kéo của cha đã về. Cha bế mẹ lên xe bò, đưa ra trạm xá. Dọc đường mưa bất ngờ trút xuống, mẹ và cha ướt lướt thướt. Ðến trạm xá, cô cũng vừa lọt lòng, khóc oe oe. Cha đặt cô tên Ngâu, để nhớ cơn mưa năm đó.
Ngày cô bắt đầu cho chuyến xa nhà, lên thành phố trọ học, cũng là ngày cha phát hiện ông mang trong người mầm bệnh. Cha âm thầm chạy chữa, bàn với mẹ không cho cô hay để cô yên tâm học hành. Mỗi lần về thăm nhà cô lại thấy cha gầy hơn. Cô hỏi, cha chỉ cười: “Cha già rồi, xương thịt nó rút lại…”. Lần cuối cùng cô bên cha, như linh cảm, cha nói chuyện với cô nhiều hơn. Ðêm. Mẹ đã đi nằm, cha đưa cô ra sông. Giọng cha khàn đục, chầm chậm, mắt cha trôi theo con đò đang neo giữa dòng:
- Mai này học xong về quê mình xin việc làm nghe con, để còn gần mẹ.
- Gần mẹ và cha chứ! - Cô cười, tiếng cười trong vắt, hồn nhiên.
Ðó là đêm cuối cùng cô được ở bên cha. Ngày cô lên lại thành phố, cha chở cô trên đường làng. Trên chiếc xe máy cũ lục cục như xe trâu, cô ngồi vắt vẻo nghe mùi mồ hôi âm ấm trên lưng cha. Hết đường làng, xe chở khách đón cô ngoài đường lớn. Cha đứng nhìn theo đến khi chiếc xe khuất hẳn.
Tin nhắn đến khi cô đang thực tập ở xa. Qua điện thoại, giọng mẹ nghẹn ngào: “Về nhìn mặt cha lần cuối!”. Chân cô muốn khuỵu xuống. Trên chuyến xe đò trở về quê, cô khắc khoải nhìn những con đường đang lùi dần vào hoàng hôn và chợt nhận ra, mọi thứ qua đi sẽ không bao giờ còn trở lại.
Trăng mỏng mảnh, dịu dàng. Cô ngồi cùng mẹ bên bực thềm rêu. Mẹ kể, cha đi nhẹ nhàng vì biết rằng cô đã trưởng thành như mẹ và cha mong đợi.
- Con sẽ về quê mình tìm một việc gì đó - Cô nắm bàn tay gầy của mẹ.
- Mẹ một mình vẫn ổn, con học xong thì cứ chọn điều gì tốt cho tương lai của con, đừng vì mẹ… - Mẹ vuốt mái tóc cô như thói quen ngày cô còn nhỏ.
Cô quàng tay ôm lưng mẹ, chợt nhận ra những đốt xương trên vai nhô lên sau lần áo mỏng. Ngày cô lên lại thành phố, mẹ lèn thật chặt các thứ vào ba lô, mẹ lo cô học khuya không có cái ăn.
Cô ra trường và ở lại thành phố, một công việc tốt đẹp đang đợi cô và cả Lâm nữa, Lâm cũng đợi cô ra trường. Lần đầu Lâm đưa cô về nhà, mẹ anh nhìn thấy cô đã thốt lên:
- Cháu mỏng mảnh quá, dễ gợi người ta nghĩ đến một chiếc cốc pha lê!
Bà hỏi cô về gia đình, công việc… nhiều đến nỗi Lâm nhắc:
- Ðể cho Ngâu thở tí, mẹ!
Bà lại cười xòa, kéo cô lại gần hỏi về cha khi biết ông đã không còn nữa. Cô mỉm cười dịu dàng, thấy bà thật thân thương.
- Ngày còn nhỏ cháu thường ra đầu ngõ đợi cha về - cô hồn nhiên kể - Mỗi khi nghe tiếng lục cục của bánh xe bò, từ đầu làng cháu đã biết. Có một lần lúc sâm sẩm tối, nghe tiếng bánh xe bò, cháu chạy ra ôm chầm lấy cha. Hóa ra chú Mừng nhà bên mượn xe cha chở than, còn cha đi lóc cóc phía sau...
