09/03/2017 - 10:43

Thưởng thức thơ qua tranh cùng “5 Mùa”

NXB Kim Đồng vừa giới thiệu quyển sách tranh "5 Mùa", gồm 104 bức tranh song hành cùng 104 trích đoạn thơ. Đây là những tác phẩm nổi bật được tuyển chọn từ cuộc thi "Vẽ cùng thơ" do NXB Kim Đồng tổ chức vào cuối năm 2016. "5 Mùa" là một quyển artbook thú vị, bởi độc giả có thể thưởng thức thơ theo góc nhìn mới.

Thơ và họa có mối liên kết qua câu nói truyền miệng ngàn đời: "Thi trung hữu họa". Một bài thơ hay sẽ khiến người đọc hình dung một bức tranh đẹp và những cảm xúc khi thưởng thức một bức họa ấn tượng có thể khiến người xem tranh xuất khẩu thành thơ. Một câu thơ tài hoa, một nét cọ xuất thần có thể tỏ được trăm ý. Sách tranh "5 Mùa" ra đời từ ý tưởng ấy.

"5 Mùa" được sắp xếp theo thứ tự: Xuân, Hạ, Thu, Đông và "Mùa yêu". Sách in màu trên giấy bóng, đẹp từ hình thức đến nội dung, mang đến những phong cách, trường phái đa dạng trong hội họa và thi ca. Người yêu thơ thưởng thức những tác phẩm tiêu biểu của nhiều thế hệ thi sĩ của Việt Nam: Nguyễn Du, Bà Huyện Thanh Quan, Hồ Xuân Hương, Nguyễn Khuyến, Xuân Diệu, Huy Cận, Chế Lan Viên, Nguyễn Bính, Xuân Quỳnh, Hồ Dzếnh, Hàn Mặc Tử, Trần Đăng Khoa, Phan Thị Vàng Anh, Lâm Thị Mỹ Dạ… Những câu thơ được minh họa bằng những bức tranh vẽ tay bằng chất liệu sơn dầu, acrylic, màu nước, bút màu và cả tranh digital, mix media…

Cùng một câu thơ, qua các bức tranh minh họa khác nhau, người đọc có được những góc nhìn bất ngờ và thú vị. Điển hình với câu "Dưới trăng quyên đã gọi hè. Đầu tường lửa lựu lập lòe đơm bông" ("Truyện Kiều", Nguyễn Du), được Jill Shey vẽ minh họa bám sát tinh thần câu thơ, với hình ảnh dễ cảm nhận; trong khi đó Thông Nguyên lại chọn cách thể hiện sáng tạo khi dưới ánh trăng và hoa lựu đỏ là hình ảnh cách điệu cô gái mặc áo dài kết hợp lồng tre đang mở cửa có đàn chim bay ra… Trong "5 Mùa", một câu thơ cổ điển có thể được minh họa theo phong cách hiện đại, hay một bài thơ đương đại lại được vẽ theo phong cách tranh truyền thống. Tùy vào phong cách và cảm nhận của người vẽ mà các bức tranh mang thần thái khác nhau. Điểm chung là các họa sĩ đã chọn những chi tiết, hình ảnh đặc sắc nhất của thơ để đưa vào tranh, thể hiện bằng những nét vẽ mượt mà hay bố cục sắc sảo. Tất cả đều gợi mở những cảm thụ đặc biệt, những hình dung mới lạ.

Họa sĩ Khoa Lê, thành viên Ban Giám khảo cuộc thi "Vẽ cùng thơ", chia sẻ: "Trong lĩnh vực minh họa, vẽ cho thơ luôn là thách thức khó khăn bậc nhất. Họa sĩ làm sao nắm bắt trọn ý và tứ, hiểu thấu cái "hồn" của câu thơ để vẽ, để tả. Họa sĩ tự đặt mục tiêu để bản thân bức tranh trở thành một phiên bản mở rộng của bài thơ, gợi cảm xúc và những suy tưởng mới, thay vì chỉ làm nhiệm vụ giải thích ý nghĩa bài thơ, câu thơ mà độc giả đã nằm lòng". Ở góc độ của người làm thơ, nhà thơ Lê Minh Quốc rất hài lòng về khả năng cảm thơ, hiểu thơ và chuyển tải ý thơ thành hình ảnh của các họa sĩ trẻ. Anh cho rằng: "Tôi tin nhiều bức tranh từ cuộc thi này sẽ khiến người yêu thơ phải nhạc nhiên".

"5 Mùa" đã góp phần khơi gợi cảm hứng hội họa từ thi ca, mang lại những cảm nhận đặc biệt cho cho người yêu thơ cũng như giới yêu tranh.

Cát Đằng

Chia sẻ bài viết