20/01/2012 - 10:28

Thú vị cuộc tìm kiếm sự sống ngoài Trái đất

Quá trình công nghiệp hóa và hiện đại hóa đang khiến con người phải đối mặt với nhiều vấn đề nan giải như bùng nổ dân số, ô nhiễm môi trường, cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên... Một lúc nào đó, Trái đất sẽ không còn đủ sức nuôi tất cả mọi người và chúng ta phải nghĩ đến nơi nào khác thay thế. Nhiều thập niên qua, giới khoa học mải miết tìm kiếm những hành tinh có thể hỗ trợ sự sống ngoài Trái đất. Năm 2011 được đánh giá là năm “bội thu” của ngành này khi người ta phát hiện ra hàng loạt hành tinh và ngôi sao có điều kiện gần giống Trái đất. Đây chính là những nơi mà trong tương lai, sự sống có thể nảy mầm.

Ngoại hành tinh mát nhất từ trước đến nay

 WD0806-661 B quay quanh một ngôi sao giống như Mặt trời. Ảnh: Daily Mail.

Các nhà thiên văn học ở bang Pennsylvania, Mỹ háo hức tuyên bố họ đã chụp được ảnh một ngoại hành tinh (tức là hành tinh nằm bên ngoài Hệ Mặt trời) có thời tiết mát mẻ nhất từ trước đến nay, với nhiệt độ dao động trong khoảng 27-800 C.

Theo Giáo sư Kevin Luhman - trưởng nhóm nghiên cứu, WD0806-661 B thực chất không phải là một hành tinh nhưng là một ngôi sao rất nhỏ. Ngôi sao lùn nâu này chỉ nặng gấp 6-9 lần khối lượng của sao Mộc - hành tinh khí lớn nhất trong Thái Dương Hệ. WD0806-661 B cách chúng ta đến 63 triệu năm ánh sáng và chỉ được nhìn thấy bằng kính viễn vọng Spitzer, dụng cụ quan sát vũ trụ hiện đại nhất thế giới của Cơ quan Hàng không Vũ trụ quốc gia Mỹ (NASA). Giống như những hành tinh lạnh khác, ngôi sao này hiện lên sáng rực trong các bức hình.

Kể từ khi các sao lùn nâu đầu tiên được phát hiện năm 1995, các nhà khoa học vẫn mong muốn tìm được các sao lùn nâu khác có nhiệt độ dễ chịu như Trái đất. WD0806-661 B là phát hiện mang tính đột phá và thú vị nhất. Theo các chuyên gia, ngôi sao này hứa hẹn sẽ trở thành một “phòng thí nghiệm” trong tương lai, giúp chúng ta nghiên cứu sâu hơn về khả năng nuôi dưỡng sự sống, đồng thời hiểu rõ hơn về các ngoại hành tinh khác.

16 “Siêu Trái đất” với các nhân tố hỗ trợ sự sống

 HD85512b cách Trái đất đến 36 năm ánh sáng. Ảnh: ESO

Sau hơn 200 đêm quan sát từ Chile, các nhà thiên văn học đến từ châu Âu đã phát hiện ra một chùm 50 ngoại hành tinh mới, trong đó có 16 hành tinh được xếp vào dạng “siêu Trái đất”, nghĩa là có khả năng hỗ trợ các hình thái của sự sống. Đa số các hành tinh này đều là hành tinh đá như Trái đất và thậm chí nặng hơn cả địa cầu của chúng ta.

Trong số đó, HD85512b là hành tinh được các nhà khoa học đặc biệt chú ý vì nó nằm trong “khu vực có thể ở được”, nghĩa là có những điều kiện để sự sống bén rễ. Nặng gấp 3,6 lần Trái đất, HD85512b quay xung quanh một ngôi sao tương tự Mặt trời của chúng ta nhưng nhỏ và lạnh hơn với khoảng cách không quá gần cũng không quá xa. Nhờ đó, nhiệt độ của nó chỉ vào khoảng 30-500 C. Khí hậu ấm áp cũng đồng nghĩa với việc nước có thể hiện diện trên hành tinh này ở dạng lỏng và không khí có độ ẩm cao.

Hiện tại, các nhà khoa học đang phân tích xem liệu HD85512b được cấu tạo từ khí như sao Mộc hay từ đá như Trái đất, cũng như liệu nó có bầu khí quyển, CO2 và các loại khí khác như hành tinh chúng ta không. Tuy rằng ở cách Trái đất đến 36 năm ánh sáng và còn nhiều bí mật chưa được khám phá, HD85512b vẫn được các nhà khoa học xem là “ứng cử viên” sáng giá nhất cho hành tinh mà sự sống có thể bắt đầu.

