10/03/2014 - 20:52

Thương hiệu thời hội nhập

Một nữ giám đốc Công ty kinh doanh phụ trách khu vực ĐBSCL khoe với tôi, Tết này, chị nhận đặt hàng giùm từ bạn bè có đến vài trăm đòn bánh tét lá cẩm - thương hiệu bánh tét ở Cần Thơ vừa đăng ký, gởi đi TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Phú Quốc... Chị nói: “Vui ghê, vậy là sắp tới khi giao lưu, họp mặt bạn bè, khách hàng các tỉnh bạn, mình có thể mang theo bánh tét lá cẩm - mặt hàng được đăng ký thương hiệu của Cần Thơ để làm quà rồi!”.

Từ câu chuyện thương hiệu:

TP Cần Thơ không ít món ngon, trong đó có món bánh tét lá cẩm được sản xuất từ nhiều lò bánh hoạt động lâu năm, có tên tuổi nhưng đơn vị tập thể đi đầu trong việc đăng ký thương hiệu Bánh tét lá cẩm Cần Thơ chính là Tổ hợp tác sản xuất bánh tét lá cẩm của gia đình bà Huỳnh Thị Trọng (tự Sáu Trọng) ở KV1, phường An Thới, quận Bình Thủy. Khách hàng đến đặt bánh, mua bánh cảm thấy thú vị khi chứng kiến một gia đình tứ đại đồng đường gồm: ông, bà, cha, mẹ, dâu, rể, con, cháu, chắt… mỗi người mỗi việc từ lau lá, bóc chuối, xắt thịt, xào nếp, trộn lá cẩm, gói bánh, cột dây, nấu bánh… dưới sự chỉ huy của bà Sáu Trọng, đã 84 tuổi nhưng đôi tay luôn thoăn thoắt và hết sức khéo léo. Bà Sáu Trọng có 3 người con: 2 trai, 1 gái đều theo nghề gói bánh tét do bà truyền lại, dù trong số con cháu của bà nhiều người là cán bộ, công chức, có việc làm ổn định nhưng sau giờ làm việc, họ vẫn chung tay cùng gia đình gói bánh tét, với mong muốn giữ nghề truyền thống của gia đình và góp phần khẳng định thương hiệu Bánh tét lá cẩm Cần Thơ. Anh Đường Hữu Kiệt, con trai lớn của bà Sáu Trọng, cho biết: “Các địa phương ở ĐBSCL với nhiều thương hiệu nổi tiếng: Nước mắm Phú Quốc (Kiên Giang), Bưởi Năm Roi Bình Minh (Vĩnh Long), kẹo dừa (Bến Tre), Cá thác lác, khóm Cầu Đúc (Hậu Giang), bánh Pía Vũng Thơm (Sóc Trăng), nem Lai Vung (Đồng Tháp),… Tôi nghĩ Bánh tét lá cẩm Cần Thơ cũng rất ngon và nổi tiếng nên cần xây dựng và đăng ký thương hiệu. Để có được thương hiệu Bánh tét lá cẩm Cần Thơ, gia đình chúng tôi chú trọng đến chất lượng và đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm từ khâu chọn lá chuối sạch, sử dụng dây cột bằng lác hay dây chuối thay cho dây nilông, đặt trồng lá cẩm… Bởi khách hàng không chỉ thưởng thức bánh tét lá cẩm mà còn xem đó đặc sản gắn liền với tên tuổi của thành phố mình”. Thật mừng, khi nghe điều đó, bởi không ít những doanh nghiệp, nhà sản xuất, kinh doanh đến nay vẫn thờ ơ với vấn đề đăng ký thương hiệu hàng hóa. Đó cũng chính là nguyên nhân dẫn đến bao hệ lụy cho các nhà sản xuất, kinh doanh trong quá trình cạnh tranh thời hội nhập.

Giữa tháng 2-2014, câu chuyện Cà phê Buôn Ma Thuột giành lại được thương hiệu từ Công ty Guangzhou Buon Ma Thuot Coffee Co.Ltd có văn phòng tại Quảng Châu, Trung Quốc (đăng ký nhãn hiệu độc quyền vào năm 2010) khiến nhiều người Việt Nam thở phào nhẹ nhõm. Nhưng để có được kết quả đó, đơn vị đại diện là UBND tỉnh Đắk Lắk phải trải qua một chặng đường đầy gian nan và tốn kém sau một quá trình kiên trì kiện tụng.

