06/08/2009 - 21:34

Xuất khẩu sang thị trường Nga

Tiềm năng và thách thức

Theo Bộ Công thương, năm 2008, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu 2 chiều giữa Việt Nam và Liên bang Nga đạt trên 1,64 tỉ USD tăng khoảng 62,4%, trong đó, riêng xuất khẩu của Việt Nam sang Nga đạt 671,9 triệu USD, tăng 46,4% so với năm 2007.

Tại Hội thảo thương mại Việt-Nga do Hội đồng Doanh nghiệp Việt-Nga, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức vừa diễn ra ở TP Cần Thơ với chủ đề “Mở rộng giao thương-Thu hẹp khoảng cách” đang mở ra một cơ hội mới để thúc đẩy kinh tế, thương mại 2 chiều trong thời gian tới.

THỊ TRƯỜNG TIỀM NĂNG

Tính đến cuối năm 2008, Nga có 56 dự án đầu tư vào Việt Nam với tổng vốn điều lệ 611,9 triệu USD và vốn đầu tư thực tế là 357 triệu USD. Trên lãnh thổ Nga hiện có 13 dự án có vốn đầu tư của Việt Nam với số vốn đăng ký khoảng 78,4 triệu USD, trong đó vốn thực hiện khoảng 31,5 triệu USD. Mặc dù, chịu tác động của cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới, nhưng quan hệ kinh tế, thương mại Việt-Nga gần đây đang phát triển tốt đẹp. Riêng đối với hợp tác trên lĩnh vực khai thác dầu khí, than và khoáng sản, nông nghiệp, ngân hàng, dịch vụ viễn thông... đã có những bước phát triển đáng kể.

Cá tra, cá ba sa là một trong những mặt hàng đang được thị trường Nga ưa chuộng. Trong ảnh: Thu hoạch cá tra ở quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ. Ảnh: ANH KHOA 

Hiện nay, 60% hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Nga là nông-thủy-hải sản. Đây là mặt hàng thuộc nhu cầu thiết yếu hàng ngày của người tiêu dùng Nga, nên cần phát triển sâu rộng vào thị trường Nga trong thời gian tới là rất cần thiết. Dưới góc độ thương mại, công nghiệp, Nga luôn là thị trường đầy tiềm năng, phù hợp với đặc thù kinh tế của Việt Nam về xuất nhập khẩu. Việc đẩy mạnh hợp tác toàn diện với Nga trong thời gian tới trên tinh thần đối tác chiến lược không chỉ tạo đà để Việt Nam phát triển kinh tế mà còn góp phần củng cố an ninh chính trị của đất nước.

Năm 2008, thủy-hải sản của Việt Nam là mặt hàng xuất khẩu chủ lực sang Nga với sự tăng trưởng trên 77%. Thời gian này, cơ quan kiểm định hàng nông sản Nga đã kiểm định, cấp giấy phép cho 38 doanh nghiệp (DN) chế biến thủy-hải sản của Việt Nam được xuất khẩu vào Nga. Tuy nhiên, do việc không tuân thủ các điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm, nên số lượng DN này ngày một giảm dần. Theo ông Arkady Druzhinin, Đại diện Thương mại Liên bang Nga tại Việt Nam, phía Nga đang tiến hành kiểm tra tình trạng vệ sinh an toàn thực phẩm của 25 DN Việt Nam để xem xét bãi bỏ lệnh cấm nhập khẩu. Năm 2009 có thể hy vọng phục hồi và tăng lượng xuất khẩu thủy-hải sản sang Nga.

Theo tiến sĩ Nguyễn Chí Tâm, Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu (Bộ Công thương), những năm qua, do quan niệm Nga là thị trường dễ tính, nhiều nước đã đưa hàng kém chất lượng vào Nga để tiêu thụ đã khiến giới chức Nga mạnh tay trong việc kiểm soát nguồn hàng nhập khẩu từ các quốc gia, trong đó có Việt Nam. Vừa qua, các cơ quan chức năng của 2 bên đã nhiều lần gặp nhau để tháo gỡ những tồn tại. Về phần các DN Việt Nam cần sớm khắc phục những điểm yếu để sản phẩm đáp ứng tối đa yêu cầu của nhà nhập khẩu về các tiêu chí an toàn vệ sinh thực phẩm.

