28/01/2023 - 08:31

Thúc đẩy chuyển đổi số các bệnh viện 

THU SƯƠNG

Bệnh viện (BV) Đa khoa quốc tế S.I.S được Bộ Y tế đánh giá cao tại Hội thảo ứng dụng các giải pháp công nghệ thông tin, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh tổ chức vào cuối năm 2022. BV đã thúc đẩy chuyển đổi số ngay từ khi mới thành lập, trên quy mô tổng thể, từ hoạt động quản trị đến chuyên môn, góp phần hiện đại hóa nền y tế, nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe cho người dân đồng bằng.

Đầu tư hạ tầng

PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (trái) trao chứng nhận báo cáo viên cho TS.BS Trần Chí Cường, Giám đốc BV S.I.S. Ảnh: BV cung cấp.

PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (trái) trao chứng nhận báo cáo viên cho TS.BS Trần Chí Cường, Giám đốc BV S.I.S. Ảnh: BV cung cấp.

TS.BS Trần Chí Cường, Giám đốc S.I.S cho biết, ngay từ khi xây dựng và đưa vào hoạt động, BV chú trọng đầu tư hạ tầng công nghệ thông tin và các giải pháp số hóa để vận hành, phát triển BV. Bởi BV xác định, nhu cầu công nghệ số hóa là xu hướng của ngành y tế trong nước và thế giới hiện nay. BV S.I.S đã ký kết quan hệ hợp tác với Công ty Siemens Healthineers, tập trung vào các giải pháp toàn diện bao gồm các công nghệ y tế tiên tiến, số hóa và các chương trình đào tạo nâng cao năng lực trong điều trị. Theo đó, các giải pháp công nghệ và kỹ thuật số tiên tiến đẩy nhanh quá trình cấp cứu và chẩn đoán, đồng thời triển khai giải pháp tư vấn, giám sát bệnh nhân từ xa và quản lý sổ dữ liệu sức khỏe của người bệnh, cho phép các bác sĩ truy cập các thông tin này mọi lúc, mọi nơi. 

S.I.S vận hành hệ thống gồm nhiều phần mềm chuyên dụng như Call center đặt lịch khám chữa bệnh qua website, tổng đài, gọi cấp cứu; phần mềm quản lý tài chính; phần mềm HIS quản lý thông tin bệnh án, liên kết với các hệ thống khác; phần mềm PACS kết nối, lưu trữ hình ảnh CT, MRI, DSA, siêu âm; phần mềm quản lý nhân sự, quản lý công việc và phầm mềm quản lý dược, vật tư trang thiết bị y tế. Vượt trội là phần mềm VNA, với cổng thông tin bệnh nhân và tiện ích hội chẩn chuyên môn từ xa. Trong lĩnh vực điều trị, BV cũng áp dụng các phần mềm RAPID, Navigation, robot can thiệp mạch. 

Ứng dụng kỹ thuật cao, công nghệ hiện đại giúp BV S.I.S phát triển mạnh lĩnh vực can thiệp tim mạch nói riêng và là BV chuyên khoa về đột quỵ hàng đầu của vùng ĐBSCL. Mỗi tháng, S.I.S tiếp nhận điều trị, can thiệp tim mạch cho khoảng 100 bệnh nhân. BV cũng là một trong số ít các đơn vị trên địa bàn thành phố triển khai điều trị các bệnh lý tim bẩm sinh, phát triển các kỹ thuật trong lĩnh vực điện sinh lý, điều trị rối loạn nhịp…

Trong chẩn đoán và điều trị, BV S.I.S tiên phong ứng dụng trí tuệ nhân tạo RAPID để đánh giá và phân tích hình ảnh tình trạng não của bệnh nhân đột quỵ. Đây là phần mềm đang được sử dụng tại nhiều BV lớn trên thế giới. RAPID được cài đặt trực tiếp vào máy tính có tích hợp hệ thống quản lý dữ liệu hình ảnh. Bác sĩ sẽ thấy được rõ vùng não đã chết và vùng thiếu máu cần cứu sống để đưa ra quyết định can thiệp chính xác, kịp thời nhất, giúp bệnh nhân thêm cơ hội sống, hạn chế di chứng. Phần mềm này đặc biệt hiệu quả cho nhóm bệnh nhân nhồi máu não đến trễ sau 6 giờ, hoặc không xác định được thời điểm đột quỵ.

