30/08/2023 - 06:16

Thốt Nốt phát huy lợi thế, tiềm năng để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội 

Bài, ảnh: HÀ VĂN

Theo UBND quận Thốt Nốt (TP Cần Thơ), từ năm 2023 đến nay, quận nỗ lực vượt qua khó khăn, thực hiện khá tốt các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH), hỗ trợ doanh nghiệp khôi phục và phát triển sau đại dịch COVID-19. Qua đó, sản xuất công nghiệp, thương mại dịch vụ của quận trong 8 tháng năm 2023 có sự khởi sắc, đưa nền kinh tế tiếp tục duy trì tăng trưởng nhanh, bền vững.

Bốc dỡ hàng hóa tại Cảng Tân Cảng Thốt Nốt

Cảng Tân Cảng Thốt Nốt là một trong những đơn vị hoạt động tại Khu công nghiệp Thốt Nốt, thời gian qua, quận Thốt Nốt cũng như đơn vị quản lý khu công nghiệp đã tạo mọi điều kiện thuận lợi, an toàn về an ninh trật tự, phát triển cơ sở hạ tầng để Cảng Tân Cảng Thốt Nốt phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động. Theo Ban Giám đốc Cảng Tân Cảng Thốt Nốt, hiện đơn vị có tổng diện tích hoạt động là 1,1ha, trong đó cầu tàu được xây dựng dài 75m, tiếp nhận tàu và sà lan 2000DWT, dung tích bãi chứa là 7.500m2, có khả năng tiếp nhận hơn 600 container rỗng và hàng… Cảng Tân Cảng Thốt Nốt có nhiệm vụ trung chuyển hàng hóa, cung ứng dịch vụ logistics, kết nối, thông quan hàng hóa khu vực ÐBSCL và TP Hồ Chí Minh, các tỉnh phía Nam. Nơi đây là đầu mối trung tâm thông thương các loại hàng hóa, khu kinh tế trọng điểm của khu vực miền Tây Nam Bộ nói riêng và cả nước nói chung. Trong những năm qua từ 2016-2021, sản lượng trung chuyển hàng hoá từ 40.000-42.000 TEU/năm... Nhờ hỗ trợ của chính quyền địa phương, cùng với nhu cầu xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp trong quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ và các tỉnh lân cận như An Giang, Kiên Giang, Ðồng Tháp liên tục tăng trưởng cao. Do đó, Cảng Tân Cảng Thốt Nốt được đầu tư xây dựng thêm 1 cầu cảng với chiều dài hơn 80m, với mớn nước trước bến âm 7-8m phù hợp cho việc tiếp nhận tàu, sà lan trên 2000DWT và hiện đang trong giai đoạn xin công bố cầu cảng mới trong thời gian tới… Việc xây dựng mới cầu cảng góp phần thúc đẩy doanh nghiệp trên địa bàn quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ, khu vực lân cận mở rộng sản xuất và xuất khẩu hàng hóa, góp phần hoàn thành tốt nhiệm vụ phát triển KT-XH tại địa phương.

Theo Phòng Kinh tế quận Thốt Nốt, giá trị sản xuất ngành công nghiệp - xây dựng của quận từ đầu năm đến nay được 27.669,98 tỉ đồng, đạt 68,02% kế hoạch, tăng 10,23% so với cùng kỳ năm 2022. Trong tháng 8-2023, Thốt Nốt phát triển mới nhiều cơ sở sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp; nâng tổng số lượng cơ sở sản xuất công nghiệp - xây dựng của quận đến nay là 1.373 cơ sở (trong đó có 145 doanh nghiệp), giải quyết được 16.747 lao động tại địa phương và khu vực lân cận. Ông Trương Tiến Lực, Trưởng phòng Kinh tế quận Thốt Nốt, nhận định: "Ðến nay, tình hình hoạt động thuộc lĩnh vực công nghiệp - xây dựng tại quận Thốt Nốt tăng trưởng khá so cùng kỳ năm 2022, đặc biệt là đối với ngành hàng xay xát và chế biến gạo, giá gạo xuất khẩu tăng trung bình từ 8-12 USD/tấn so cùng kỳ năm 2022. Tình hình sản xuất kinh doanh có nhiều chuyển biến tích cực, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng và xuất khẩu. Tuy nhiên, các chi phí nguyên liệu đầu vào, vận chuyển, điện, xăng dầu, lãi suất ngân hàng… vẫn còn ở mức cao làm ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất của doanh nghiệp, cần hỗ trợ tháo gỡ của ngành chức năng thời gian tới".

