21/03/2025 - 19:15

Bộ Giáo dục và Đào tạo chính thức công bố quy chế tuyển sinh đại học 2025 

(CT) - Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) vừa ban hành Thông tư số 06/2025/TT-BGDĐT (ngày 19-3-2025) sửa đổi, bổ sung một số điều trong Quy chế tuyển sinh đại học, tuyển sinh cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non (Thông tư 06). Thông tư này có hiệu lực từ ngày 5-5-2025. 

Theo đó, quy chế tuyển sinh năm nay, sẽ có một số điểm mới quan trọng mà thí sinh cần lưu ý.

 

* Bỏ xét tuyển sớm

Trong Quy chế mới, sẽ không còn xét tuyển sớm. Theo Bộ GD&ĐT, những năm qua, khi áp dụng xét tuyển sớm làm cho kỳ tuyển sinh kéo dài, thí sinh phải đi xin xác nhận kết quả học tập cấp THPT gửi nhiều cơ sở đào tạo, gây tốn kém nguồn lực xã hội. Đặc biệt, nhiều cơ sở đào tạo gọi trúng tuyển sớm số lượng rất lớn nhưng số thí sinh nhập học rất ít, cho thấy việc xét tuyển sớm không hiệu quả.

Đại diện Bộ GD&ĐT thông tin về nét mới thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, cao đẳng 2025 tại Ngày hội Tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp, tại Trường Đại học Cần Thơ.

Bên cạnh đó, các cơ sở đào tạo xét tuyển sớm không sử dụng kết quả học kỳ 2 lớp 12, làm ảnh hưởng đến quá trình học tập và thi tốt nghiệp THPT của học sinh, từ đó ảnh hưởng tới năng lực học tập ở bậc đại học. Để bảo đảm học sinh được trang bị đầy đủ kiến thức nền tảng cần thiết theo học chương trình đại học, từ năm nay, quy chế quy định không còn xét tuyển sớm; đồng thời quy định khi sử dụng kết quả học tập cấp THPT để xét tuyển, trong đó phải dùng kết quả học tập cả năm lớp 12 của thí sinh.

Ngoài ra, để bảo đảm sự đóng góp của kết quả học tập cả năm lớp 12 không quá thấp trong khi tính điểm xét, Quy chế quy định trọng số tính điểm xét của kết quả học năm lớp 12 không dưới 25%.

* Công khai quy tắc quy đổi tương đương điểm trúng tuyển

Trong Quy chế mới quy định, cơ sở đào tạo sử dụng nhiều phương thức tuyển sinh phải xác định quy tắc quy đổi tương đương ngưỡng đầu vào và điểm trúng tuyển của các phương thức tuyển sinh, phương thức xét tuyển, tổ hợp xét tuyển theo hướng dẫn chung của Bộ GD&ĐT. Điều này đồng nghĩa, các trường không phải phân bổ chỉ tiêu cho các phương thức xét tuyển, tránh được những rủi ro khi xét tuyển theo chỉ tiêu của từng phương thức như độ lệch điểm giữa các phương thức quá lớn, có phương thức điểm trúng tuyển rất cao, điểm trúng tuyển học bạ thấp hơn điểm trúng tuyển theo kết quả thi tốt nghiệp THPT…

Để bảo đảm cho thí sinh có đầy đủ thông tin trong quá trình đăng ký xét tuyển, Quy chế quy định quy tắc quy đổi tương đương phải được công bố công khai muộn nhất cùng thời gian công bố ngưỡng bảo đảm chất lượng đầu vào. Thí sinh không cần chọn mã phương thức, mã tổ hợp…; mà chỉ cần xác định rõ chương trình, ngành, nhóm ngành đào tạo và cơ sở đào tạo mong muốn theo học để quyết định đăng ký. Hệ thống hỗ trợ tuyển sinh chung của Bộ GD&ĐT sẽ sử dụng phương thức có kết quả cao nhất của thí sinh để xét tuyển.

* Không giới hạn số tổ hợp xét tuyển

Năm 2025 là năm đầu tiên khóa học sinh học theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 dự thi tốt nghiệp THPT. Bộ GD&ĐT đã ban hành Quy chế thi tốt nghiệp THPT áp dụng từ 2025, trong đó tăng số môn thi học sinh có thể lựa chọn. Để bảo đảm cơ hội trúng tuyển cho học sinh đến từ các vùng, miền khác nhau, Quy chế bỏ yêu cầu chương trình đào tạo, mỗi ngành, mỗi chương trình có tối đa 4 tổ hợp xét tuyển; không giới hạn số tổ hợp xét tuyển. Tuy nhiên, để bảo đảm chất lượng và nền tảng kiến thức cần thiết để học bậc đại học, Quy chế quy định tổ hợp môn dùng để xét tuyển bao gồm ít nhất 3 môn phù hợp, trong đó phải có môn Toán hoặc Ngữ văn với trọng số tính điểm xét không dưới 25%. Từ năm 2026, số môn chung của các tổ hợp phải đóng góp ít nhất 50% trọng số tính điểm xét.

* Sử dụng chứng chỉ ngoại ngữ phù hợp để quy đổi thành điểm môn ngoại  ngữ

Những năm gần đây, có thực trạng một số cơ sở đào tạo lạm dụng việc sử dụng các chứng chỉ ngoại ngữ trong quá trình xét tuyển, thậm chí sử dụng chứng chỉ ngoại ngữ như là tiêu chí quyết định đến cơ hội trúng tuyển của thí sinh. Trong khi đó, việc tiếp cận để được cấp các chứng chỉ ngoại ngữ có sự khác biệt giữa học sinh các vùng, miền. Do vậy, Quy chế mới quy định các trường có thể quy đổi các chứng chỉ ngoại ngữ thành điểm môn ngoại ngữ để đưa vào tổ hợp môn xét tuyển, nhưng điểm này được quy đổi từ các chứng chỉ ngoại ngữ có trọng số tính điểm xét không được vượt quá 50%.

* Tổng điểm cộng không vượt quá 10% mức điểm tối đa của thang điểm xét

Việc quy định tổng điểm cộng (như điểm cộng, điểm thưởng, điểm khuyến khích) đối với các thành tích, các chứng chỉ khác nhau của thí sinh khi quá lớn cũng có thể gây mất công bằng với các thí sinh không có điểm cộng (vì lý do khách quan, không phải vì năng lực) cùng xét tuyển. Do đó, quy chế mới cũng đưa ra giới hạn tổng điểm cộng không vượt quá 10% mức điểm tối đa của thang điểm xét. Ví dụ, với thang điểm 30, thì điểm cộng tối đa là 3 điểm. Do vậy, mỗi thí sinh đều có cơ hội đạt mức điểm tối đa của thang điểm xét nhưng không có thí sinh nào có điểm xét (tất cả các loại điểm cộng, điểm ưu tiên) vượt quá mức điểm tối đa này.

Tin, ảnh: B.Kiên

Chia sẻ bài viết