13/01/2022 - 08:38

Tiền Giang nỗ lực tìm giải pháp tiêu thụ hàng nông sản 

NGUYỄN HỮU

Trước tình hình thông quan tại các cửa khẩu biên giới phía Bắc vào những ngày cuối năm 2021 gặp khó khăn khiến giá mít, chuối, thanh long sụt giảm và việc tiêu thụ của nông dân cũng không được suôn sẻ. Tiền Giang đang nỗ lực gỡ khó, gắn kết chặt chẽ giữa khâu sản xuất và tiêu thụ, đa dạng kênh tiêu thụ nông sản, tiến tới đổi mới và thích ứng để ngành hàng trái cây Tiền Giang phát triển bền vững. 

Thanh long hiện đang tụt giá. 

Nhà vườn chịu cảnh “đắng lòng “...

Tiền Giang có trên 82.700ha vườn trồng cây ăn trái, trong đó có gần 63.000ha đang cho trái. Năm 2021, toàn tỉnh đạt sản lượng khoảng trên 1,59 triệu tấn trái cây các loại phục vụ nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu, tăng hơn 4,2% so với năm trước. Riêng sản lượng thu hoạch trong tháng 12-2021 khoảng 121.000 tấn trái cây các loại.

Là vùng chuyên canh thanh long lớn nhất của tỉnh Tiền Giang, huyện Chợ Gạo có 7.419ha diện tích cây thanh long, trong đó diện tích thanh long đang cho trái là 5.775ha với năng suất đạt từ 25-30 tấn/ha. Hiện nay, nông dân huyện Chợ Gạo đang thu hoạch vụ thanh long nghịch vụ nhưng thương lái đã ngừng thu mua hoặc mua cầm chừng khi các kho thu mua thanh long để xuất khẩu sang Trung Quốc đã đóng cửa. Trước đó, thương lái đến mua thanh long loại nhất từ 17.000-20.000 đồng/kg; còn hiện nay, thương lái thu mua chỉ mua cầm chừng 4.000-5.000 đồng/kg, thậm chí còn không thu mua. Nhiều nhà vườn phải chịu cảnh “đắng lòng” khi nhìn trái thanh long chín đầy vườn, có trái đã nứt nẻ vì quá chín nhưng thương lái không đến mua.

Ông Nguyễn Văn Hưởng, ở ấp Quang Thọ, xã Qươn Long, huyện Chợ Gạo, có 0,8ha trồng thanh long ruột đỏ vừa thu hoạch xong. Ông may mắn hơn những nhà vườn khác vì đã bán được 6 tấn thanh long trước khi các kho thu mua thanh long đóng cửa vì phía Trung Quốc ngừng nhập khẩu thanh long Việt Nam. Mặc dù giá cả thỏa thuận mua ban đầu của thương lái là 17.500 đồng/kg nhưng sau khi cắt được 3 tấn, số còn lại thương lái chỉ mua với giá 10.000 đồng/kg, nhưng đã loại bỏ gần 500kg. Ông Nguyễn Văn Son ở ấp Tân Bình, xã Qươn Long, huyện Chợ Gạo, “đắng lòng” khi nhìn cảnh gần 1ha thanh long chín đến ngày thu hoạch khoảng 10 tấn nhưng thương lái không đến mua! Theo ước tính, chi phí xông đèn để xử lý ra hoa nghịch vụ của vườn thanh long đợt này đã gần 100 triệu đồng. Hiện nay, theo nhiều nhà vườn ở huyện Chợ Gạo, thương lái chỉ mua số ít và cầm chừng với giá từ 4.000-5.000 đồng/kg, với giá bán này nếu bán được thì nhà vườn cũng lỗ vốn nặng! Nhưng nếu thương lái không mua, hàng trăm tấn thanh long ở huyện Chợ Gạo và các địa phương khác của tỉnh Tiền Giang cũng đang vào mùa thu hoạch có nguy cơ bị bỏ hư hỏng trên cây.

Tại vùng tập trung diện tích trồng mít lớn nhất của tỉnh Tiền Giang là huyện Cai Lậy, giá mít tuột dốc “không phanh”. Hàng trăm héc-ta trồng mít Thái đang vào mùa thu hoạch đành phải bán với giá rẻ như cho! Trước đây, trung bình 1kg mít được mua 40.000 đồng/kg, nay giá tụt xuống còn 10.000 đồng/kg (mít loại 1), còn lại chỉ có giá 1.000-2.000 đồng/kg, nhưng thương lái không mua. Anh Ngô Văn Hải, ấp Hội Nhơn, xã Hội Xuân, huyện Cai Lậy, than thở: "Lúc chưa có dịch giá mít đạt ba mươi mấy bốn chục ngàn đồng một ký, còn lúc này chỉ có 10.000 đồng/kg, lắm lúc lên được 11.000-12.000 đồng/kg rồi tuột xuống. Còn thương lái vào mua tính ra như vườn tui là hai công mà có khi không lấy được 1 tấn, cắt một bữa mấy trăm ký mít mà chỉ có vài trăm ngàn bạc thôi. Hồi trước cắt một lứa được vài triệu đồng. Giá mít này là nông dân không thể nào sống nổi vì giá phân bón, thuốc trừ sâu cao quá!”.

