21/03/2017 - 20:21

Thúc đẩy phát triển đô thị bền vững

Trước thách thức của biến đổi khí hậu, TP Cần Thơ và các thành phố trong cả nước cần phải kịp thời thực hiện các giải pháp nhằm tăng cường khả năng thích ứng của đô thị và quan tâm ứng dụng các công nghệ để giảm phát thải khí nhà kính, thúc đẩy phát triển đô thị theo hướng xanh, bền vững. Đây là vấn đề được đặt ra tại hội thảo "Ứng dụng công nghệ giảm phát thải trong phát triển kinh tế và tăng cường khả năng thích ứng của đô thị" do UN-Habitat vừa phối hợp với UBND TP Cần Thơ tổ chức.

Nhiều thách thức

 TP Cần Thơ đang trên đường phát triển. Ảnh: A. KHOA

Chương trình Định cư con người Liên Hiệp Quốc (UN-Habitat) là một cơ quan chuyên ngành của Liên Hiệp Quốc, phụ trách về các vấn đề phát triển đô thị. Thời gian qua, UN-Habitat đã triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ để tăng cường trao đổi kinh nghiệm, thúc đẩy hợp tác giữa các thành phố của Việt Nam với đối tác trong và ngoài nước liên quan đến sáng kiến và công nghệ về phát triển bền vững, giảm phát thải các-bon và các khí thải nhà kính.

Theo UN-Habitat, đô thị hóa-công nghiệp hóa là xu hướng tất yếu của một nền kinh tế phát triển. Tuy nhiên, việc kiểm soát quá trình này để đạt được tăng trưởng kinh tế đi đôi với tăng cường khả năng thích ứng đô thị, giảm tác động tiêu cực đến môi trường tự nhiên luôn là vấn đề thách thức của các quốc gia. Theo Tiến sĩ Nguyễn Quang, Giám đốc UN-Habitat tại Việt Nam, hiện 80% GDP toàn cầu đến từ các thành phố và nơi đây cũng chiếm hơn 70% phát thải các-bon toàn cầu, do vậy quá trình đô thị hóa có nhiều đóng góp lớn cho đời sống con người nhưng cũng tạo ra nhiều thách thức. Đó là các vấn đề đảm bảo nguồn lực tài nguyên cho phát triển, khả năng cung cấp đô thị bền vững, các vấn đề về bất bình đẳng xã hội do chênh lệch giàu nghèo, ô nhiễm môi trường, khí thải nhà kính tăng ảnh hưởng biến đổi khí hậu, tác động hệ sinh thái toàn cầu. Tiến sĩ Nguyễn Quang, cho rằng: "Quá trình đô thị hóa và toàn cầu hóa đang diễn ra nhanh đã có những tác động mạnh mẽ đến bối cảnh chung của toàn cầu, trong đó có nhiều thách thức mới và cũ cùng xuất hiện đan xen. Nếu trước những năm 1960, dân số ở các đô thị trên thế giới khoảng 1 tỉ người thì hiện nay đã tăng lên 4 tỉ người, chiếm khoảng 54% dân số thế giới, tỷ lệ này dự kiến được nâng lên 75% vào năm 2050 và 90% đối với sự gia tăng dân số đô thị xảy ra tại các nước đang phát triển".

Trong quá trình phát triển của con người thường luôn đi kèm với sự phát triển của rác thải cả về mặt số lượng và sự phức tạp, đa dạng của các loại rác thải. Đây cũng là một thách thức lớn cho sự phát triển. Ông Vũ Long, Giám đốc điều hành Công ty Năng lượng xanh Quốc tế, cho rằng: Vũ trụ bao la, nhưng thực sự chúng ta đang sống trong một môi trường khép kính. Song song với phát triển đô thị, rác là vấn nạn, nếu không có cách quản lý và xử lý tốt sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy xấu".

