12/08/2015 - 20:41

Thong dong tuổi già

Với tác phẩm mới nhất "Già sao cho sướng?", bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc mang đến cho người đọc những trang viết ý nghĩa và dí dỏm về cách sống và chăm sóc sức khỏe dành cho người già. Sách cũng rất có ích cho những người chưa già và sắp già.

Sách do NXB Văn hóa – Văn nghệ TP Hồ Chí Minh phối hợp với Phương Nam Book phát hành quí III-2015.

 

Viết về kiến thức y khoa và cách chăm sóc sức khỏe một cách gần gũi, dễ hiểu và hóm hỉnh, hàng chục năm qua, bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc là tác giả rất được yêu thích với biệt danh "Bác sĩ chữa bệnh bằng văn chương". Những cuốn sách của ông như: "Viết cho các bà mẹ sinh con đầu lòng", "Gió heo may đã về", "Già ơi chào bạn!", "Thư cho bé sơ sinh và những bài thơ khác", "Thiền và sức khỏe"... được tái bản liên tục bởi góc nhìn trí tuệ và trẻ trung của tác giả về y học thường thức, thái độ lạc quan và đúng đắn với bệnh tật. Tiếp tục mạch nguồn đó, "Già sao cho sướng?" góp phần đem lại cho độc giả câu trả lời làm sao để có một tuổi già hạnh phúc.

Ở tuổi 75, bước qua 76, bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc vẫn hài hước khi cho rằng: "Kinh nghiệm rút ra là nên thường xuyên gặp gỡ những người già để thấy mình được trẻ! Nhưng theo tôi, được làm bạn với những người trẻ... dễ thương mới thực sự là hạnh phúc của tuổi già!" (trang 7). Cái nhìn thong dong, mới mẻ về tuổi già của ông truyền cảm hứng cho người đọc qua 35 bài viết. Đó là những câu chuyện từ chính bản thân ông, từ những gì ông quan sát, trải nghiệm về cách đối mặt, ứng phó với bệnh tật cho đến thụ hưởng đời sống tinh thần.

Theo bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc, người già có 3 nỗi khổ thường gặp là thiếu bạn, thiếu ăn (do kiêng cữ thái quá) và thiếu vận động. Nếu giải quyết được "ba cái lăng nhăng" đó thì có thể già mà... sướng! Ông đưa ra lời khuyên chuyên môn hợp lý để giúp người già giải quyết những khó khăn này. Quan trọng hơn, để có một tuổi già an nhiên, hạnh phúc thì phải biết chấp nhận rằng mình đã già, tìm niềm vui cho cuộc sống mỗi ngày, tạo chất lượng cuộc sống cho bản thân. Chất lượng đó có được từ việc lên "Kế hoạch già" để tránh bị sốc; biết chấp nhận "Sống trong hiện tại" mà không đắm mình trong quá khứ, hoài niệm; quí trọng mỗi giây phút để mà sống "an lạc", quên đi những tham, sân, si bất tận...

Không chỉ dành cho người già, cuốn sách còn giúp người trẻ nhìn nhận lại cách sống của bản thân để giữ sức khỏe tốt, tránh bệnh tật lúc bước vào "tuổi xế chiều". Đặc biệt là hướng dẫn cách quan tâm, chăm sóc cho ông bà, cha mẹ sao cho khoa học, hiệu quả qua các bài viết: "Chăm sóc các Cụ", "Giúp cha mẹ già vui", "Chăm sóc cận tử"... Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc cũng là người rất tâm lý khi cho rằng: người chăm sóc người già cũng rất cần được chăm sóc. Bởi con cái chăm sóc cha mẹ, nàng dâu chăm sóc mẹ chồng, cháu chăm ông... vừa cực, vừa phải chịu đựng tính khí thất thường của người già nên hay căng thẳng, mệt mỏi, cần được người thân động viên, chia sẻ. Bác sĩ đã khuyên một người phụ nữ chăm sóc mẹ chồng đã hơn 90 tuổi trong cảnh không được chồng quan tâm, hỗ trợ, rằng: "Nếu ông xã mà không chia sẻ, hỗ trợ cho một tay, hôm nào thử... bệnh vài bữa để ổng có dịp trổ tài chăm sóc mẹ xem sao! Lúc đó thì ổng mới thực sự thấu cảm!" ("Chăm sóc người... chăm sóc" - trang 150).

Cuốn sách "Già sao cho sướng?" của bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc góp thêm một góc nhìn ý nghĩa khi con người bước qua bên kia dốc của cuộc đời, để giúp người đọc có được tuổi già thong dong.

Cát Đằng

Chia sẻ bài viết