Ths.BS Nguyễn Mạnh Cường, Trưởng khoa Nội tổng hợp, Trưởng đơn vị tim mạch can thiệp BV S.I.S cho biết, từ tháng 9-2022, BV đưa vào vận hành hệ thống robot Corindus, đã can thiệp cho 5 trường hợp mắc bệnh động mạch vành ở miền Tây. Robot can thiệp mạch máu được xem là xu hướng mới của can thiệp xâm lấn tối thiểu. Hiện nay, một số BV hàng đầu trên thế giới đã triển khai kỹ thuật này; ở Việt Nam, S.I.S là đơn vị đi đầu. Bác sĩ can thiệp không cần đứng trực tiếp cạnh bàn điều khiển mà có thể thực hiện thủ thuật qua thiết bị điều khiển từ xa. Sự hỗ trợ của robot giúp đi qua các tổn thương mạch máu phức tạp dễ dàng hơn và đo được độ dài tổn thương để chọn lựa kích thước stent chính xác hơn. Cùng với lợi ích mang đến cho người bệnh, kỹ thuật còn có ưu điểm giảm 95% mức độ phơi nhiễm bức xạ tia X, đồng thời hạn chế ảnh hưởng sức nặng của áo chì đối với bác sĩ can thiệp. Sắp tới, BV tiếp tục phát huy hiệu quả của hệ thống robot, triển khai nhiều kỹ thuật cao hơn, trang bị thêm hệ thống C-arm can thiệp trong lòng mạch, giúp đạt hiệu quả chẩn đoán và điều trị tốt nhất.

Nâng cao chất lượng hoạt động

BS Mạnh Cường dặn dò người bệnh sau can thiệp tim mạch về chế độ sinh hoạt, tái khám. Ảnh: T. SƯƠNG.

BS Mạnh Cường dặn dò người bệnh sau can thiệp tim mạch về chế độ sinh hoạt, tái khám. Ảnh: T. SƯƠNG.

TS.BS Trần Chí Cường, Giám đốc BV S.I.S, chia sẻ kinh nghiệm chuyển đổi số BV: “Việc ứng dụng công nghệ thông tin không sinh lợi nhuận ngay nhưng đem lại rất nhiều lợi ích cho sự phát triển của BV. Đó là công cụ hiệu quả nâng cao chất lượng quản lý và chuyên môn, tiến tới mục đích cuối cùng là điều trị, chăm sóc tốt nhất cho bệnh nhân. Bác sĩ thuận lợi, tự tin trong quá trình hành nghề, bệnh nhân ngày càng hài lòng về những dịch vụ được BV cung cấp”.

Theo TS.BS Trần Chí Cường, định hướng của S.I.S là mỗi bệnh nhân đều có một tài khoản trong hệ thống BV, được lưu trữ lâu dài, vừa giúp ích cho quá trình chăm sóc sức khỏe của cá nhân, vừa là cơ sở dữ liệu về mô hình bệnh tật của Việt Nam. BV sẵn sàng liên thông kết nối dữ liệu với tất cả các BV, các nước trên thế giới. Đây cũng là định hướng của Bộ Y tế với mục tiêu xây dựng nền tảng hồ sơ sức khỏe điện tử. Theo đó, mỗi người dân có một y bạ điện tử, ghi lại quá trình chăm sóc sức khỏe từ lúc sinh ra cho đến khi mất đi. Khi đi khám bệnh, thông qua hồ sơ sức khỏe điện tử, người dân cung cấp cho thầy thuốc biết tình trạng sức khỏe, tiền sử bệnh tật và quá trình khám chữa bệnh một cách nhanh chóng, chính xác, đầy đủ, tạo thuận lợi cho việc chẩn đoán và điều trị. Đây là thành phần cốt lõi nhất trong phát triển y tế thông minh, thúc đẩy chuyển đổi số ngành y tế.

Thời gian qua, y tế là một trong những ngành được ưu tiên chuyển đổi số hàng đầu ở nước ta. Tuy nhiên, khó khăn trong chuyển đổi số ngành y tế hiện nay là hạ tầng công nghệ thông tin trong lĩnh vực y tế chỉ mới đáp ứng ở mức độ cơ bản, một số BV có hạ tầng lạc hậu. Hệ thống dữ liệu còn phân tán, tách rời và chưa tích hợp. Theo các chuyên gia, hệ sinh thái y tế số của Việt Nam đang còn rất non trẻ, các giải pháp tập trung ở khía cạnh “số hóa” chứ chưa thực sự chạm đến “chuyển đổi”.

Tại Hội thảo ứng dụng các giải pháp công nghệ thông tin, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh vừa qua, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn đánh giá, dù đã có nhiều cố gắng nhưng việc phát triển ứng dụng công nghệ thông tin tại các cơ sở khám, chữa bệnh vẫn còn nhiều hạn chế về nguồn lực tài chính, nhân lực, sự phối hợp giữa các đơn vị trong triển khai ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số còn chưa đồng bộ…

Trong bối cảnh chung đó, ngành y tế TP Cần Thơ cũng đang thúc đẩy các đơn vị tích cực chuyển đổi số nhưng kết quả bước đầu còn gặp nhiều khó khăn. Những kết quả khả quan của BV S.I.S trong quá trình chuyển đổi số có thể là mô hình tham khảo cho các BV trên địa bàn, từng bước ứng dụng công nghệ số để cải thiện, nâng cao hơn chất lượng chăm sóc sức khỏe cho người dân miền Tây.

Chia sẻ bài viết