|
Cào nghêu giống tại bãi nghêu Trà Sết (tỉnh Sóc Trăng).
Ảnh: X.T |
Hiện nay, Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đang vào mùa thu hoạch nghêu thương phẩm và nghêu giống. Những bãi nghêu ở Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu vẫn đông người khai thác, thương lái đổ về đây chờ mua nghêu thịt và nghêu giống. Mặc dù giá nghêu thương phẩm đang đứng ở mức cao (16.000- 18.000 đồng/kg) nhưng một số địa phương, sản lượng nghêu khai thác năm nay chỉ bằng 30% so với những năm trước, cả người cào lẫn người mua nghêu đều cùng chung nỗi lo thất thu trong vụ nuôi mới...
MẤT MÙA NGHÊU
Đến hẹn lại lên, năm nay bãi nghêu Trà Sết (xã Vĩnh Hải, huyện Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng) có hàng trăm người đến cào nghêu mỗi ngày. Theo những cư dân ven biển, mùa nghêu năm nay đến trễ hơn và lượng nghêu chỉ bằng 20 - 30% so với năm trước. Chị Thạch Thị Tha, ở xã Vĩnh Hải, cùng 2 người con ra bãi nghêu từ sáng sớm, nhưng đến chiều chỉ kiếm được 60.000 đồng. Chị Tha cho biết: “Như vầy là trúng lắm rồi vì năm nay nghêu ít lắm. Mấy năm trước, có ngày cào bán được tới 100.000 - 200.000 đồng”. Tại Hợp tác xã (HTX) khai thác nghêu Cù Lao Dung (Sóc Trăng)- nơi có bãi nghêu rộng hàng trăm ha. Chủ nhiệm HTX- Ngô Văn Hưởng nói: “Năm nay, sản lượng khai thác chỉ bằng 30% năm rồi, cuối vụ không biết lấy gì để chia cho xã viên đây!”. Theo ông Hưởng, sản lượng nghêu giống giảm do mưa sớm, đồng thời nguồn nghêu bố mẹ bị ngư dân các địa phương khác đến khai thác triệt để cũng làm ảnh hưởng đến chất lượng giống. Việc đưa ghe cào vào bãi nghêu để tận thu “nghêu cám” (nghêu giống) đã phá vỡ môi trường sống của con nghêu. Hiện nay, bãi nghêu Trà Sết và Cù Lao Dung có đến hàng trăm ghe cào khai thác mỗi ngày. Đó là chưa kể đến tình trạng tranh giành khai thác của các chủ ghe, gây mất trật tự tại địa phương.
Sóc Trăng thất mùa nghêu giống, còn tại Trà Vinh, người nuôi nghêu thương phẩm cũng lao đao ngay từ đầu vụ. Môi trường nước bị ô nhiễm, ảnh hưởng của dòng chảy thủy triều làm nghêu chết hàng loạt và người nuôi thiệt hại hàng chục tỉ đồng. Theo số liệu thống kê của Sở NN&PTNT tỉnh Trà Vinh, trong 7 tháng đầu năm 2009, toàn tỉnh có 2 HTX và 7 tổ hợp tác (huyện Cầu Ngang, Duyên Hải và Châu Thành) tập trung chăm sóc và khai thác khoảng hơn 1.000 ha đất bãi bồi nuôi nghêu lưu vụ được thả giống từ giữa năm 2008. Đến nay, sản lượng thu hoạch được 633 tấn nghêu thương phẩm, giảm 1.676 tấn và chỉ bằng 27,4% sản lượng nghêu thu hoạch cùng thời điểm năm 2008. Cụ thể, năm 2009, HTX Tiến Thành xã Long Hòa (huyện Châu Thành) chỉ thả nuôi được 7,5 tấn nghêu giống với mật độ khá thưa. Ông Phạm Nam Dương, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Trà Vinh, nhận định: “Môi trường nước vùng bãi bồi ven biển những tháng cuối năm 2008 và đầu năm 2009 có xuất hiện dầu loang. Nền đáy của bãi bồi nhiều năm bị tồn lưu chất bẩn và một số nguyên nhân khác làm ô nhiễm làm một số bãi nghêu bị chết với tỷ lệ khá cao, khoảng từ 30 - 70%, người nuôi bị thiệt hại nặng”. Theo ông Dương, hiện đa phần các HTX trong tỉnh tập trung chăm sóc số nghêu nuôi còn lại và khai thác nguồn nghêu tự nhiên.
Ông Nguyễn Văn Rồi, Chủ nhiệm Tổ hợp tác nuôi nghêu ấp Bào, xã Hiệp Thạnh, huyện Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh, cho biết: “Vụ này, tổ đầu tư hơn 9 tỉ đồng mua 100 tấn nghêu giống thả nuôi khoảng 150 ha. Đầu năm 2009, nghêu sinh trưởng, phát triển khá tốt và đạt 50 - 60 con/kg, lúc đó giá nghêu 12.000-13.000 đồng/kg. Chúng tôi dự kiến nuôi nghêu đạt trọng lượng 35 - 45 con/kg mới thu hoạch. Với trọng lượng này, ước sản lượng nghêu thương phẩm 700-800 tấn, nhưng bị ảnh hưởng nguồn nước ngọt từ thượng nguồn đổ về, lượng phù sa nhiều... làm cho nghêu chết hàng loạt. Cuối tháng 5-2009 chỉ thu hoạch được 60 tấn (35 con/kg)!”. Theo ông Rồi, hiện lượng nghêu thịt còn rải rác trên bãi nuôi và tổ hợp tác đã thất thu hơn 600 tấn nghêu thương phẩm. Nếu tính giá bình quân 15.000 đồng/kg, con số thiệt hại trên 7,5 tỉ đồng...
