07/10/2024 - 09:47

Tỉ phú ở vùng đất khó 

Sở hữu hơn 500ha đất trồng lúa cho thu nhập hơn chục tỉ đồng mỗi năm, nhưng ông luôn giản dị, chất phác đúng chất nông dân miền Tây. Ông là Nguyễn Thanh Tuấn (sinh 1975), ngụ ấp Lung Lớn, xã Kiên Bình, huyện Kiên Lương (Kiên Giang), nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2024.

Ông Tuấn (bên phải) bên xưởng chế tạo máy nông nghiệp của mình.

Ðoàn công tác của chúng tôi được ông Tuấn đích thân lái ô tô bon bon trên con đê, cả cánh đồng lúa hè thu 2024 xanh mướt hiện ra trước mắt đẹp như một tấm thảm. Ít ai ngờ, vùng đất trù phú này lại từng là vùng nhiễm phèn và hoang hóa, khắp nơi chỉ có cây tràm và cỏ dại. Ông Tuấn cho biết, chương trình khai phá vùng tứ giác Long Xuyên bắt đầu từ năm 1988 và kéo dài hơn mười năm mới hoàn thành. Và gia đình ông là một trong những hộ gắn bó ngay từ những ngày đầu với chương trình này.

Ông Tuấn kể, năm 2000, ba ông là ông Nguyễn Thanh Sơn được tỉnh giao khoán 700ha đất rừng tràm để khai phá. Ở vùng khai hoang thời ấy tập trung đủ mọi cái nhất: nghèo nhất, khổ nhất, thiếu vốn nhất, thiếu kinh nghiệm nhất... Việc cải tạo và cấp đất, khử phèn cơ bản hoàn thành, nhưng 3 năm đầu mùa màng thất bát do độ phèn còn cao. Dân nghèo thì không có vốn, người khá hơn sau mấy năm liên tục lỗ cũng đâm ra chán nản. Nhiều người đã “bỏ của chạy lấy người” bởi họ cho rằng vùng này phèn rất nặng, không cách nào có thể giải quyết được. Ngay cả các nhà khoa học lúc bấy giờ cũng khuyên chỉ nên trồng tràm, không nên làm lúa bởi sẽ rất khó thành công nếu không muốn nói là cầm chắc thất bại. “Có lần tôi và cha đứng nhìn ruộng đồng mà không cầm được nước mắt. Những bụi lúa quéo rễ khô cháy do phèn còn cao, công sức bỏ ra chẳng thu về được gì”, ông Tuấn nhớ lại.

Ðất như thử lòng người. Có lẽ chính nghị lực cùng tình yêu sâu đậm với cây lúa đã giúp ông Tuấn và cha bám trụ được nơi vùng đất khó. Năm 2003, ông Tuấn được Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh cho vay 4 tỉ đồng để tiếp tục tu bổ đồng ruộng, đầu tư đê bao nhằm phát huy hiệu quả kép vừa làm đường giao thông vận chuyển vật tư, vừa chống lũ hiệu quả. Cả cánh đồng được ông Tuấn chia thành 16 khuông, mỗi khuông được xẻ 3 kênh thủy lợi nội đồng vừa làm nhiệm vụ dẫn nước ngọt, vừa thau chua, rửa mặn, xổ phèn.

Ông Đỗ Trần Thịnh, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Kiên Giang, cho biết: “Trung ương Hội Nông dân Việt Nam ký ban hành Quyết định số 777-QĐ/HNDTW quyết định về việc trao tặng danh hiệu “Nông dân Việt Nam xuất sắc” năm 2024 cho 63 nông dân trên cả nước. Trong đó, ông Nguyễn Thanh Tuấn là nông dân duy nhất của Kiên Giang đạt danh hiệu này và là nông dân trồng lúa có mức lợi nhuận cao nhất cả nước với 16,2 tỉ đồng/năm”.