Trong tháng 8-2023, giá trị sản xuất thương mại - dịch vụ trên địa bàn quận Thốt Nốt thực hiện cũng tăng khá cao, được 1.453,74 tỉ đồng, đạt 7,98% so kế hoạch; nâng giá trị sản xuất thương mại - dịch vụ từ đầu năm đến nay được 12.505,6 tỉ đồng, đạt 68,71% so kế hoạch, tăng 22,04% so cùng kỳ năm 2022. Hoạt động thương mại - dịch vụ phát triển và tăng trưởng khá do sức mua của người dân tiếp tục tăng. Nguồn cung các mặt hàng thiết yếu dồi dào, đảm bảo nhu cầu cho người dân mua sắm và tiêu dùng; siêu thị Co.opmart Thốt Nốt, hệ thống cửa hàng tiện lợi và các điểm bán hàng bình ổn giá phát huy tốt vai trò dự trữ hàng hóa phục vụ người tiêu dùng; đặc biệt là giá các mặt hàng thiết yếu luôn được bình ổn và kiểm tra thường xuyên. Trong tháng 8-2023, Thốt Nốt phát triển mới 24 hộ thương mại - dịch vụ, nâng tổng số cơ sở thương mại - dịch vụ đến nay là 5.898 hộ, giải quyết được khoảng 15.254 lao động tại địa phương và khu vực lân cận.

Ông Trương Tiến Lực nhấn mạnh: Những tháng cuối năm 2023, quận Thốt Nốt tiếp tục phối hợp với Sở Công Thương thành phố thông tin tình hình thị trường, hỗ trợ doanh nghiệp tìm đầu ra xuất khẩu hàng hóa, nông sản và tháo gỡ kịp thời khó khăn, tạo điều kiện thúc đẩy cho sản xuất công nghiệp phát triển. Tăng cường thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp thúc đẩy sản xuất và xuất khẩu gạo theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 610/CÐ-TTg ngày 3-7-2023. Tăng cường kiểm tra các điều kiện về sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn đối với các cơ sở đã ký cam kết thuộc trách nhiệm quản lý ngành Công Thương; đặc biệt là công tác đảm bảo an toàn thực phẩm tại chợ, siêu thị và các cửa hàng tiện lợi trên địa bàn quận. Ðẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, tăng cường phối hợp với Sở Công Thương thành phố theo dõi diễn biến thị trường, tham mưu thực hiện các giải pháp đảm bảo nguồn cung ứng hàng hóa ổn định, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng hóa thiết yếu phục vụ nhân dân. Triển khai và vận động doanh nghiệp và các cơ sở được công nhận sản phẩm OCOP tham gia trưng bày, giới thiệu sản phẩm theo Kế hoạch số 146/KH-UBND ngày 6-7-2023 của UBND TP Cần Thơ về việc tổ chức Hội chợ, triển lãm "Thành phố Cần Thơ - 20 năm thành tựu và phát triển". Nghiên cứu, đề xuất một số chính sách, giải pháp trọng tâm hỗ trợ doanh nghiệp chủ động thích ứng, phục hồi nhanh và phát triển bền vững đến năm 2025; một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong thực thi công vụ...

Chia sẻ bài viết