11/05/2017 - 22:06

Thời trang + Công nghệ = Sản phẩm như ý

Sắp tới, bạn có thể bước vào cửa hàng thời trang, tự thiết kế mẫu bằng phần mềm 3D, chọn chất liệu và màu sắc cho sản phẩm, rồi ra về với chiếc túi xách, bộ váy hay đôi giày vừa vặn và đẹp như ý muốn. Vận dụng công nghệ số và kỹ thuật in hoặc may 3D, nhiều hãng thời trang đang tạo sự khác biệt khi đón đầu xu hướng kinh doanh sản phẩm "đo ni" cho từng khách hàng.

Túi xách tự thiết kế

Lấy cảm hứng từ Build-A-Bear – hệ thống cửa hàng thú nhồi bông cho phép khách hàng tự do sáng tạo sản phẩm từ những nguyên liệu sẵn có, cô gái 33 tuổi người Úc Lana Hopkins đã sáng lập Công ty Mon Purse, chuyên sản xuất và kinh doanh túi xách do khách tự thiết kế.

Cô Lana Hopkins trong một cửa hàng của Mon Purse.

Đến với Mon Purse, khách hàng được trao một máy tính bảng iPad có sẵn phần mềm tạo hình 3D cùng các mẫu da, vải lót hay phụ kiện để tự thiết kế một chiếc túi theo ý thích. Khách sẽ nhận được sản phẩm khoảng 2-4 tuần sau đó. Tháng 12 năm ngoái, nhờ dịp Giáng sinh, công ty thu về gần 2 triệu USD tiền bán túi xách, với giá dao động từ 75-620 USD, tùy kích cỡ và mức độ cầu kỳ. Sau 3 năm hoạt động, Mon Purse hiện có 8 cửa hiệu trong nước, 3 ở Anh và 2 ở Mỹ.

Với xu hướng ngày càng có nhiều người muốn có những thứ phù hợp với cá tính, giới kinh doanh túi xách cho biết nhu cầu túi xách tự thiết kế đang tăng cao. Ra mắt cách đây chỉ 7 tháng, 1 Atelier cũng cho phép khách kết hợp màu sắc từ bảng màu được lựa chọn cẩn thận cho phần thân, dây đeo và 10 kiểu túi khác nhau. Tuy nhiên, giá bán túi xách của 1 Atelier khá đắt, dao động từ 295-7.380 USD, tùy vào chất liệu và kích cỡ chiếc túi. Còn những ai muốn có túi xách thiết kế riêng nhưng giá "mềm", công ty Toteteca của Ấn Độ sẽ làm ra những chiếc có giá từ 25-40 USD, trong đó sử dụng polyvinyl để làm túi, thay vì dùng chất liệu da vốn đắt đỏ. Về phía các công ty, loại hình kinh doanh túi xách do khách tự thiết kế này có ưu điểm là không bao giờ có hàng tồn kho như loại hình thiết kế và sản xuất hàng loạt.

Giày thể thao may theo chân từng khách hàng

Nhà sản xuất dụng cụ thể thao Adidas (Đức) đang sản xuất mẫu giày thể thao mới dựa trên một công nghệ mới mang tên Futurecraft 4D, được đánh giá vượt trội hơn cả công nghệ in 3D mà họ hiện dùng. Theo đó, đế giày được tạo ra thông qua quá trình gọi là Digital Light Synthesis (DLS) – một sáng chế của hãng Carbon (Mỹ). Futurecraft 4D khác với công nghệ in 3D thông thường vì nó tạo hình sản phẩm trong một bể nhựa chứ không phải in từng lớp, cho phép sản xuất giày hàng loạt vừa nhanh vừa rẻ. Mục tiêu cuối cùng của Adidas là cho phép khách hàng được đo ni và kiểm tra tại cửa hàng để có một đôi giày hoàn hảo phù hợp với thể trọng và dáng đi của họ.