Mẹ Lâm bật cười, bà mến cô con dâu tương lai vì sự hồn nhiên, trong trẻo. Mọi thứ như đã được an bài, cô về nhà Lâm. Một đám cưới linh đình. Mẹ cô gầy gò trong bộ áo dài cổ xưa, bàn tay cứ như thừa thãi, bà nắm chặt tà áo, ngắm nhìn con gái lộng lẫy trong chiếc váy cưới cô dâu. Lúc đưa cô ra xe, mẹ nắm tay cô run run:
- Nhớ khi nào có thời gian thì về chơi với mẹ!
Nước mắt cô chực trào ra, chỉ muốn ôm mẹ vào lòng thật lâu. Xe chạy rồi, mẹ còn đứng nhìn theo cho đến khi trên đường chỉ còn một làn khói bụi mờ.
* * *
Ðêm tối sẫm. Bên hiên người phụ nữ vẫn ngồi. Lâu lắm rồi con gái không về. Hôm qua mẹt khoai phơi khô đã đến nắng cuối cùng, bà gói ghém vào bao, thầm thì: “Ngâu thích khoai dẻo này lắm, hồi còn nhỏ cứ bảo mẹ làm”. Bà lẩm bẩm một mình rồi đứng lên vào ra trong căn nhà vắng.
Mấy mùa trăng rồi… Bên hiên phảng phất mùi rạ ủ chưa khô, mùi ngòn ngọt của khoai lang phơi nắng. Bà chắt chiu từng củ khoai ngoài vườn, chọn củ ngon nhất, cặm cụi xắt rồi phơi nắng, bà đợi Ngâu về mang lên thành phố. Dưới trăng khuya, bà vấn lại mớ tóc nay chỉ còn một nhúm sau gáy. Ngày con gái, tóc bà dày lắm, vậy mà già rồi nó rơi đâu hết cả. Nhớ có lần Ngâu cười rúc rích: “Nó sang đầu con hết rồi”, bà đưa tay vuốt mái tóc loang loáng như sông của con mà vui. Ðêm nay bà lại nhớ con, nỗi mong ngóng dài ra khiến thân thể bà như được tắm đẫm ánh trăng, trong suốt. Có tiếng động nào ngoài ngõ, cánh cổng tre sột soạt, bà lại tưởng như Ngâu về bất chợt...
Tiếng đàn muỗi vo ve, chúng lượn lờ rồi vây quanh bà như trấu. Bà nén tiếng thở dài trở vào nhà, bật công tắc đèn, tìm cây bút và tờ giấy trên bàn học của con. Mọi thứ vẫn vẹn nguyên từ ngày con đi học xa, rồi lấy chồng. Bà giữ nguyên để mỗi khi nhớ con, bà nhìn vào và tưởng tượng con đang ngồi bên bàn học như ngày thơ bé.
“Con gái của mẹ!...”. Bà run run viết, nét chữ nguệch ngoạc, đã bao lâu rồi bà có biết đến cây bút là gì đâu. “Mẹ nhớ con quá…” bà viết tiếp. Ðến đây bàn tay già nua nhăn nheo run rẩy như người có lỗi. “Mẹ biết con bận lắm, nên mẹ viết để đỡ nhớ con thôi. Mẹ ổn và vui vì dạo này mẹ nuôi thêm con chó. Mẹ đặt tên nó là Mè…”. Viết đến đây bà gục xuống, nước mắt ứa ra lem vào trang giấy, bà vội lấy ngón tay lau nó đi nhưng bức thư đã nhòa vì nước mắt bà vẫn rơi lã chã...
