02/07/2015 - 20:54

Thú vị cù lao Chàm

Nằm cách cửa Đại 15 km, thuộc xã Tân Hiệp thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam, cù lao Chàm là khu du lịch nổi tiếng thu hút rất nhiều du khách, đặc biệt là khi vùng biển xanh cát trắng này được UNESCO công nhận là "khu dự trữ sinh quyển thế giới" năm 2009. Chỉ cần mua tour với giá 500.000 đồng, khách sẽ được xe rước tại khách sạn (Đà Nẵng), đưa đến bến cửa Đại làm thủ tục cảng Bãi và xuống tàu cao tốc ra cù lao Chàm.

Tàu chạy vun vút, rẽ sóng trắng xóa trên biển xanh ngắt khiến khách vừa hồi hộp vừa ngây ngất trước sóng gió biển khơi. Thoáng cái, chỉ hơn 20 phút, tàu đã cập bến cảng Bãi Làng. Du khách có thể vào khu bảo tồn biển cạnh bến cảng để tham quan, tìm hiểu về cù lao Chàm- từng là thương cảng Champello của Hội An, nơi tập hợp nền văn hóa Sa Huỳnh, Chăm-pa và Đại Việt. Dân tộc Chăm trước đây sống trong các làng chài ở ven biển, nay chỉ còn dấu vết của cái giếng cổ gần bãi. Vùng cù lao này hiện có 8 đảo và gần 3.000 dân cư, chủ yếu sống bằng nghề đánh bắt hải sản. Ngay bến cảng Bãi Làng, du khách có thể tham quan chợ Tân Hiệp- chợ hải sản trong vùng với rất nhiều tôm, cá, mực và các loại ốc, nhất là ốc Vú nàng, một đặc sản của cù lao Chàm.

Bến tàu cù lao Chàm.

Trong khi chờ đợi để tàu đưa qua Bãi Chồng tắm biển, du khách có thể đi một vòng tham quan Bãi Làng. Tốt nhất là thuê xe ôm với giá khoảng 100.000 đồng cho cả lượt đi và về. Theo con đường lót đan ngoằn ngoèo, du khách sẽ gặp ngay bên đường chiếc giếng cổ của người Chăm. Giếng khá sâu, nước vẫn còn trong vắt, có thể dùng gàu kéo nước lên uống được. Xe tiếp tục chạy qua một vụng biển xanh ngắt thật êm ả, thanh bình với những chiếc tàu nhỏ đang nép mình trong vụng. Đó là vụng tránh bão của ngư dân. Vụng biển có hình như một chiếc bình, cong tròn bên trong, hẹp dần khi ra cửa biển. Từ trên nhìn xuống, vụng tránh bão hiện ra đẹp như một bức tranh. Đi thêm một chút là khoảnh đất trống nằm trên eo biển. Đó là bãi đáp trực thăng, sử dụng cho mục đích quân sự nhưng có vẻ lâu rồi không thấy máy bay đáp xuống.

Một nét cổ xưa thú vị nữa của Bãi Làng là chùa Hải Tạng, ngôi chùa 400 năm tuổi. Khi chúng tôi đến, chùa đang căng bảng, làm lễ để quyên góp trùng tu chùa. Vòng rào bằng đá tảng và những cột gỗ chạm khắc bên trong đã toát lên vẻ cổ kính của ngôi chùa. Rời chùa Hải Tạng, mấy anh xe ôm đưa chúng tôi đi một vòng qua làng chài sát bờ biển. Chúng tôi dừng lại để chụp hình hai chiếc thuyền buồm rất đẹp, có logo cù lao Chàm. Mỗi tối thứ bảy, chủ nhật, dân làng đều tụ lại đây hát hò, vui chơi, rất thú vị! Ở đây còn có một con suối mang tên là suối tình yêu, nơi có một cây vông đồng cổ thụ và một dòng suối nhỏ bên dưới. Nghe nói đêm đêm trai gái thường ra đây tâm sự, hẹn hò.

Một góc làng chài.

Đi một vòng hết Bãi Làng cũng đúng lúc đến giờ xuống tàu đi tiếp qua Bãi Chồng, cách đó chỉ khoảng 15 phút. Tài công tàu lượn một vòng tròn ngoạn mục trước khi cập bến khiến nhiều du khách thót tim như khi tham gia các trò chơi cảm giác mạnh. Đây là bãi tắm biển. Du khách nào muốn đi xem san hô thì sẽ được hướng dẫn viên đưa ra Bãi Xếp để lặn ngắm san hô. Những người không đi ở lại Bãi Chồng tắm biển hoặc nằm võng, nằm ghế bố nghỉ ngơi. Bữa ăn trưa đã đặt sẵn trong nhà hàng.

Xuất phát từ 9 giờ sáng, hơn 2 giờ trưa chúng tôi lại xuống tàu trở về bến cửa Đại, kết thúc chuyến tham quan cù lao Chàm. Trên đường về tôi cứ suy nghĩ miên man. Cù lao Chàm hay Pulau Champa, từ một thương cảng của Hội An xưa đến "khu bảo tồn biển" rồi "Khu dự trữ sinh quyển", từ chỗ bị bỏ phế hoang sơ nay thành điểm du lịch nổi tiếng, vùng biển với 8 hòn đảo này gợi lên trong lòng du khách thật nhiều cảm xúc. Chắc chắn ai đã một lần đến cù lao Chàm sẽ khó mà quên nơi đây cùng ao ước trở lại.

NGỌC TUYẾT

Chia sẻ bài viết