26/01/2016 - 21:01

Tiến bộ mới trong nỗ lực chữa bệnh tiểu đường típ 1

Bằng cách cấy các tế bào sản xuất insulin vào cơ thể chuột, các nhà khoa học Mỹ cho thấy họ có thể vô hiệu căn bệnh trong 6 tháng ở động vật thí nghiệm – tương ứng với vài năm ở người. Phương pháp này có thể chấm dứt tình trạng tiêm insulin mỗi ngày ở bệnh nhân và được cho là bước tiến gần nhất tới việc chữa trị tiểu đường típ 1.

Trong nghiên cứu hồi năm 2014, các nhà khoa học tại Đại học Harvard đã phát hiện cách thức tạo ra một lượng lớn tế bào sản xuất insulin – một đột phá quan trọng được ví như việc khám phá ra thuốc kháng sinh. Trong nghiên cứu mới phối hợp cùng các chuyên gia tại Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), họ sử dụng tế bào gốc phôi thai để sản xuất loại tế bào bài tiết hoóc-môn insulin có chức năng hoạt động bình thường. Khi dùng cấy vào cơ thể chuột, những tế bào này lập tức sản xuất insulin để đáp ứng với nồng độ glucose trong máu và duy trì đường huyết ở mức lành mạnh tới 174 ngày. Điều đó đồng nghĩa các tế bào nuôi cấy đã có thể khôi phục hoàn toàn chức năng sản xuất insulin ở chuột trong thời gian dài.

Bà Julia Greenstein, đại diện tổ chức nghiên cứu bệnh tiểu đường típ 1 hàng đầu thế giới JDRF, cho biết tác dụng duy trì sản xuất insulin một cách độc lập từ liệu pháp mới sẽ là một đột phá đối với bệnh nhân tiểu đường dạng này, giúp họ loại bỏ gánh nặng kiểm soát bệnh mỗi ngày trong nhiều tháng, thậm chí nhiều năm. "Chúng tôi hy vọng thấy được tiến trình tương tự trong cuộc thử nghiệm lâm sàng ở người và cuối cùng là một liệu pháp mới đầy tiềm năng trị bệnh tiểu đường típ 1" – bà nói.

HOÀNG ĐIỂU (Theo Telegraph)

Chia sẻ bài viết