04/07/2020 - 08:54

Thúc đẩy hợp tác quốc tế, tăng cường khả năng thích ứng đô thị 

Cần Thơ là thành phố lớn thứ tư của Việt Nam, trung tâm động lực phát triển vùng ĐBSCL. Tuy nhiên, Cần Thơ đang phải đối mặt  với những thách thức như: biến đổi khí hậu, quá trình đô thị hóa, ngập úng ở đô thị gia tăng… Để đối phó với những thách thức, cùng với tiềm lực địa phương và chính sách đầu tư của Chính phủ, thành phố đã nhận được sự hỗ trợ từ các quốc gia, tổ chức quốc tế, trong đó có Thụy Sĩ và Ngân hàng Thế giới (WB). Cần Thơ từng bước phát triển xứng tầm đô thị trung tâm vùng.

Hỗ trợ quản lý rủi ro thiên tai

Ngài Đại sứ Ivo Sieber cùng đoàn công tác đi thực tế khảo sát một số dự án trên địa bàn thành phố.

TP Cần Thơ là đầu mối, trung tâm kinh tế của vùng, có lợi thế xuất khẩu các mặt hàng nông thủy sản (gạo, trái cây)... Tuy nhiên phải nhìn nhận rằng, tốc độ phát triển và hạ tầng giao thông vẫn còn những hạn chế nhất định, đồng thời đang chịu ảnh hưởng bởi tác động của biến đổi khí hậu... Ông Lê Quang Mạnh, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, cho rằng, để khắc phục khó khăn trong xây dựng, phát triển hạ tầng đô thị, thành phố rất cần sự đồng hành từ nhiều quốc gia, tổ chức quốc tế... 

Trong chuyến thăm và làm việc tại TP Cần Thơ ngày 22-6 cùng với đại diện WB, ngài Ivo Sieber, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Thụy Sĩ tại Việt Nam, nhấn mạnh vai trò quan trọng của Cần Thơ không những là một thành phố lớn mà còn là địa phương đi đầu trong quá trình chuyển đổi của ĐBSCL. Đại sứ Ivo Sieber cho rằng, với dân số gần 20 triệu người, ĐBSCL là một trong những khu vực quan trọng của Việt Nam và là động lực phát triển kinh tế lớn của cả nước. Khu vực này là nơi dễ bị ảnh hưởng và đang chịu tác động nặng nề của biến đổi khí hậu. Việc TP Cần Thơ thúc đẩy quá trình đô thị hóa bền vững thành công sẽ là một kinh nghiệm đáng học hỏi và chia sẻ cho các tỉnh, thành lân cận. Sự phối hợp chặt chẽ của các cấp quản lý trong việc lên kế hoạch và quản lý biện pháp cải tạo khu đô thị là yếu tố quan trọng thu hút đầu tư.

Thụy Sĩ phối hợp cùng WB đang hỗ trợ TP Cần Thơ tăng cường khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu thông qua Dự án Phát triển TP Cần Thơ và tăng cường khả năng thích ứng của đô thị. Dự án mang lại lợi ích cho gần 40% dân số, tức 420.000 người dân trong vùng lõi được hưởng lợi trực tiếp và gần 2.675ha đất sẽ thoát khỏi tình trạng ngập lụt. Số lượng người hưởng lợi gián tiếp từ dự án còn nhiều hơn thế, bao gồm phần dân số còn lại của thành phố, khoảng 1,25 triệu người và khoảng 10,3 triệu người trong vùng ĐBSCL, tương đương gần 60% tổng dân số trong khu vực. Ngài Đại sứ Thụy Sĩ nhấn mạnh, Cần Thơ và Thụy Sĩ cần đẩy mạnh hơn nữa mối quan hệ hợp tác toàn diện trên các lĩnh vực, nhất là trong lĩnh vực công nghiệp, thương mại, dịch vụ và ứng phó biến đổi khí hậu. Cần Thơ là một trong nhiều thành phố nằm trong khuôn khổ hợp tác của Thụy Sĩ với Việt Nam. Chính phủ Thụy Sĩ cam kết hỗ trợ quá trình chuyển đổi kinh tế, bao gồm phát triển các đô thị xanh với khả năng chống chịu và thích nghi tốt với khí hậu tại ĐBSCL.

