21/05/2024 - 16:06

Thú vị “Những lá thư không gửi” 

Cứ ngỡ “Những lá thư không gửi” (NXB Thế Giới) là tuyển tập những bức thư, nhưng đó lại là một câu chyện thú vị về cuộc sống của một cậu bé 10 tuổi. Sách của nữ nhà văn gốc Mỹ Susie Morgenstern, hiện sống ở Pháp, đã đạt trên 20 giải thưởng văn học lớn nhỏ và được độc giả trên thế giới yêu thích.

Câu chuyện xoay quanh Ernest, một cậu bé 10 tuổi, sống ở một thị trấn nhỏ nước Pháp. Mẹ mất sớm, cha bỏ đi không trở về từ sau đám tang của mẹ, Ernest sống cùng bà nội đã hơn 80 tuổi, cùng cụ bà giúp việc cũng cao tuổi không kém. Cuộc sống của cậu vì vậy khép kín từ nhà đến trường và từ trường về nhà. Nhà cậu không có tivi, cũng không có điện thoại. Bữa ăn trong ngày cũng quanh quẩn với vài món quen thuộc: bánh mì, sữa, táo và súp. Mỗi năm cậu được may 2 bộ quần áo với kiểu dáng xưa cũ. Ở trường, cậu chỉ biết học và học rất giỏi. Ở nhà, hai bà cháu cũng không nói chuyện nhiều với nhau, vì khoảng cách thế hệ quá xa. “Mười năm trôi qua trong cuộc đời cậu không có gì gấp gáp. Cậu bé sống như một ông cụ non” (trang 7).

Rồi một ngày, cuộc sống tẻ nhạt của Ernest bừng sáng với sự xuất hiện của cô bé Victoire khi đại gia đình vui nhộn của cô bé chuyển đến gần nhà Ernest. Chính họ đã làm thay đổi suy nghĩ, lối sống và mở ra cho cậu bé một thế giới mới đầy tình yêu và màu sắc. Bên cạnh đó, bí mật về cha cậu bé, về bức thư của ông nội đã mất ở chiến trường gửi cho bà nội cũng dần được sáng tỏ…

Với cách diễn giải hợp lý của tác giả, người đọc cảm thương, thấu hiểu cho một cậu bé không có tuổi thơ đúng nghĩa. May mắn thay, Victoire, cô bé của đại gia đình với 13 người anh em trai, xuất hiện và còn là bạn học cùng lớp được thầy sắp ngồi bên cạnh Ernest. Nghe lời thầy, Ernest giúp đỡ Victoire trong việc học. Còn cô bé, với sự hồn nhiên đáng yêu, đã mang đến rất nhiều màu sắc mới mẻ đến thế giới của Ernest.

Ðến chơi nhà cô bé, Ernest biết thế nào là không khí của một gia đình. Và nhờ cô bé, cậu biến rất nhiều điều “chưa bao giờ”, thành “lần đầu tiên” như ăn các món ăn mới lạ, đi siêu thị, đi xem phim, trông em bé, dự tiệc... Ðặc biệt, cậu đã mạnh dạn rủ bà nội đi ra ngoài ngắm cảnh và đi ăn nhà hàng sau mấy chục năm bà nhốt mình trong nhà. Khi cụ bà giúp việc bị bệnh phải nhập viện điều trị, gia đình của Victoire giúp nhà cậu tìm được người giúp việc mới. Ðó là Henriette, 19 tuổi. Henriette không chỉ thay đổi thói quen ăn uống của hai bà cháu bằng những món ăn ngon, mới lạ mà còn thay đổi cách trang trí, nội thất trong ngôi nhà cho tươi tắn hơn. Henriette yêu cầu bà phải lắp điện thoại để thuận tiện liên lạc; đồng thời trò chuyện, ca hát vui vẻ khiến không khí trong nhà rộn ràng…

Bắt đầu bằng màu sắc ảm đạm, nhưng câu chuyện càng ngày càng điểm xuyết những mảng màu tươi sáng, vui vẻ. Ernest và ngôi nhà cũ kỹ, người bà 80 tuổi như trở lại nhịp sống thực tại với lối sống, món ăn và cả tiếng nói cười mới mẻ. Ðặc biệt, Ernest tìm được những thông tin liên quan đến cha mình và bắt đầu một hành trình tìm kiếm người cha chưa bao giờ gặp mặt…

Câu chuyện không có nhiều kịch tính nhưng bằng giọng văn dí dỏm, nhẹ nhàng mà vẫn không kém phần sâu sắc, Susie Morgenstern đã kể một câu chuyện ấm áp với cái kết vẹn tròn làm trái tim người đọc tràn đầy hạnh phúc. Qua đó, chứng tỏ, tình yêu thương, sự thấu hiểu, sẻ chia khi được kết nối, đồng điệu và lan tỏa sẽ mang lại cuộc sống tươi đẹp cho mọi người.

CÁT ÐẰNG

Chia sẻ bài viết