Đầu tháng này, Hãng trang phục thể thao Pháp Salomon cũng vừa ra mắt thương hiệu giày S/LAB ME:sh (ảnh), được thiết kế và sản xuất vừa chân cho từng khách hàng, dựa trên cách di chuyển và môi trường vận động của họ. Ý tưởng về thương hiệu giày mới bắt nguồn từ Kilian Jornet – vận động viên leo núi nổi tiếng người Tây Ban Nha từng yêu cầu Salomon làm một đôi giày đặc biệt theo chân ông, một đôi giày "nhẹ như không" nhưng vẫn có đủ chức năng bảo vệ và nâng đỡ cần thiết. Sau khi yêu cầu được đáp ứng, Jornet đề nghị nhóm thiết kế làm vậy cho tất cả mọi người. Được biết, giày S/LAB ME:sh được đo và may tại chỗ, bằng cả robot lẫn thủ công, giúp làm giảm lượng khí thải các-bon và chất thải thường liên quan đến quy trình sản xuất và vận chuyển giày. Từ tháng 6, giày S/LAB ME:sh sẽ có mặt tại các cửa hàng bán lẻ ở Pháp và Bỉ.

Váy, áo được dệt dựa trên công nghệ 3D

Một ngày nào đó, công nghệ cũng sẽ cho phép bạn bước vào cửa hàng quần áo, đưa nhân viên số đo hình thể và bước ra với bộ trang phục mới may xong, chỉ riêng cho bạn. Kịch bản này đang thành hiện thực nhờ kỹ thuật dệt 3D – sử dụng sợi để dệt 3 chiều tạo ra một sản phẩm hoàn chỉnh, bao gồm áo len, áo khoác và bất cứ thứ gì có thể dệt, may.

Áo khoác dệt 3D của Ministry of Supply.

Tiên phong trong lĩnh vực này có thể kể đến thương hiệu thời trang công sở Ministry of Supply trụ sở ở Boston (Mỹ). Công ty tin chắc rằng sản xuất tại cửa hàng sẽ là tương lai của ngành bán lẻ, với lợi ích rất rõ ràng: máy dệt 3D cho phép khách hàng tùy chỉnh sản phẩm theo yêu cầu đặc biệt của họ, đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về các sản phẩm cá nhân hóa. Nó cũng giúp các cửa hàng giảm lượng hàng tồn kho, vì sản phẩm may mặc chỉ được tạo ra khi khách hàng sẵn sàng mua nó, qua đó hạn chế nguy cơ hàng không bán được và phải giảm giá bán.

Aman Advani, đồng sáng lập Ministry of Supply, cho biết máy dệt 3D di chuyển theo đường tròn, do đó, nó sẽ tạo ra một bộ trang phục trông sắc nét hơn kiểu cắt may truyền thống. Khách hàng có thể tùy chỉnh màu sắc, cổ tay áo và các nút, nhưng vẫn lựa chọn trong phạm vi các kích cỡ (size) tiêu chuẩn. Quá trình "dệt 3D" một sản phẩm mất 90 phút, trước khi được giặt sạch và sấy khô. Advani cho biết dệt 3D thường dành cho các sản phẩm cao cấp, nên giá cũng khá cao.

Trước sức hút của dệt 3D, hãng Adidas cũng đang thử nghiệm công nghệ này. Họ cung cấp dịch vụ may trang phục theo ý khách tại một cửa hàng ở Berlin như một phần trong chiến lược thúc đẩy sản xuất sản phẩm cá nhân hóa. Theo đó, khách hàng sẽ được quét ảnh 3D để lấy số đo và sở hữu chiếc áo bằng len Merino với kích thước và màu sắc họ chọn, chỉ trong vòng 4 giờ. Mỗi chiếc áo như vậy có giá khoảng 215 USD.

HOÀNG ĐIỂU
(Theo BBC, Snowboarding, New Atlas, qz.com)

Chia sẻ bài viết