Bánh tét lá cẩm Cần Thơ của Tổ hợp tác do bà Sáu Trọng sản xuất đã được đăng ký thương hiệu. Ảnh: K.XUÂN 

Chính vì thiếu hiểu biết, thiếu quan tâm đến việc đăng ký bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa đã khiến nhiều nhà kinh doanh gặp bao rủi ro, thiệt hại. Mấy năm trước, một doanh nghiệp ở Cần Thơ sản xuất hóa mỹ phẩm, có mặt hàng dầu gội trị chí và dầu tắm cho thú cưng nhãn hiệu Oshin bán rất đắt hàng, vì thế chủ DN mở rộng qui mô sản xuất, kinh doanh, đưa sản phẩm đến các tỉnh ĐBSCL. Anh đầu tư cải tiến qui trình sản xuất, in nhãn hàng hóa, làm bao bì với số lượng lớn,… đùng một cái, bị cơ quan chức năng gọi lên thông báo: DN của anh bị kiện vì làm nhái nhãn hiệu hàng hóa của một DN ở TP Hồ Chí Minh. Thì ra, biết sản phẩm của anh thu hút khách hàng, một DN ở TP Hồ Chí Minh sản xuất cùng mặt hàng đã nhanh tay lấy nhãn hiệu Oshin của anh đăng ký bảo hộ. Thế là không chỉ thua kiện, mà chủ DN ở Cần Thơ phải tổn thất rất nhiều từ việc bỏ hết nhãn hiệu, bao bì đã làm sẵn, thay đổi tên sản phẩm từ Oshin thành Oslyn nhưng cũng từ đó, khách hàng của anh thưa dần và cuối cùng DN đành ngưng sản xuất, vì người tiêu dùng chỉ quen với nhãn hiệu Oshin.

Đến trách nhiệm bảo vệ, quản lý:

Theo thống kê của Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ, từ năm 1991 đến tháng 9-2013, thành phố Cần Thơ có tổng số 2.420 văn bằng bảo hộ sở hữu công nghiệp đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp cho 728 cá nhân, doanh nghiệp, trong đó có 2.252 nhãn hiệu, 158 kiểu dáng công nghiệp, 13 sáng chế và 1 giải pháp hữu ích. Nếu so Cần Thơ với các tỉnh trong khu vực ĐBSCL thì tỷ lệ đơn đăng ký và văn bằng được cấp còn thấp: chiếm 15% đơn đăng ký và 17% về văn bằng bảo hộ, sau cả Long An; được xếp thứ 8 về đơn và thứ 6 về văn bằng so với cả nước.

Cừa hàng  Trái cây 42 ở Đại lộ Hòa Bình, cơ sở đã đăng ký bảo hộ thương hiệu nhiều năm nay. Ảnh: K. XUÂN 

Thành phố Cần Thơ được xác định là đô thị trung tâm kinh tế, văn hóa, khoa học kỹ thuật của vùng ĐBSCL. Việc triển khai thực hiện Quyết định số 1732/QĐ-UBND ngày 23-7-2012 của UBND thành phố phê duyệt Chương trình hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ của thành phố Cần Thơ giai đoạn 2012-2015 từng bước nâng cao được nhận thức của các DN, tổ chức, cá nhân liên quan về tạo, lập, quản lý, bảo vệ và phát triển tài sản trí tuệ ở cả 3 lĩnh vực: sở hữu công nghiệp, quyền tác giả và giống cây trồng. Thông qua 2 dự án thuộc chương trình là Tuyên truyền phổ biến kiến thức pháp luật, khai thác thông tin và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ cùng Hỗ trợ đăng ký bảo hộ, khai thác, phát triển tài sản trí tuệ đã tăng cường công tác cung cấp thông tin, hướng dẫn, tư vấn, góp phần thúc đẩy các DN, cơ sở kinh doanh, dịch vụ xác lập, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của mình.

