15/05/2008 - 23:43

Tiến sĩ Đỗ Văn Xê, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Cần Thơ:

Thực hiện chế độ thu học phí để nâng cao chất lượng đào tạo, tránh lãng phí xã hội

 

Ngày 7-5-2008, Trường Đại học Cần Thơ (ĐHCT) đã ban hành Quyết định số 635/QĐ-ĐHCT quy định học phí mới đối với sinh viên (SV), kể cả SV sư phạm hệ chính quy. Đây là bước khởi động để nhà trường thực hiện mục tiêu nâng cao chất lượng, tránh lãng phí xã hội trong công tác đào tạo. Trao đổi với phóng viên Báo Cần Thơ về vấn đề này, Tiến sĩ Đỗ Văn Xê, Phó Hiệu trưởng Trường ĐHCT, cho biết:

Nhà trường đã chuyển dần sang cơ chế đào tạo theo học chế tín chỉ từ 10 năm qua, đến năm học 2007-2008 việc chuyển sang học chế tín chỉ đã được thực hiện triệt để. Do đó, việc xác định lại học phí trên mỗi tín chỉ cần phải được thực hiện. So với cơ chế đào tạo theo niên chế, việc đào tạo theo tín chỉ giúp SV kết thúc thời gian đào tạo sớm hơn nếu như học tốt, tích lũy đủ tín chỉ theo khung chương trình quy định. Trái lại, SV không dồn sức học tập hoặc học tập lơ là, ham chơi, thời gian học sẽ bị kéo dài so với khung chương trình đào tạo do Bộ GD&ĐT quy định. Vì vậy, để thúc đẩy SV học đúng tiến độ thì cần phải có chính sách thu học phí phù hợp. Mức học phí do Hiệu trưởng quyết định và sẽ thay đổi phù hợp từng thời điểm. Đây là một phần trong lộ trình Trường ĐHCT đi đến tự chủ tài chính theo mục tiêu Chính phủ đề ra đối với hệ thống đại học công lập.

* Quan điểm của Trường ĐHCT trong vấn đề học phí đối với SV sư phạm, thưa tiến sĩ?

- Theo quy định của Bộ GD&ĐT thì SV sư phạm hệ chính quy được miễn học phí. Đáp lại, SV thuộc nhóm này phải cam kết khi tốt nghiệp ra trường phục vụ trong ngành giáo dục. Sự cam kết này được thực hiện bằng cách làm bản cam kết và nộp cho trường. Đến nay, Trường ĐHCT có khoảng 80% SV sư phạm nộp bản cam kết phục vụ trong ngành giáo dục. Trường đã xác định hạn chót để nộp bản cam kết, nếu quá thời hạn này những SV không nộp cam kết sẽ bị buộc phải đóng học phí. Chính sách miễn học phí của SV sư phạm chỉ có hiệu lực trong khung thời gian chương trình đào tạo do Bộ GD&ĐT quy định. Nếu quá thời gian này thì phải đóng học phí bằng 1,5 lần/tín chỉ như SV các ngành khác. Bộ GD&ĐT cấp kinh phí hỗ trợ đào tạo SV sư phạm theo khung thời gian đào tạo, quá thời gian này Bộ sẽ không hỗ trợ nữa, do đó nhà trường phải thu học phí. Đây là chủ trương mang tính khách quan và công bằng, tránh lãng phí xã hội. Trên thực tế, có một số lượng không nhỏ SV không tích cực học tập nên dẫn tới học vượt thời gian quy định mà vẫn chưa đủ điều kiện tốt nghiệp tốt. Tình trạng này xảy ra khá phổ biến đối với SV sư phạm. Do đó, cần phải có biện pháp thúc đẩy SV sư phạm học đúng tiến độ để tránh lãng phí xã hội.

* SV sư phạm tốt nghiệp ra trường nhưng không được ngành giáo dục địa phương tuyển dụng vì lý do khách quan, có phải bồi hoàn học phí? Trường ĐHCT sẽ giải quyết vấn đề này như thế nào nhằm đảm bảo khách quan, công bằng, thưa tiến sĩ?

- Bộ GD&ĐT áp dụng chế độ miễn học phí không điều kiện cho SV sư phạm đã hơn 10 năm. Đến nay, Bộ quy định SV sư phạm cam kết phục vụ trong ngành giáo dục ngay sau khi ra trường. Khi thực hiện chính sách này Bộ đã tính đến giải pháp thu hồi chi phí đào tạo, phương án thực hiện như thế nào sẽ được Bộ đưa ra trong thời gian tới. Về nguyên tắc, Trường ĐHCT chỉ có chức năng đào tạo, còn vấn đề phân công nguồn nhân lực trong ngành giáo dục và thu hồi chi phí đào tạo thuộc thẩm quyền của các cơ quan quản lý nhà nước.

* Thưa Tiến sĩ, song hành với chế độ học phí mới, Trường ĐHCT có sự đầu tư gì để nâng cao chất lượng đào tạo?