Khẩn trương tìm giải pháp tiêu thụ ổn định

Trái cây Tiền Giang nói chung cũng như thanh long Chợ Gạo nói riêng vẫn phụ thuộc nhiều vào thị trường Trung Quốc và chủ yếu xuất khẩu thô (trái cây tươi) theo con đường tiểu ngạch là chính. Do vậy, để cây thanh long phát triển bền vững, rất cần một giải pháp lâu dài nâng cao giá trị sản phẩm trái thanh long cũng như có một thị trường ổn định cho giống cây đặc sản này trên thị trường trong và ngoài nước.

Ông Nguyễn Hữu Phúc, thành viên của Hợp tác xã (HTX) Thiên Phúc (xã Tân Bình Thạnh, huyện Chợ Gạo), cho biết: “Vùng trồng thanh long của HTX có khoảng 150ha sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Hiện sản phẩm thanh long của HTX đã đủ điều kiện xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc. HTX cũng đang thực hiện các thủ tục, giấy phép, mã vùng trồng để đưa trái thanh long xuất sang thị trường Mỹ và châu Âu. HTX cũng đã tham gia 3 sàn thương mại điện tử để tạo điều kiện quảng bá sản phẩm, tìm thị trường tiêu thụ”.

Về một giải pháp lâu dài và bền vững phát triển của cây thanh long, ông Cao Tấn Hưởng, Phó Chủ tịch UBND huyện Chợ Gạo, cho biết: “Hướng tới là tạo được sản phẩm có giá trị để tăng kim ngạch xuất khẩu cũng như vượt qua những rào cản kỹ thuật của các hiệp định thương mại nhằm hướng đến những thị trường tiêu thụ lớn hơn thông qua con đường xuất khẩu chính ngạch. Ngoài ra, địa phương cũng kêu gọi và khuyến khích các doanh nghiệp chế biến đầu tư xây dựng những nhà máy sản xuất các sản phẩm chế biến đa dạng từ trái thanh long để góp phần giải quyết phần nào sản lượng trái thanh long khi vào mùa thu hoạch rộ. Xây dựng các HTX phát triển mạnh để làm đầu mối trong liên kết sản xuất chuỗi, thứ ba là đầu tư cơ sở hạ tầng, rà soát điều chỉnh vùng chuyên canh cây thanh long để làm thế nào ứng dụng công nghệ tiên tiến vào khâu sản xuất”.

Theo ông Ðặng Văn Tuấn, Quyền Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Tiền Giang, trước tình hình khó khăn của thị trường xuất khẩu nhiều doanh nghiệp trong khu, cụm công nghiệp Tân Mỹ Chánh, Mỹ Tho kể cả các HTX thương mại ngoài cụm công nghiệp đã có bước chuyển từ xuất khẩu tiểu ngạch sang chính ngạch. Ðối với Sở Công Thương đã triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ các doanh nghiệp, HTX này chuyển đổi từ xuất khẩu tiểu ngạch sang xuất khẩu chính ngạch, đa dạng hóa thị trường tiêu thụ.

Sở Công Thương phối hợp cùng Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tăng cường xúc tiến thương mại nói chung, xúc tiến thương mại trái cây nói riêng; khuyến khích doanh nghiệp giảm xuất khẩu tiểu ngạch và tăng cường xuất khẩu chính ngạch để giảm rủi ro… Ðặc biệt, về lâu dài, Sở Công Thương khuyến khích, tạo điều kiện để các doanh nghiệp, HTX tham gia các sàn giao dịch nông sản điện tử để tìm cơ hội tiêu thụ cho sản phẩm xuất khẩu. Trong tương lai, nếu sàn giao dịch nông sản ÐBSCL được thành lập thì đây là nền tảng quan trọng trong việc giúp hàng nông sản của Tiền Giang, khu vực có nhiều cơ hội quảng bá thương hiệu, tìm ra nhiều thị trường đa dạng và tiềm năng.

Theo thống kê của Sở Công Thương tỉnh Tiền Giang, trong năm 2021, tỉnh đã xuất khẩu được 12.411 tấn rau quả, thu về 26,63 triệu USD, tăng 3,7% về trị giá so với cùng kỳ năm trước. Thị trường xuất khẩu đa dạng, nhiều nhất là EU chiếm 42,19%, Hàn Quốc chiếm 15,43%, Nhật Bản chiếm 14,95%, Hoa Kỳ chiếm 7,65%, Trung Quốc chiếm 2,14%,…

Theo ông Nguyễn Văn Mẫn, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang, để giảm bớt áp lực về tiêu thụ nông sản trong tình hình hiện nay, ngành Nông nghiệp tỉnh Tiền Giang cùng các địa phương hướng dẫn, khuyến khích nông dân xử lý cho trái rải vụ, rà soát sản lượng trái cây thu hoạch trong thời gian tới để dự báo thị trường kịp thời, kết nối doanh nghiệp tiêu thụ cho nông dân, phối hợp Sở Công Thương đưa nông sản lên sàn giao dịch điện tử. Ngoài ra, chú trọng phát triển thị trường nội địa cho trái cây của tỉnh nhằm đa dạng kênh tiêu thụ hiệu quả, khắc phục căn cơ tình trạng ùn ứ nông sản, thiệt hại lớn như hiện nay.

Chia sẻ bài viết