Ðất không phụ người, sau 3 năm thất bát, những công trình thủy lợi, những giải pháp kỹ thuật trị phèn đã phát huy tối đa tác dụng, đẩy những con nước đỏ ngầu lùi xa ra cánh đồng. Sản lượng lúa liên tục tăng lên. Ðất từ chỗ cho không ai lấy đã lên cả chục triệu đồng mỗi công. Gia đình ông Tuấn được tiếp thêm động lực sản xuất, ra sức chăm chút cho ruộng đồng để mong có những vụ mùa bội thu hơn. Tuy năng suất lúa dần được cải thiện qua từng năm, trải qua nhiều giống lúa, cùng nhiều cách làm khác nhau, nhưng hiệu quả thu về chưa nhiều, trong đó, điều khiến ông trăn trở nhất là chi phí sản xuất quá lớn, thậm chí có thời điểm lúa sản xuất ra chất dài hàng kí-lô-mét nhưng không bán được. Từ thực tế đó, ông Tuấn thay đổi tư duy, xác định phải chọn giống lúa chất lượng cao, làm ra hạt gạo sạch thì mới mong khá lên được. Và khi giống lúa Nhật (DS1) được thị trường thế giới ưa chuộng và luôn bán được giá cũng là lúc ông Tuấn chọn giống lúa này thay thế các giống lúa cũ.

“Ðể hạ giá thành sản xuất, tôi chọn sạ thưa bằng máy sạ hàng chỉ 60kg giống/ha, thay vì sạ dày 300kg giống/ha trước đây. Lúa sạ thưa nở bụi khỏe, hạn chế sâu bệnh nên không chỉ giảm chi phí giống, phân bón mà còn giúp giảm chi phí thuốc bảo vệ thực vật”, ông Tuấn cho biết. Trong 5 năm trở lại đây, cứ mỗi năm 2 vụ lúa, năng suất bình quân đạt từ 7-7,5 tấn/ha, gia đình ông Tuấn thu về sản lượng hơn 3.600 tấn lúa/năm. Sau khi trừ các chi phí, lợi nhuận từ lúa của gia đình ông đạt 14 tỉ đồng/năm. Ngoài ra, ông còn kinh doanh vật tư, dịch vụ máy cày và máy cắt với lợi nhuận đạt gần 2,2 tỉ đồng/năm, tạo việc làm cho 30 lao động địa phương với mức thu nhập 8 triệu đồng/người/tháng.

Không chỉ am hiểu về cây lúa, ông Tuấn còn cải tiến thành công máy làm đất 4 trong 1 giúp đẩy nhanh tiến độ khâu cày xới đất và trang phẳng mặt ruộng trước khi gieo sạ. Trong khâu gieo sạ, bón phân cho lúa đều được ông sử dụng máy bay không người lái, giúp nâng cao hiệu quả sản xuất, gieo sạ đồng loạt đảm bảo lịch thời vụ. Tất cả những điều kiện này giúp ông Tuấn đáp ứng điều kiện khắt khe khi được một công ty chuyên xuất khẩu gạo sang thị trường Nhật, châu Âu chọn ký hợp đồng bao tiêu lúa hàng hóa.

Từng trải qua nhiều cơ cực nên khi có của ăn của để, vợ chồng ông Tuấn vẫn giữ nếp sống giản dị, sẵn sàng chia sẻ với người nghèo khó. Ngoài cho gạo người nghèo mỗi năm hàng chục tấn cùng hàng trăm suất quà Tết, xây dựng cầu giao thông nông thôn trị giá hàng trăm triệu đồng, ông Tuấn còn sắm hẳn chiếc xe chuyển bệnh từ thiện để kịp giúp người nghèo khó lúc ốm đau. Ông Tuấn nói: “Lấy đức ở đời mặc sức ăn, vợ chồng tôi quan niệm như vậy. Mình có ăn thì cũng nên chia sẻ với mọi người, đó là chuyện nên làm”.

Bài, ảnh: ÐẶNG LINH

Chia sẻ bài viết