Để phát triển đô thị bền vững

Muốn giải quyết các thách thức của đô thị thì phải bắt đầu tư đô thị và cần có các tư duy, chính sách, cách làm sáng tạo. Trong đó, việc ứng dụng các công nghệ, giải pháp xanh và thông minh được xem là một lời giải quan trọng. Theo tiến sĩ Nguyễn Quang, Giám đốc UN-Habitat Việt Nam, các thành phố cần mô hình phát triển mới sáng tạo hơn và các giải pháp chiến lược nhằm tăng trưởng kinh tế và phát triển bền vững. Hiện nay, nhiều nước trên thế giới (cụ thể như Hàn Quốc) đã tiếp cận việc giải quyết các thách thức của đô thị bằng chiến lược tăng trưởng xanh. Quan tâm sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên để hạn chế ô nhiễm môi trường, quan tâm sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo, đầu tư công nghệ mới vào sản xuất để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Thời gian qua, TP Cần Thơ rất quan tâm đến việc xây dựng đô thị sáng-xanh-sạch-đẹp. Trong ảnh: Một góc công viên Bến Ninh Kiều.

Tại hội thảo "Ứng dụng công nghệ giảm phát thải trong phát triển kinh tế và tăng cường khả năng thích ứng của đô thị", các đại biểu đã chia sẻ nhiều giải pháp, kinh nghiệm, định hướng chiến lược trong phát triển đô thị bền vững. Các giải pháp, công nghệ cụ thể nhằm giảm phát thải khí các-bon, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế xanh và tăng cường khả tăng thích ứng của đô thị, nhất là các biện pháp quản lý sử dụng hiệu quả tài nguyên nước, xử lý rác thải và ứng phó thiên tai. Công ty TNHH Daiken đến từ Nhật Bản đã giới cách thu gom, cất trữ và xử lý nước mưa thành nước sạch phục vụ cho sinh hoạt và sản xuất bằng bể chứa nước mưa ngầm gọi là Tametotto. Bể ngầm thu nước mưa này được thiết kế gồm các lớp đất, đá và phía bên trên có thể trồng cỏ hoặc làm bãi đỗ xe nên có thể lắp đặt tại các khu dân cư tập thể, nhà máy, trường học, bãi đỗ xe và công viên. Ông Nguyễn Minh Thế, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP Cần Thơ, cho rằng: "Sử dụng bể ngầm cất trữ nước mưa là mô hình rất hay cần xem xét ứng dụng tại TP Cần Thơ và các tỉnh ĐBSCL. Biến đổi khí hậu đã đặt ra yêu cầu cho ĐBSCL phải quản lý, sử dụng tốt các nguồn nước, trong đó có cất trữ nước mưa. Thời gian qua, người dân tại nhiều nơi đã quan tâm cất trữ nước mưa trong các bể xây, lu, kiệu, khạp và cả các ao, mương lộ thiên, nhưng có nhược điểm là lượng cất trữ không được nhiều và nước bị trời nắng bốc hơi".

Để các đô thị phát triển bền vững thì việc quản lý, xử lý tốt các nguồn rác thải là rất quan trọng. Ông Vũ Long, Giám đốc điều hành Công ty Năng lượng xanh Quốc tế, chia sẻ: "Nếu đem chôn lấp rác có thể xảy ra rò rỉ nước thải, mùi hôi và lâu ngày nó cũng trở thành nguồn phát thải lớn khí nhà kính. Đốt rác thì phát sinh khói và phải xử lý sỉ than sau đốt. Để giải quyết các vấn đề trên, đồng thời có thể biến rác thành các loại nguyên liệu và năng lượng tái tạo, công ty đã nghiên cứu, phát triển công nghệ xử lý rác bằng Hệ thống nhiệt phân bằng hơi quá nhiệt. Công ty có kế hoạch sẽ phối hợp với các tỉnh, thành triển khai xây dựng hệ thống này theo nhiều hình thức đầu tư như: BOT, BT, BOO…

Là một trong 5 thành phố lớn trực thuộc Trung ương và là trung tâm động lực phát triển vùng ĐBSCL, TP Cần Thơ đã và đang chọn khoa học công nghệ làm đòn bẩy động lực trong mọi lĩnh vực phát triển kinh tế-xã hội của thành phố. Việc áp dụng các sáng kiến công nghệ để giảm phát thải và tăng cường khả năng thích ứng của đô thị cũng được lãnh đạo thành phố rất quan tâm để thúc đẩy phát triển xanh, bền vững. Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Võ Thị Hồng Ánh nhấn mạnh, nhiều giải pháp công nghệ được giới thiệu tại hội thảo là rất thiết thực, thành phố sẽ quan tâm nghiên cứu, để xem xét có thể ứng dụng tại địa phương. 

Bài, ảnh: KHÁNH TRUNG

Chia sẻ bài viết