Bà ra vườn, sờ thân cây mít giờ đã già nua, chỗ này Ngâu thường ngồi chơi banh chuyền với tụi trẻ con trong làng. Bà đến bên hàng rào xanh rì mồng tơi, chỗ này Ngâu thường ra đứng mỗi khi hờn dỗi mẹ… Chỗ nào bà cũng thấy bóng dáng con, bé bỏng, thân thương. Ðêm lạnh căm. Sương giăng như khói. Bà rùng mình vì lạnh. Trở vào nhà, bà lại ngồi vào chiếc bàn ngày xưa con vẫn ngồi để tìm hơi ấm quen thuộc. Gà gáy canh ba. Bà gục xuống... ngủ quên…
* * *
Cô về. Trời chiều rất muộn. Những giọt nắng cuối ngày rơi xuống gãy vụn trên con đường đất. “Mẹ bệnh, về gấp”. Tin nhắn của người thân đến khi cô đang công tác ở xa. Cô vội vàng dồn đồ dùng cá nhân vào ba lô và chợt nhớ, hơn nửa năm rồi cô chưa về với mẹ. Công việc và gia đình nhỏ đã cuốn cô đi. Cô ngồi bên cửa sổ toa tàu ngắm mưa qua làn cửa kính. Tháng bảy rồi sao? Những cơn mưa ngâu dài ảm đạm, có lần cha kể đó là nước mắt của nàng Chức chàng Ngưu, bị nhà trời phạt mỗi người một bên bờ vì mải yêu mà bỏ quên dệt vải và để trâu ăn lúa. Họ khóc vì mỗi năm chỉ gặp nhau được một lần, ngày đó nước mắt họ không ngừng rơi xuống trần, hóa thành mưa...
Bên ô cửa kính mờ đục mắt cô nhòa đi, bao lâu rồi cô không được nghe những câu càm ràm muôn thưở của mẹ, chuyện đàn gà bới bếp, chuyện con mèo già suốt ngày ngủ ngáy, chuyện con chó nhà bên sủa ầm ĩ, cả chuyện mấy mẹt thuốc đang phơi thì trời đổ mưa. Mẹ vào ra trong cái thế giới nhỏ nhoi ấy vò võ một mình. Lần nào cô lên lại thành phố mẹ cũng gói ghém các thứ quà quê, chẳng bao giờ thiếu gói khoai lang dẻo mẹ phơi, cả trái ớt mẹ trồng bên bể nước mưa…
Ðến đầu ngõ cô đã nghe tiếng lao xao, những gương mặt họ hàng, làng xóm thân quen đang ngóng ra cửa đợi cô về. Cô lao vào. Bên giường mẹ nằm thiêm thiếp, đôi mắt còn hé mở. Mẹ đợi cô. Cô gục xuống, bàn tay mẹ nằm gọn trong tay cô, bàn tay tần tảo bao năm nuôi cô lớn lên, giờ nó đang bé lại trong bàn tay nuột nà của cô. Mắt mẹ khép lại, gương mặt thanh thản, nhẹ nhàng cứ như ra đồng về sau một ngày mệt nhoài, mẹ lại được ngồi bên hiên trò chuyện cùng cha.
Cô mặc cho mẹ chiếc áo đẹp nhất, chiếc áo cô mua lúc nhận tháng lương đầu tiên. Ôm chiếc áo cũ còn thấm mùi mồ hôi của mẹ, tay cô chạm vào mảnh giấy gấp tư trong túi áo bà ba. Cô run run mở ra, nét chữ nguệch ngoạc của mẹ: “Con gái của mẹ!...”. Cô gục vào bàn tay xương xẩu giờ đây đã là một chiếc lá khô. Cô nghẹn ngào và thèm khát. Cô thèm được nhìn thấy bàn tay này lại lăm lăm chiếc roi như thuở nào khi trưa cô không ngủ, cứ lao ra đồng mà đầu trần dang nắng. Bàn tay giờ chỉ còn những đốt xương khô ghép lại.
Trời lại đổ mưa, cơn mưa ngâu dai dẳng, từng giọt nhỏ xuống tí tách bên hiên...
Truyện ngắn: VŨ NGỌC GIAO