06/06/2008 - 09:44

Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng

* Mít tinh quốc gia hưởng ứng Ngày Môi trường Thế giới: Mỗi năm Việt Nam dành 1% kinh phí từ ngân sách để bảo vệ môi trường

Ngày 5-6-2008, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 17/2008/CT-TTg về một số giải pháp cấp bách đẩy mạnh công tác xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng theo Quyết định số 64/2008/QĐ-TTg đã ban hành từ năm 2003.

Theo chỉ thị này, Thủ tướng chỉ đạo các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kế hoạch, đẩy mạnh công tác xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, định kỳ đánh giá kết quả thực hiện, phấn đấu đến năm 2012 đạt các mục tiêu sau: Hoàn thành dứt điểm việc xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng trên phạm vi cả nước; đẩy mạnh công tác phòng ngừa, ngăn chặn ô nhiễm, tiến tới kiểm soát và hạn chế phát sinh các cơ sở gây ô nhiễm môi trường, đảm bảo phát triển bền vững đất nước trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập kinh tế quốc tế; Hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, các cơ chế chính sách về hỗ trợ xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng; tháo gỡ về căn bản các khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách, tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng phát sinh tiến hành xử lý triệt để ô nhiễm; Chấm dứt hoạt động và xử lý nghiêm đối với tất cả các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng phải xử lý triệt để nhưng không thực hiện, hoặc thực hiện không đúng tiến độ các biện pháp xử lý triệt để ô nhiễm theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; Tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động trong các cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp, các ngành, đoàn thể và toàn xã hội đối với công tác phát hiện, lập danh sách và quyết định biện pháp xử lý triệt để đối với các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

Tại văn bản quan trọng này, Thủ tướng giao nhiệm vụ rất cụ thể cho các Bộ, ngành có liên quan phối hợp với chính quyền các địa phương thực hiện; đồng thời giao cho Bộ trưởng Bộ Tài nguyên & Môi trường chịu trách nhiệm kiểm tra đôn đốc theo dõi và báo cáo định kỳ hằng năm với Thủ tướng về kết quả thực hiện Chỉ thị này.

m Ngày 5-6, tại Quảng trường 2-4, thành phố Nha Trang (Khánh Hòa), Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phối hợp cùng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN & MT), UBND tỉnh Khánh Hòa long trọng tổ chức mít tinh hưởng ứng Ngày Môi trường Thế giới (5-6) và phát động Năm quốc tế Hành tinh trái đất.

Đến dự có đồng chí Trần Đức Lương, Nguyên Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam; đồng chí Tòng Thị Phóng, Bí thư Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội và lãnh đạo Tổng LĐLĐ Việt Nam, Bộ TN & MT, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Khánh Hòa. Đại diện 16 tỉnh, thành trong cả nước và hơn 2.000 cán bộ, công nhân viên chức và các tầng lớp nhân dân tỉnh Khánh Hòa cũng tham dự.

Thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước, đồng chí Tòng Thị Phóng nhấn mạnh: Việt Nam nằm trong số những nước bị ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu. Xu thế gần đây cho thấy Bắc Trung bộ có nguy cơ gia tăng bão lũ, trong khi vùng ven biển Nam Trung bộ đang gia tăng khô hạn và có nguy cơ bị hạn hán. Việt Nam đã dành 1% kinh phí trong tổng chi ngân sách nhà nước hàng năm cho công tác bảo vệ môi trường và tăng dần tỷ lệ này theo tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế.

Tại buổi lễ, bà Setsuko Yamazaki, Giám đốc Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP) tại Việt Nam, nói: Việt Nam cần đầu tư khá lớn trong những thập kỷ tới, bao gồm cả đầu tư vào nâng cao nhận thức và giáo dục bảo vệ môi trường; xây dựng đê điều, thích ứng nền nông nghiệp trong khí hậu khô cằn và lụt lội; làm cho ngành công nghiệp hiệu quả hơn và sạch hơn, tìm các biện pháp giảm thiểu tiêu dùng nhiên liệu cacbon của mỗi người.

Với khẩu hiệu “Hãy thay đổi thói quen! Hướng đến một nền kinh tế ít cacbon”, chủ đề xuyên suốt của Ngày Môi trường Thế giới năm nay và Năm Hành tinh trái đất là vấn đề biến đổi khí hậu. Hiện nay, khí hậu biến đổi hết sức bất thường và diễn ra với tốc độ nhanh. Hầu hết các nhà khoa học đều cho rằng sự biến đổi khí hậu ngày nay phần lớn do các hoạt động của con người, chủ yếu là do chặt phá rừng và sử dụng quá nhiều nhiên liệu hóa thạch như; than đá, dầu, khí thiên nhiên. Sự phụ thuộc của con người vào nguồn năng lượng có nguồn gốc cacbon đã tạo ra một lượng tích lũy khí nhà kính đáng kể trong bầu khí quyển, đây là nguyên nhân gây nên các hiện tượng biến đổi khí hậu.n

TIÊN MINH (TTXVN)

Chia sẻ bài viết