Tiến sĩ Nguyễn Chí Tâm, đề xuất: “Chính phủ cần giao Ngân hàng Nhà nước phối hợp với Nga nghiên cứu, xây dựng cơ chế thanh toán phù hợp theo thông lệ quốc tế và đặc thù của mỗi nước để tạo điều kiện thúc đẩy trao đổi hàng hóa giữa 2 nước. Xây dựng chính sách hỗ trợ tài chính cho các chương trình xúc tiến thương mại của các ngành hàng vào thị trường Nga. Đồng thời, đàm phán phía Nga tiếp tục tháo dỡ và tiến tới bỏ hoàn toàn lệnh cấm nhập khẩu thủy-hải sản của Việt Nam, tạo điều kiện thuận lợi cho các DN chế biến hàng xuất khẩu trong nước”.

HỢP TÁC ĐỂ PHÁT TRIỂN

Nga là thị trường đang mở cửa, điều kiện thông thoáng, nhưng cũng không ít rủi ro và tính cạnh tranh cao. Do đó, khi vào thị trường này buộc mọi đối tác phải chấp nhận cuộc cạnh tranh khá gay gắt cả về hàng hóa cũng như đầu tư. Cụ thể: cơ chế thanh toán của thị trường Nga còn thiếu sự linh hoạt, thiên về trả chậm khi hàng hóa từ các nước khác nhập khẩu vào đây. Ngược lại, các nước khác khi nhập khẩu hàng hóa từ Nga về phải trả trước.

Các hình thức thanh toán bằng tín dụng thư ít phổ biến, thường xuyên áp dụng các hàng rào thuế quan và phi thuế quan để duy trì chính sách bảo hộ sản xuất trong nước như: đưa ra các lệnh hạn chế và cấm nhập khẩu hàng hóa, nhất là đối với hàng nông-thủy-hải sản. Những bất cập và trở ngại trong khâu thủ tục hành chính, giấy tờ, trong đó có cả thủ tục hải quan, cửa khẩu nhiều lúc gây tâm lý e ngại cho các DN Việt Nam quan hệ với thị trường Nga. Các DN Việt Nam và Nga vẫn chưa vượt qua rào cản về tâm lý (rủi ro về hợp tác, an ninh, khoảng cách về địa lý, cơ chế thanh toán...) để hợp tác với nhau và chưa có sự chuyển biến rõ nét từ nhận thức đến hành động trong chiến lược hợp tác Việt-Nga.

Ông Nguyễn Văn Phẩm, Tổng Giám đốc Ngân hàng Liên doanh Việt-Nga (VRB), chia sẻ: “Để giảm thiểu rủi ro cho DN chế biến xuất khẩu cần phải thực hiện bán hàng qua đối tác chiến lược, sử dụng kênh tái phân phối và bảo lãnh thanh toán. VRB cam kết cho vay hỗ trợ tài chính thông qua mô hình nuôi trồng thủy - hải sản khép kín với sự liên kết 5 nhà (sản xuất thức ăn, nuôi trồng, chế biến xuất khẩu, ngân hàng và nhập khẩu). Với mô hình này, sự ràng buộc trách nhiệm giữa các bên sẽ tạo ra sản phẩm có chất lượng, đáp ứng tiêu chuẩn của nhà nhập khẩu và giảm thiểu rủi ro giữa các bên. Đồng thời, VRB sẽ đứng ra thẩm định năng lực của nhà nhập khẩu, thanh toán, tài trợ các DN xuất nhập khẩu có nhu cầu tài chính, phương thức thanh toán linh hoạt thông qua mạng lưới của VRB...”.

Ông Nguyễn Văn Kịch, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Thủy sản Cafatex, nói: “Các bộ, ngành của Việt Nam cần sớm đàm phán với Nga có biện pháp tháo gỡ những vướng mắc để tạo ra cơ chế thị trường mở thông thoáng hơn theo hướng DN 2 nước cùng hợp tác kinh doanh có lợi, ban hành tiêu chuẩn chất lượng an toàn một cách cụ thể, minh bạch”.

Theo ông Phương Hữu Việt, Chủ tịch Hội đồng Doanh nghiệp Việt-Nga, trong thời gian tới, Hội đồng Doanh nghiệp Việt-Nga sẽ tăng cường công tác quảng bá thông tin về chính sách kinh tế của Việt Nam nhằm giới thiệu tiềm năng thương mại, đầu tư và du lịch, xúc tiến các chương trình đối thoại về chính sách kinh tế, thương mại, đầu tư... của Việt Nam để góp phần phổ biến chính sách của Chính phủ đến cộng đồng DN Nga. Ngoài ra, Hội đồng sẽ là cầu nối giữa các cơ quan Chính phủ và DN nhằm truyền tải thông tin và phản ánh nhu cầu thực tế của DN trong quá trình hợp tác phát triển thương mại.

Văn Tuấn

Chia sẻ bài viết