- Việc làm đầu tiên của trường là chương trình đào tạo được đổi mới hoàn toàn theo hướng gọn nhẹ, linh động giúp sinh viên học tập có hiệu quả hơn. Các thông tin về chương trình đào tạo được nhà trường công bố công khai, rõ ràng để giúp SV xây dựng kế hoạch học tập một cách hiệu quả. Trường đã xuất bản tập tài liệu “Danh mục tra cứu chương trình đào tạo Đại học, Cao đẳng” gồm 4 tập, dày 2.547 trang (khổ giấy A4) phổ biến rộng rãi trong toàn trường, trong đó trình bày chương trình của tất cả 74 chuyên ngành đào tạo, và đề cương chi tiết của tất cả các môn học (tổng số có 2.210 môn học). Các thông tin này cũng đã được đưa lên mạng để SV tra cứu. Trường phát động thầy cô giáo đổi mới phương pháp giảng dạy, nhằm đảm bảo phát huy tối đa ưu thế của phương thức đào tạo theo tín chỉ như: giảm khối lượng giờ học trên lớp, tăng thời gian học thực hành trong phòng thí nghiệm, trong thư viện và thực tế, thực tập tại cơ sở nhằm giúp SV phát huy tối đa khả năng sáng tạo, tư duy logic và khả năng tự học để nắm bắt kinh nghiệm thực tiễn, dễ dàng tiếp cận với công việc khi ra trường. Qua hệ thống mạng của nhà trường, tập tài liệu này còn phục vụ cho đối tượng theo hệ vừa học, vừa làm do Trường ĐHCT liên kết đào tạo với các địa phương.

Từ năm 2007, Bộ GD&ĐT đã cho phép Trường ĐHCT mở rộng địa bàn tuyển sinh ra cả nước, có trên 75.000 thí sinh đăng ký dự thi. Kỳ tuyển sinh năm 2008, số lượng thí sinh đăng ký dự thi lên đến trên 95.000 em, chứng tỏ người dân trong cả nước đã gửi gắm lòng tin vào khả năng đào tạo nhân lực của Trường ĐHCT.

* Thời gian qua, trong giảng viên đã có dư luận không đồng tình khi nhà trường thực hiện triệt để đào tạo theo tín chỉ. Ý kiến của tiến sĩ như thế nào?

- Khi xã hội phát triển theo hướng cạnh tranh và hội nhập thì chất lượng nguồn nhân lực là yêu cầu cực kỳ quan trọng để cơ quan, doanh nghiệp trong nước cạnh tranh với các đơn vị nước ngoài. Nhiệm vụ của Trường ĐHCT là cung ứng cho xã hội nguồn nhân lực có đủ trình độ đáp ứng nhu cầu phát triển của xã hội. Do đó, việc đổi mới phương thức đào tạo và việc không thể chậm trễ. Ở nước ta hiện nay, khi nói về đào tạo theo hệ tín chỉ thì nhiều người cho là còn quá mới mẻ, nhưng phương thức đào tạo này đã được áp dụng tại các trường tiên tiến trên thế giới từ nhiều thập niên. Việc chuyển đổi sang đào tạo theo tín chỉ lực lượng giảng viên phải tốn rất nhiều công sức, và gặp không ít khó khăn khi bắt đầu, do đó có một số thầy cô cảm thấy lo ngại. Nhưng đến nay mọi việc đã được thực hiện đâu vào đó nên cả sinh viên và cán bộ đều đồng tình với việc chuyển đổi này. Trong quá trình thực hiện, lãnh đạo nhà trường luôn lắng nghe ý kiến đóng góp của cán bộ và SV bằng nhiều hình thức, từ đóng góp trực tiếp, đóng góp qua các buổi họp sơ kết, tổng kết, đóng góp bằng email, bằng diễn đàn trên trang web của trường (forum.ctu.edu.vn), nên các khó khăn, vướng mắc đều đã được giải quyết kịp thời.

Tôi tin tưởng là theo chiều hướng này Trường ĐHCT sẽ phát triển tốt hơn. Còn vấn đề học phí, trường hợp SV có hoàn cảnh khó khăn cụ thể sẽ được nhà trường xem xét giải quyết hỗ trợ phù hợp.

* Xin cảm ơn Tiến sĩ!

M. NGUYỆT (thực hiện)

- SV theo học hệ chính quy dài hạn tập trung: học phí 60.000 đồng/tín chỉ áp dụng từ tháng 1-2008.

- SV kéo dài thời gian đào tạo so với khung chương trình đào tạo, cụ thể: bậc cao đẳng tương đương (<) 3 năm, bậc đại học < 5 năm đối với ngành Thú y và  <4 năm đối với các ngành còn lại (riêng các ngành có khung chương trình đào tạo từ 4,5 năm từ khóa 32 trở về trước vẫn áp dụng khung thời gian 4,5 năm từ học kỳ vượt thời gian đầu tiên trở đi, mức học phí được tính theo hệ số 1,5 (90.000 đồng/tín chỉ).

- SV ngành sư phạm và diện chính sách xã hội học vượt khung thời gian chương trình đào tạo không được hưởng chế độ miễn, giảm học phí.

* Trích Quy định về việc thu học phí ban hành kèm theo Quyết định số 635/QĐ-ĐHCT do Phó Hiệu trưởng Trường ĐHCT Đỗ Văn Xê ký ngày 7-5-2008

Chia sẻ bài viết