NỖI LO TRƯỚC VỤ NGHÊU MỚI
Giá nghêu thương phẩm hiện ổn định ở mức khá, nhưng đến thời điểm chuẩn bị cho vụ nuôi mới (2009- 2010), nhiều HTX trong tỉnh Trà Vinh chưa có kế hoạch thả giống. Ông Lâm Văn Trận - Chủ nhiệm Tổ hợp tác nuôi nghêu Phương Đông, ấp Nhà Mát, xã Trường Long Hòa (huyện Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh), cho biết: “Vụ nghêu này, tổ góp vốn hơn 30 tỉ đồng mua nghêu giống. Trong 2 tháng đầu năm 2009, chúng tôi phát hiện nghêu nuôi bị chết trên bãi khoảng 50% diện tích thả giống. Đến đầu tháng 3-2009, tình hình cải thiện và các bãi nghêu ổn định lại. Hiện nay, tổ mới thu hoạch khoảng 300 tấn nghêu thương phẩm, giá bán 16.000-17.000 đồng/kg, với giá trị trên 5 tỉ đồng, ước sản lượng nghêu còn lưu bãi khoảng 300-400 tấn”. Theo ông Trận, số nghêu còn lại trên bãi hiện phát triển khá tốt, trọng lượng khoảng 30 - 45 con/kg, nếu tính giá bán trung bình hiện nay là 16.000 đồng/kg, tổ hợp tác sẽ thu thêm khoảng 4 tỉ đồng nữa. Tuy nhiên, số tiền thu được từ nghêu thương phẩm chỉ bằng 30% vốn đầu tư. Ông Trận cho rằng, việc thất thu mùa nghêu năm nay ngoài ảnh hưởng của thời tiết, môi trường cũng phải thừa nhận việc cải tạo bãi nuôi chưa được quan tâm đúng mức. Thời gian nuôi lưu vụ kéo dài, làm phát sinh rất nhiều bất cập mà không được giải quyết triệt để. Lẽ đó, đến thời điểm vụ mới 2009-2010, Tổ hợp tác Phương Đông vẫn chưa thả giống bổ sung cho vụ mới. Mặc dù đây là đơn vị trong nhiều năm liền có sản lượng cung cấp nghêu thịt khá lớn cho các nhà máy chế biến trong vùng ĐBSCL.
Tại Sóc Trăng và Trà Vinh sản lượng nghêu giống và nghêu thương phẩm đều giảm do thời tiết và sự khai thác thiếu tính bền vững của người dân làm ảnh hưởng rất lớn trước mùa vụ mới. Nhưng một số địa phương như Bến Tre, Bạc Liêu nhiều bãi nghêu dự đoán khả năng trúng mùa năm nay khá cao và lượng nghêu giống xuất hiện khá nhiều ở khu vực bãi bồi. Các chuyên gia ngành thủy sản cho rằng, việc phá vỡ môi trường sống của con nghêu ở một số địa phương dẫn đến tác động dây chuyền là con nghêu sẽ tìm nơi trú ngụ mới, nhưng nếu không biết cách bảo vệ thì nguồn lợi thủy sản này sẽ bị cạn kiệt.
Tại Bến Tre, trong 7 tháng đầu năm 2009, theo nhận định của ngành nông nghiệp, việc nuôi nghêu sò trong tỉnh phát triển ổn định và đã thu hoạch được 4.700 tấn. Giá nghêu thương phẩm đang đứng ở mức cao nên hầu hết các HTX khai thác nghêu đều có lợi nhuận. Hai huyện có diện tích nuôi lớn nhất tỉnh là Ba Tri (1.090 ha) và Bình Đại có 2 HTX Rạng Đông và Đồng Tâm khai thác nghêu thịt và nghêu giống. Riêng 6 tháng đầu năm 2009, các HTX khai thác nghêu trong tỉnh Bến Tre đạt doanh thu trên 73 tỉ đồng, với sản lượng khai thác 1.524 tấn; bình quân thu nhập cho mỗi xã viên được chia 1,9 triệu đồng trong mỗi lần thu hoạch. Theo khảo sát của ngành thủy sản Bến Tre, hiện nghêu giống xuất hiện khá nhiều tại các bãi triều, ngành đang thực hiện các biện pháp hỗ trợ trong việc bảo vệ nguồn lợi nghêu giống tại địa phương. Qua đó, góp phần đảm bảo cho mùa vụ mới 2009- 2010 phát triển ổn định.
Còn tại Trà Vinh, UBND tỉnh đã phê duyệt dự án qui hoạch đất bãi bồi, cồn mới nổi để phát triển nuôi nghêu, sò huyết trên địa bàn huyện Cầu Ngang, Duyên Hải và Châu Thành, với tổng vốn đầu tư hơn 4,5 tỉ đồng. Theo đó, diện tích nuôi đến năm 2010 nuôi là 3.600 ha. Theo thông tin từ Bộ NN&PTNT, ngành đã tiến hành khảo sát để hỗ trợ các địa phương trong việc quản lý và bảo vệ nguồn nghêu giống một cách hợp lý, đồng thời các địa phương phải có phương án cải tạo bãi nuôi, tính toán đầu tư phù hợp.
TRƯỜNG - MINH - DŨNG