Tăng khả năng thích ứng

Ngập lụt là mối nguy dễ thấy nhất ở TP Cần Thơ, gây thiệt hại về tài sản và làm gián đoạn các hoạt động kinh tế, chủ yếu ở khu vực lõi đô thị. Theo nghiên cứu của Viện Quốc tế về môi trường và phát triển ước tính, thiệt hại kinh tế hằng năm (trực tiếp và gián tiếp) chiếm 11% thu nhập hằng năm của các hộ gia đình. Các yếu tố gây ngập lụt bao gồm: lượng mưa lớn, nước sông dâng cao, thủy triều gia tăng, thoát nước kém ở các đô thị và sụt lún đất. Việc đô thị hóa nhanh chóng và không kiểm soát đã dẫn đến tình trạng lấn chiếm nhiều kênh tự nhiên, làm giảm đi đáng kể khả năng thoát nước của hệ thống thoát nước thành phố. Để đối phó với những thách thức về khả năng phục hồi đô thị ở Cần Thơ, Chính phủ Việt Nam yêu cầu hỗ trợ từ sự hợp tác của WB và Cơ quan Phát triển Liên bang Thụy Sĩ (SECO).

Ông Lê Văn Sơn, Giám đốc Ban Quản lý dự án ODA TP Cần Thơ, cho biết, Cần Thơ đang tích cực đẩy nhanh tiến độ thực hiện Dự án Phát triển TP Cần Thơ và tăng cường khả năng thích ứng của đô thị. Dự án đã được Hội đồng WB phê duyệt vào năm 2016, thời gian thực hiện từ năm 2016-2022. Đây là một trong những dự án rất quan trọng, góp phần giảm rủi ro ngập lụt trong khu vực đô thị trung tâm và tăng cường kết nối giữa trung tâm thành phố với tổng mức đầu tư trên 344 triệu USD, trong đó, nguồn vốn vay từ WB là 250 triệu USD, vốn tài trợ không hoàn lại của SECO là 10 triệu USD, còn lại là vốn đối ứng của TP Cần Thơ. Dự án gồm 3 hợp phần: kiểm soát ngập lụt và vệ sinh môi trường; phát triển hành lang đô thị; nền tảng quy hoạch không gian và các công cụ bảo vệ tài chính và xã hội.

Trong chuyến công tác tại Cần Thơ, ngài Đại sứ Ivo Sieber đã đi khảo sát một số dự án trên địa bàn thành phố do Thụy Sĩ tài trợ. Tại mỗi điểm đến, đoàn đều đánh giá cao sự chỉ đạo sâu sát của chính quyền địa phương, những nỗ lực của Ban Quản lý dự án ODA trong việc đẩy nhanh tiến độ, chất lượng các hạng mục dự án. Đại sứ Ivo Sieber nhấn mạnh, Thụy Sĩ sẽ tiếp tục hỗ trợ TP Cần Thơ trong nhiều lĩnh vực như: phòng chống và cảnh báo sớm lũ lụt, phát triển đô thị và tăng cường khả năng thích ứng, du lịch bền vững, quản lý tài chính công, nông nghiệp... Cùng quan điểm, bà Steffi Stallmeister, Giám đốc điều hành hoạt động dự án WB tại Việt Nam, cho rằng, WB sẽ hỗ trợ tích cực để TP Cần Thơ phát triển bền vững, xứng tầm là đô thị trung tâm vùng ĐBSCL.

Năm 2021 là năm rất quan trọng đánh dấu 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Thụy Sĩ. Ông Lê Quang Mạnh, Chủ tịch UBND thành phố, cho rằng, Cần Thơ mong muốn sẽ có sự phối hợp với Thụy Sĩ tổ chức các chương trình hoạt động, sự kiện giao lưu văn hóa để thắt chặt hơn nữa tình đoàn kết, hữu nghị giữa nhân dân hai nước, giúp nhân dân hai nước ngày càng hiểu nhau hơn. Đồng thời hy vọng, thông qua Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA), Thụy Sĩ sẽ đẩy mạnh hơn nữa giao thương với Việt Nam, nhiều nhà đầu tư cũng sẽ tìm đến Việt Nam để làm ăn, trong đó có TP Cần Thơ.

Bài, ảnh: KHÁNH NAM

Chia sẻ bài viết