25/02/2011 - 15:01

Thon thả mà không cần ăn kiêng

Có bao giờ bạn thắc mắc tại sao bạn bè hay đồng nghiệp của mình ăn nhiều, chẳng kiêng cữ gì và hiếm khi tập thể dục nhưng vẫn “mi nhon” trong khi nhiều người có gắng kiêng kem nhưng cơ thể cứ “nở ra”? Theo các nghiên cứu gần đây những người “phàm ăn” nhưng vóc dáng vẫn “như mơ” là nhờ quá trình trao đổi chất trong cơ thể họ diễn ra nhanh.

Thông thường khi nói về quá trình trao đổi chất, chúng ta thường ám chỉ tốc độ cơ thể chuyển hóa thức ăn/thức uống thành năng lượng. Thực tế, quá trình trao đổi chất bao gồm rất nhiều quá trình quan trọng để duy trì sự sống cho cơ thể. Chuyển hóa thức ăn và thức uống thành năng lượng mới chỉ là một. Hấp thu dưỡng chất vào tế bào cũng là quá trình trao đổi chất. Và điều quan trọng là hầu hết năng lượng của cơ thể được dùng để phục vụ những chức năng cần thiết như bài tiết hoặc duy trì nhịp đập của tim.

Nhiều nghiên cứu cho thấy uống cà phê trước khi tập thể dục có tác dụng giúp cơ thể đốt cháy nhiều mỡ. Ảnh: Getty 

Chỉ số trao đổi chất cơ bản (Basal Metabolic Rate – BMR) là lượng calorie chúng ta sử dụng trong trạng thái nghỉ ngơi để duy trì hoạt động của cơ thể. Chỉ số này khác nhau ở mỗi cá nhân và cách duy nhất biết được BMR là làm xét nghiệm. Tuy nhiên, điều đó không cần thiết bằng việc bạn nên lưu ý rằng BMR tác động lớn đến tổng lượng calorie mà cơ thể đốt cháy mỗi ngày. Nếu muốn đẩy nhanh quá trình trao đổi chất, cách tốt nhất là tăng BMR. Vậy làm thế nào đẩy nhanh quá trình trao đổi chất?

1. Tăng cường cơ bắp:

Theo Nicola Lowe, chuyên gia dinh dưỡng ở Đại học Central Lancashire (Anh), cơ thể càng nhiều mô cơ, BMR càng cao. Mô cơ vốn năng động về mặt trao đổi chất và sử dụng năng lượng ngay cả khi cơ thể “ở không” trong khi mô mỡ không làm gì trong trạng thái nghỉ ngơi. Cơ cử động đòi hỏi phải có năng lượng trong khi mỡ chỉ dự trữ. Vì thế Tiến sĩ Lowe cho rằng tăng cường cơ bắp, thông qua các bài tập như cử tạ, đạp xe đạp... sẽ giúp quá trình trao đổi chất diễn ra nhanh hơn.

2. Uống cà phê:

Chất caffeine trong trà và cà phê có thể gia tăng BMR thêm khoảng 5-10% trong vòng 2 giờ. Caffeine cũng có tác dụng làm thay đổi quá trình sử dụng năng lượng của cơ thể vì thế cơ thể chuyển hóa mỡ thành năng lượng hơn là chuyển hóa đường glucose. Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng những ai dùng thức uống có chất caffeine trước khi tập luyện có xu hướng đốt cháy nhiều mỡ thừa trong cơ thể hơn.

3. Ăn nhiều tinh bột:

Chúng ta thường nghe nói người ăn kiêng nên hạn chế tinh bột. Thế nhưng thực tế việc hấp thu tinh bột có lợi cho quá trình trao đổi chất. Theo một số chuyên gia, có bằng chứng cho thấy càng ăn nhiều tinh bột, cơ thể càng đốt cháy nhiều lượng dư thừa. Trái lại nếu ăn nhiều chất béo, cơ thể sẽ tích tụ và dự trữ lại, có lẽ vì cơ thể vốn thiên về sử dụng tinh bột làm năng lượng. “Với những người ăn quá nhiều, họ có khả năng ốm hơn nếu phần dư thừa đó là tinh bột chứ không phải mỡ hay chất béo”, một bác sĩ ở Luân Đôn cho biết.

4. Đi dạo chốc lát:

Tập thể dục không làm tăng BMR ngay lập tức mà thường diễn ra sau đó vài tiếng. Khi cơ thể vận động, các cơ đốt cháy năng lượng, vận động càng nhanh thì lượng calorie đốt cháy càng nhiều và quá trình này vẫn tiếp diễn sau khi ngưng vận động. Do đó nếu duy trì thói quen luyện tập đều đặn, BMR sẽ không bao giờ trở lại mức thấp ban đầu.

5. Đừng ngồi lì một chỗ:

Nếu bạn thuộc týp thích táy máy tay chân, thói quen đó có thể giúp ích cho quá trình trao đổi chất trong cơ thể. Nghiên cứu cho thấy những người không thể ngồi yên một chỗ đốt cháy nhiều năng lượng hơn những người thụ động và thích tĩnh tại.

THÁI THANH (Theo Daily Mail)

(còn tiếp)

Chia sẻ bài viết