09/01/2016 - 16:58

Thú vị vườn kinh đá

Từ chợ Trà Ôn đi ngược lên, theo dòng sông Hậu khoảng 500m, nhìn lên phía tay phải, sẽ gặp chùa Phước Hậu, một tổ đình thuộc dòng Lâm Tế, chi nhánh Chúc Thanh. Ngôi chùa tọa lạc tại ấp Đông Hậu, xã Ngãi Tứ, huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long. Hai năm gần đây, ngôi chùa được công nhận là Di tích Lịch sử cấp quốc gia, thu hút nhiều khách thập phương. Chùa có khu vườn kinh khắc trên đá kì diệu, hoành tráng trong khuôn viên chùa.

Vừa bước vào cổng chùa, một phiến đá to dựng đứng khắc dòng chữ "Vườn kinh pháp cú", bên dưới là dòng chữ bằng tiếng Ba Li. Ngang đó, một tảng đá khác vẽ mũi tên chỉ vào "Vườn kinh" phía trong. Đi từng bước vào trong, đá đứng, đá nằm ngổn ngang. Sâu một chút, có mười mấy tảng đá được dựng lên, hai mặt đều khắc những câu kinh bằng chữ đỏ như: "Chớ sống đời phóng dật/ chớ mê say dục lạc/ không phóng dật thiền định/ đạt được an lạc lớn". Hay một bài kinh khác "không chuyên chế đúng pháp/ công bằng dắt dẫn người/ bậc tu công đúng pháp/ thật xứng danh pháp trụ"… Đó là những phiến kinh đá hoàn chỉnh được sắp theo vòng tròn. Khi vườn kinh đá hoàn thành, cả khu vườn này sẽ có hình tám cánh lá bồ đề xếp theo hình "Bát chánh đạo".

Hình ảnh cuốn hút của những phiến đá to, đá nhỏ bên ngoài khiến chúng tôi phải cố đợi vị sư trụ trì đang bận truyền giảng trên chánh điện xuống để tìm hiểu thêm. Sư trụ trì chùa Phước Hậu hiện nay là thầy Phước Cẩn, trụ trì đời thứ năm của ngôi chùa trên trăm tuổi này. Khi xưa nơi đây chỉ là một am tranh. Năm 1814, một vị hương cả làng Đông Hậu vận động dân trong vùng xây thành ngôi chùa gỗ, vách ván, mái ngói âm dương đặt tên là chùa Đông Hậu. Từ khi Hòa thượng Hoằng Chỉnh ở Quảng Ngãi vào, trùng tu lại những năm 1910 mới đổi tên thành chùa Phước Hậu. Từ bấy đến nay, qua mấy lần trùng tu, mấy đời trụ trì- từ thầy Khánh Anh, thầy Thiện Hoa, thầy Trí Tịnh… chùa đã thay đổi nhiều, có lẽ chỉ có những cây cột đen bóng khắc từng câu liễn và giàn kèo, cột bằng căm xe bền vững là còn giữ lại dấu xưa, tích cũ của ngôi chùa.

Lối vào vườn kinh pháp cú. 

Nói về ý tưởng xây vườn kinh pháp cú bằng đá, thầy trụ trì Phước Cẩn kể: "Năm 2014, có dịp đi sang Myamar, thấy người ta khắc những bài kinh tiếng Ba li lên đá hay quá, vả lại đá để khắc cũng là loại đá thường thôi nên khi về thầy đặt mua đá núi Bửu Long về làm. Trước hết, khắc kinh Pháp cú là bộ kinh cốt loại của Phật Giáo Nam truyền, 473 bài kinh, khắc trên hai mặt đá, vị chi là 237 phiến đá 40 x 60cm. Chữ khắc bằng máy, theo chữ vi tính. Các bài kinh được thầy Minh Châu dịch ra từ tiếng Ba li. Biểu mẫu 8 lá bồ đề sắp theo hình Bát chánh đạo chính là vì thế". Thầy Phước Cẩn còn cho biết song song với bộ kinh Pháp cú, thầy còn tiếp tục khắc trên các phiến đá bộ kinh Bắc truyền bằng thủ công với những phiến đá lớn hơn- 90 x 120cm, bề dày 8cm và đặt vào ngàm trong những gối đá. Ngoài ra đá còn thừa thầy sẽ dùng 32 phiến đặt nằm để làm vườn A Di Đà cho trẻ em vào vui chơi. Mỗi phiến đá của các bộ kinh đều có kích thước khác nhau.

Vị thầy trụ trì chùa Phước Hậu rất hiếu khách. Tuy hôm chúng tôi đến chùa phải đón rất nhiều sư từ các nơi về để chuẩn bị nhập thất vào "An cư kiết hạ" nhưng thầy vẫn nhiệt tình đưa chúng tôi đi khắp nơi, thuyết giảng về dự án vườn kinh đá của mình. Không chỉ xây dựng các vườn kinh đá, thầy còn muốn đặt tên từng góc sân, từng khu vườn theo nguồn gốc, quê hương của các bậc sư tăng trụ trì ở đây. Như bên kia, ngó ra mặt sông là khu Yên Tử để ghi nhớ sư tổ Trúc Lâm Trần Nhân Tông, góc kia là khu Non Nước, quê nhà sư Trí Thiền và Khánh Anh, rồi khu Thất Sơn, quê gốc của sư Huyền Diệu, sư Trí Tịnh, cuối cùng là khu Tân Qui của sư Thiện Hoa và sư Thanh Trì. Ý tưởng độc đáo của thầy là vẽ một tấm bản đồ Việt Nam với cả ba miền trên khuôn viên chùa.

Vườn kinh đá trong khuôn viên chùa Phước Hậu.

Vườn kinh đá mới hình thành hơn nửa, còn bao nhiêu việc phải lo tiếp nhưng thầy trụ trì vẫn an nhiên thanh thản. Những bài kinh khắc trên đá, những phiến đá đứng, ngồi khắp khu vườn ngoài sân chùa tạo nên một "Vườn đá tảng" tuyệt vời ghi khắc những bài kinh Nam Truyền, Bắc truyền, ghi khắc trí tuệ sáng ngời, tinh anh của các đấng trí giả, hiền minh…

Bài, ảnh: CHI LAN

Chia sẻ bài viết