Sao Hỏa - hành tinh ẩm ướt

 Sao Hỏa không khô khan như chúng ta nghĩ. Ảnh: NASA

Xưa nay, các giả thiết khoa học đều cho rằng sao Hỏa là một hành tinh khô hạn và chỉ chứa một ít nước đóng băng. Song, trong một nghiên cứu mới đây, các nhà thiên văn học quốc tế phát hiện rằng thượng tầng khí quyển của Hành tinh đỏ chứa lượng nước nhiều gấp hàng trăm lần chúng ta nghĩ. Mùa hè, nước ở Bắc bán cầu của sao Hỏa bốc hơi, làm lượng nước tích tụ ở thượng tầng khí quyển tăng gấp đôi. Sau đó, phần lớn lượng nước này bị phân tách thành phân tử và bay vào vũ trụ. Quá trình này tái diễn hàng tỉ năm và chứng tỏ rằng ngày xưa, nước trên sao Hỏa còn nhiều hơn bây giờ.

Tháng 8-2011, các nhà khoa học cũng khá bất ngờ khi phát hiện trên Nam bán cầu của sao Hỏa có những vật thể trông giống như sườn đồi. Đặc biệt, khi hè đến, trên các sườn đồi này xuất hiện hàng ngàn đường rãnh tối và chạy dài xuống chân đồi. Chúng dần biến mất vào mùa đông. Các nhà thiên văn học lý giải những đường rãnh kia chính là những dòng nước lỏng và mặn đang chảy. Phát hiện này đã làm thay đổi hoàn toàn hiểu biết của chúng ta về Hành tinh đỏ, cho thấy nó từng là một nơi ẩm ướt và có khí hậu ấm áp. Họ hy vọng trong tương lai, sao Hỏa sẽ xuất hiện những dấu chân đầu tiên của con người.

Sao Kim có tầng Ozone

 Tầng Ozone trên sao Kim hấp thụ tia cực tím từ Mặt trời giống như Trái đất. Ảnh: IB Times/

Các nhà khoa học châu Âu mới đây hết sức vui mừng khi khám phá ra rằng sao Kim (hay còn gọi là sao Hôm hoặc sao Mai) cũng có tầng Ozone, tương tự như Trái đất và sao Hỏa. Trong lúc quan sát các ngôi sao gần đó qua lớp khí quyển của sao Kim, các chuyên gia thuộc Cơ quan Không gian châu Âu nhận thấy các ngôi sao này ngày càng lu mờ. Họ nghiệm ra rằng chính tầng Ozone của sao Kim đã hấp thụ các tia cực tím của Mặt trời, khiến nó không thể phản chiếu vào các sao. “Đây là một phát hiện thú vị và nằm ngoài sự mong đợi”, nhóm nghiên cứu phấn khởi.

Theo các chuyên gia, tầng Ozone của sao Kim mỏng hơn của Trái đất từ hàng trăm đến hàng ngàn lần và cách bề mặt hành tinh này khoảng 100 km. Ánh nắng Mặt trời đã phân tách CO2 có trong khí quyển của sao Kim và giải phóng các nguyên tử oxy. Các nguyên tử này theo gió bay về mặt tối của sao Kim - nơi Mặt trời không chiếu đến - và kết hợp với 2 nguyên tử oxy khác hình thành các phân tử ozone (O3). Các nhà thiên văn học nhận định sự hiện diện của oxy, carbon, ozone và rất nhiều loại khí khác trên sao Kim là dấu hiệu cho thấy những hình thái sống đơn giản có thể tồn tại trên hành tinh này.

* * *

Tuy những phát hiện trong năm 2011 đã mở ra một trang mới cho hành trình tìm kiếm sự sống ngoài Trái đất, nhưng việc đưa con người lên các hành tinh này vẫn còn là vấn đề nan giải. Chẳng hạn, sao Kim được đánh giá là một môi trường sống khắc nghiệt vì nhiệt độ rất nóng (do ở gần Mặt trời) và không khí có nhiều a-xít. Để vượt qua lớp axit sulfuric H2 SO4 dày đặc, giới khoa học chỉ có thể nghĩ đến phương pháp dùng khinh khí cầu như trong quá khứ. Hoặc để hiểu thêm về “siêu Trái đất” HD85512b, người ta phải chế tạo ra một chiếc kính viễn vọng đặc biệt vì hiện chưa có chiếc kính nào có thể làm được điều đó. Hy vọng rằng với sự tiến bộ không ngừng của khoa học, con người sẽ có thể đặt chân lên các hành tinh này như đã từng thăm viếng Mặt trăng. Rồi đến một lúc nào đó, sẽ không còn là giấc mơ việc chúng ta bắt đầu gieo mầm sự sống và cho nó sinh sôi nảy nở bên ngoài Hành tinh xanh.

BẢO TRÂM (Tổng hợp)

Chia sẻ bài viết