Anh Ngô Văn Được, quản lý Shop Trái cây 42, ở quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ, cho biết: “Cơ sở chúng tôi đã đăng ký bảo hộ thương hiệu nhiều năm nay. Thú thật, lúc đầu cũng chưa quan tâm lắm đến vấn đề này nhưng nhờ các ngành chức năng tuyên truyền, gia đình tôi thấy tên cơ sở đã quen thuộc với khách hàng trong và ngoài thành phố thế thì tại sao không đăng ký bảo hộ thương hiệu, phòng ngừa bị đơn vị khác thấy chúng tôi ăn nên làm ra mà đăng ký trước? Hơn nữa, khi đăng ký thương hiệu độc quyền thì cơ sở chúng tôi cũng có trách nhiệm hơn, phải lựa chọn những mặt hàng trái cây có thương hiệu, chất lượng để phục vụ cho khách hàng, đảm bảo uy tín của cơ sở…”. Cùng với suy nghĩ này, ông Đặng Văn Nốp, Giám đốc Công ty TNHH Đ.A nốp (chuyên thiết kế, in ấn, quảng cáo), ở quận Ninh Kiều cho rằng việc đăng ký thương hiệu là hết sức cần thiết. Đó là tài sản trí tuệ của DN và cũng góp phần khẳng định tên tuổi của DN. “Trong điều kiện cạnh tranh thời hội nhập, DN không chỉ tập trung đầu tư kinh doanh, nâng chất sản phẩm hàng hóa mà còn phải biết bảo vệ thương hiệu. Nhiều DN đã mất nhiều thứ vì thiếu quan tâm đến điều này”- ông nói.

Theo thống kê của Cục Sở hữu trí tuệ VN, trong 5 năm (từ 2005 đến 2009), nước ta có 24.066 trường hợp đăng ký bản quyền thì có đến 4.381 vụ khiếu nại tranh chấp về quyền sở hữu trí tuệ (chiếm tỷ lệ 18%). Vừa qua, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã xây dựng và phát triển thương hiệu được thừa nhận trong và ngoài nước nhưng chỉ được bảo hộ ở Việt Nam, chưa đăng ký bảo hộ ở nước ngoài hoặc các nước mà hàng hóa xuất khẩu đến, dẫn đến thương hiệu bị đối thủ cạnh tranh chiếm đoạt bản quyền. Như trường hợp của Võng xếp Duy Lợi do ông Lâm Tấn Lợi thiết kế và đưa vào sản xuất từ năm 2000 nhưng không đăng ký quyền sáng chế và kiểu dáng công nghiệp như qui định. Lợi dụng điều này, một công ty ở Nhật đã lấy kiểu dáng của Võng xếp Duy Lợi đăng ký văn bằng giải pháp hữu ích, khiến cho sản phẩm võng xếp của Duy Lợi không được xuất khẩu sang Nhật và Công ty Duy Lợi tại Việt Nam có nguy cơ bị buộc ngưng hoạt động. Sau một quá trình tranh chấp tốn kém, cuối cùng đến tháng 4-2003, Võng xếp Duy Lợi của VN thắng kiện, giành lại bản quyền sở hữu kiểu dáng công nghiệp. Thực tiễn trên khẳng định tầm quan trọng của việc xây dựng và bảo vệ thương hiệu cả ở trong nước và quốc tế trong thời đại toàn cầu hóa kinh tế hiện nay.

Theo kỹ sư Lê Thị Bích Thủy, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Đồng Tháp (phát biểu tại Tọa đàm Xây dựng, phát triển thương hiệu và bảo vệ tài sản trí tuệ của các tỉnh ĐBSCL, tổ chức tại TP Cần Thơ ngày 14-01-2014): “Đã đến lúc cần phải quyết liệt hơn nữa trong việc xây dựng và bảo vệ thương hiệu vùng, miền. ĐBSCL với 2 sản phẩm chủ lực là lúa gạo và cá da trơn nhưng tình hình sản xuất kinh doanh, nhất là vấn đề xuất khẩu lúc thăng, lúc trầm, do đó cần phải có chiến lược xây dựng, bảo vệ thương hiệu, liên kết lâu dài để gỡ khó cho nông dân và đẩy mạnh phát triển sản xuất…”.

Tất nhiên, trong điều kiện cạnh tranh không lành mạnh, với sự xuất hiện của hàng gian, hàng giả như hiện nay thì không chỉ tuyên truyền nâng cao nhận thức để DN, nhà sản xuất quan tâm xây dựng, bảo vệ thương hiệu mà còn phải quản lý và phát triển được thương hiệu sau khi đăng ký sản phẩm bảo hộ, điều này đòi hỏi có sự chung tay, hợp sức của địa phương, doanh nghiệp và trách nhiệm của cộng đồng.

LAN HƯƠNG

Chia sẻ bài viết